'Lạ lùng' nữ nhà văn trò chuyện tưởng tượng với tác giả đã mất

Nhà văn, dịch giả Khánh Phương vừa chuyển ngữ thành công 3 cuốn sách của triết gia Arthur Schopenhauer. Chị cho biết đã đặt ảnh của tác giả ngay trước mặt để lúc bí từ sẽ 'thì thầm' hỏi ý kiến để hoàn thiện bản dịch tốt nhất.

- Nhà văn vừa hoàn thành quá trình chuyển ngữ một số cuốn sách, trong đó có 3 cuốn triết học của Arthur Schopenhauer. Chị có thể cho biết về nội dung này?

Thực ra tôi đã hoàn thành những cuốn sách này từ năm 2023 nhưng giờ mới đủ duyên xuất bản. Thời gian chờ đợi kéo dài hàng năm nhưng khi đủ chín cùng một lúc trình làng 6 cuốn: Đừng bao giờ lùi bước - chân dung vị lãnh tụ bất tử Abraham Lincoln (tác giả Dale Carnegie); Thao túng tâm lý đám đông (Dale Carnegie); Chìa khóa vạn năng của sự thịnh vượng (Napoleon Hill) và 3 cuốn sách triết học của Arthur Schopenhauer. Ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến 3 tác phẩm của Schopenhauer bởi chúng rất đặc biệt.

Ba cuốn sách của triết gia Arthur Schopenhauer do nhà văn Khánh Phương biên dịch.

Ba cuốn sách của triết gia Arthur Schopenhauer do nhà văn Khánh Phương biên dịch.

- Tôi rất tò mò muốn biết điều đặc biệt mà chị muốn nói về 3 cuốn sách triết học này?

Trí tuệ nhân sinh được cho là một trong những ấn phẩm xuất sắc của Arthur Schopenhauer, phân tích yếu tố hạnh phúc và giải thích làm sao để con người có thể đạt được nó. Schopenhauer xuất bản tác phẩm vào năm 1851, là một trong những triết gia đầu tiên nghiên cứu triết học phương Đông, phản ánh và đưa vào bối cảnh phương Tây. Về bản chất, những gì ông nêu ở đây là hệ thống phân cấp tháp nhu cầu Maslow ở một định dạng khác. Đây chính là một tác phẩm mang tính hoàn thiện và phát triển bản thân khá ấn tượng cho bất cứ ai có cơ hội tiếp cận.

Với cuốn Tự do đích thực, Schopenhauer chia sẻ những châm ngôn và lời khuyên về cách có thể làm cho cuộc đời của mình trở nên đáng sống hơn. Những lời khuyên lành mạnh về các khía cạnh khác nhau cần được đọc và suy ngẫm một cách chậm rãi, không nên vội vàng lướt qua. Người trẻ và trung niên khi xem sách sẽ cảm nhận môi trường sống trở nên dễ thở hơn, giúp họ chuẩn bị cho năm tháng vàng son của mình. Còn các độc giả cao tuổi sẽ thấy Schopenhauer như một người bạn soi sáng quãng đường còn lại.

Nếu có xu hướng thích nhìn mọi thứ trong ánh hào quang rất có thể bạn sẽ thấy cuốn sách của bậc thầy triết học bi quan đầy hoài nghi. Nhưng nếu đã va vấp với sự giả dối và hiếm khi gặp một người chân thành đúng nghĩa thì độc giả rất vui khi có được một người bạn đồng hành và tìm thấy sự hóm hỉnh, an ủi trong quan điểm có phần chua chát của tác giả. Chỉ xét về mức độ trung thực và bản lĩnh của Schopenhauer, tác phẩm này xứng đáng là một trong những cẩm nang triết học vĩ đại nhất về cách sống đúng đắn.

Trong cuốn sách Sự đau khổ của tình yêu và sự sống, tác giả cho rằng, đau khổ không phải là vô nghĩa bởi vì tất cả đều là một phần kế hoạch của vũ trụ. Ông đưa ra quan điểm về mức độ có thể tránh được hoặc ít nhất là giảm thiểu nỗi đau khổ này. Đó là những lời khuyên rất có ích của một bộ óc vĩ đại.

Có thể không sai khi cho rằng những nội dung trong các luận điểm của ông khá bi quan. Nhưng bi quan ở đây không phải là bi lụy, không phải nói về những kẻ thua cuộc đau khổ trong cuộc sống. Mà đó là sự bi quan mang tính tích cực của một người biết về nỗi đau khổ hiện hữu để đừng kỳ vọng quá mức. Nhìn thế giới ở mức thấp hơn thì ngưỡng hài lòng cũng tương tự, do đó dễ tìm thấy hạnh phúc hơn.

Hạnh phúc đến từ việc thoát khỏi nỗi đau chứ không phải là theo đuổi niềm vui. Nguồn gốc của hạnh phúc nằm trong chính mỗi bản thể, khiến sức khỏe thể chất và sự bình yên trong tâm hồn trở nên quan trọng. Dựa vào nguồn hạnh phúc bên ngoài chỉ dẫn đến sự hài lòng ngắn ngủi, kéo theo là cảm xúc tiêu cực. Điều quan trọng là tìm kiếm hạnh phúc bên trong và trau dồi khả năng tự lập nhằm đạt được sự hài lòng bền lâu.

-Triết học thường rất khó đọc, khó diễn cảm, đặc biệt khó chuyển ngữ, chị có áp lực gì không khi biên dịch 3 cuốn sách này?

Hãy nhớ rằng những tác phẩm của Schopenhauer được viết vào giữa thế kỷ 19 ở Đức nên chứa đựng một số khía cạnh mà thế giới bây giờ rất khó thực hiện được. Thế nên, có nhiều từ ngữ cổ và vô cùng khó tìm từ tương đương. Khi biên dịch, tôi phải nỗ lực truyền tải nội dung, giữ được thông điệp thâm thúy của người viết nhưng không quá sa đà, chọn lọc nội dung tinh túy nhất.

Dịch 3 tác phẩm này ngốn thời gian bằng 30 cuốn sách dịch khác, tiêu tốn khá nhiều năng lượng cũng như vật chất. Tôi đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để làm việc, ví dụ như chọn một khu nghỉ dưỡng yên tĩnh chỉ có một mình, đồ ăn tinh khiết thuần chay, âm nhạc cổ điển… Thậm chí, tôi đặt ảnh của Schopenhauer trước màn hình máy tính để lúc bí từ sẽ “thì thầm” với tác giả: “Ý của ngài ở đây là gì hỡi vĩ nhân Arthur Schopenhauer?”… Đầy áp lực nhưng cũng rất tự hào vì bản thân đã vượt qua chính mình!

Nhà văn, dịch giả Khánh Phương

Nhà văn, dịch giả Khánh Phương

- Chị tâm đắc điều gì trong triết lý của tác giả Arthur Schopenhauer?

Đó là hãy tận hưởng sự tĩnh lặng và bình an của ngày hôm nay - luôn nhớ rằng hôm nay chỉ đến một lần và không bao