Lách thuế tinh vi hàng trăm tỷ USD, các nước 'bất lực', ông Trump tung kế mới

Hàng năm các quốc gia mất vài trăm tỷ USD do công ty đa quốc gia dịch chuyển lợi nhuận, chuyển giá. Các vụ cáo buộc nhắm tới những tập đoàn lớn như Apple, Google, Amazon... nhưng hầu hết gặp khó do 'khoogn đủ căn cứ' và thậm chí bị chìm đi.

Những vụ cáo buộc chuyển giá đình đám

Năm 2016, Ủy ban châu Âu (EC) cáo buộc Apple của Mỹ đã nhận được những ưu đãi thuế bất hợp pháp và buộc tập đoàn này trả 14,5 tỷ USD tiền tránh thuế cùng với các khoản lãi suất theo quy định. Theo đó, Apple bị cáo buộc chuyển phần lớn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tại châu Âu sang Ireland, nơi có mức thuế doanh nghiệp rất thấp. Apple sử dụng các thỏa thuận thuế đặc biệt với Chính phủ Ireland để giảm thiểu số thuế phải nộp.

Chuyển giá (transfer pricing) là một vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là hành vi mà các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) điều chỉnh giá giao dịch nội bộ giữa các công ty con ở các quốc gia khác nhau nhằm tối ưu hóa lợi nhuận và giảm nghĩa vụ thuế.

Cuộc điều tra chuyển giá nhắm vào Apple đã làm rúng động châu Âu trong nhiều năm liền. Các tập đoàn lớn khác như Google, Amazon, Facebook, Nike, McDonald's, Microsoft, Ikea... cũng bị đưa vào tầm ngắm về hoạt động chuyển giá và bị cáo buộc chuyển lợi nhuận đến các "thiên đường thuế" nhằm giảm thiểu thuế suất.

Năm 2018-2019, đến lượt ông lớn công nghệ Google bị điều tra nhiều lần và bị cáo buộc trốn thuế 3,7 tỷ USD. Google bị châu Âu phản đối mạnh mẽ khi số tiền thuế phải nộp quá ít ỏi so với lợi nhuận thu được từ thị trường này.

Amazon của tỷ phú Mỹ Jeff Bezos năm 2017 bị EC điều tra hoạt động thuế và bị cáo buộc đã chuyển phần lớn lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh tại châu Âu sang Luxembourg thông qua các thỏa thuận thuế đặc biệt, giúp gần 3/4 lợi nhuận của công ty không bị đánh thuế. EC yêu cầu hãng công nghệ này phải hoàn 250 triệu euro (tương đương hơn 300 triệu USD) tiền thuế.

Chính quyền ông Trump giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm khuyến khích các công ty giữ lợi nhuận tại Mỹ thay vì chuyển ra nước ngoài. Ảnh: ITP

Chính quyền ông Trump giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm khuyến khích các công ty giữ lợi nhuận tại Mỹ thay vì chuyển ra nước ngoài. Ảnh: ITP

Trước đó, ông lớn đồ uống Mỹ Starbucks cũng bị cáo buộc có lợi nhuận rất thấp tại Anh bằng cách trả phí bản quyền thương hiệu và phí mua nguyên liệu với giá cao cho công ty con tại Hà Lan. Điều này khiến lợi nhuận tại Anh giảm, dù doanh thu cao.

Hay tập đoàn công nghệ Mỹ Microsoft hồi năm 2014 bị điều tra và kết luận chuyển lợi nhuận từ các thị trường lớn về một vùng lãnh thổ đặc biệt của Mỹ là Puerto Rico, nơi có chính sách thuế ưu đãi. Microsoft sử dụng mô hình bán quyền sở hữu trí tuệ để giảm thuế phải nộp.

Facebook, Ikea, Nike, McDonald's... cũng bị cáo buộc chuyển giá, lách thuế, tối đa hóa lợi nhuận.

Một số kết quả ban đầu và kinh nghiệm chống chuyển giá

Trong nhiều thập kỷ qua, chuyển giá là hiện tượng phổ biến trên thế giới, nhất là tại các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, việc xử lý không hề dễ dàng. Phần lớn vụ việc bị đình trệ hoặc không có kết quả, có chăng hiệu quả nằm ở những trường hợp tập đoàn đóng trụ sở chính tại nước điều tra, thu thuế.

Như trường hợp Apple năm 2017 bị cáo buộc phải nộp 14,3 tỷ USD nhưng tập đoàn này sau đó kháng cáo, năm 2020 Tòa án EU tuyên bố Apple không phải nộp số thuế này. Đây cũng là khoảng thời gian ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 1. Sức mạnh của nước Mỹ có thể khiến các nước khác e dè.

Với vụ Amazon phải nộp 250 triệu euro, Tòa án châu Âu năm 2021 cho rằng EC đã không chứng minh được Luxembourg có lợi thế về thuế bất hợp pháp dành cho Amazon. EC sau đó kháng cáo nhưng vụ việc chưa có kết quả.

Nike bị EU điều tra chuyển giá vào năm 2019 do sử dụng công ty con tại Hà Lan để nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ, sau đó các chi nhánh toàn cầu phải trả phí bản quyền rất cao để sử dụng thương hiệu, giúp giảm lợi nhuận chịu thuế. EU điều tra và yêu cầu Hà Lan điều chỉnh chính sách thuế đối với Nike, nhưng chưa có phán quyết cuối cùng.

Một số trường hợp kết quả phạt không như mong muốn. Năm 2019, Google chỉ phải nộp 500 triệu euro tiền phạt tại Pháp.

Năm 2015, Starbucks bị EC yêu cầu nộp lại 30 triệu euro tiền thuế cho Hà Lan. Tuy nhiên, năm 2019, Tòa án châu Âu đã hủy bỏ quyết định này, cho rằng EC không chứng minh được việc vi phạm.

Còn với Microsoft, tập đoàn này năm 2023 bị buộc phải trả 28,9 tỷ USD tiền thuế cho cơ quan thuế Hoa Kỳ (IRS). Đây là khoản được cho là chưa nộp từ năm 2004-2013. Microsoft không đồng tình với yêu cầu của IRS và sau đó tiếp tục kháng nghị.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hàng năm, nhiều quốc gia mất hàng trăm tỷ USD do các công ty đa quốc gia dịch chuyển lợi nhuận sang những nơi có mức thuế thấp hơn. Các trung tâm tài chính như Ireland, Thụy Sĩ, Luxembourg và quần đảo Cayman trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn.

Trước những thách thức từ chuyển giá, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Tổ chức OECD đã khởi xướng Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) với nhiều khuyến nghị nhằm hạn chế chuyển giá. Các nước đẩy mạnh hạn chế việc sử dụng các thiên đường thuế; quy định chặt chẽ hơn về giá chuyển nhượng; yêu cầu chứng minh giao dịch nội bộ giữa các công ty liên kết phải tuân theo nguyên tắc "giá thị trường"; tăng cường hợp tác quốc tế để phát hiện các giao dịch bất thường; áp dụng chế độ thuế tối thiểu toàn cầu...

Tại Mỹ, Washington áp dụng Luật Chống lạm dụng chuyển giá, yêu cầu các công ty chứng minh giao dịch nội bộ hợp lý. Chính quyền ông Donald Trump giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 21% nhằm khuyến khích các công ty giữ lợi nhuận tại Mỹ thay vì chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Còn tại Anh, nước này áp dụng thuế lợi nhuận chuyển nhượng (Diverted Profits Tax), đánh thuế cao lên lợi nhuận bị chuyển ra nước ngoài. Với Ấn Độ, chính quyền New Delhi có cơ chế kiểm tra giá chuyển nhượng chặt chẽ, yêu cầu các tập đoàn cung cấp báo cáo chi tiết về giao dịch liên kết.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là trên lý thuyết. Ngay cả Mỹ và một số nước phát triển cũng khó xử lý vấn đề này. Bên cạnh các mối quan hệ qua lại, các nước thường nỗ lực hút vốn FDI nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.

Trong nhiệm kỳ 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tung ra loạt sắc lệnh, trong đó nổi bật giảm thuế cho doanh nghiệp hoạt động tại Mỹ và đánh thuế hàng hóa nhập khẩu. Ưu tiên của ông Trump là hút dòng vốn đổ vào Mỹ. Trong bối cảnh các nước đua nhau hút vốn FDI thì rất khó dùng các biện pháp mạnh lên chuyển giá.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lach-thue-tinh-vi-hang-tram-ty-usd-cac-nuoc-bat-luc-ong-trump-tung-ke-2373453.html
Zalo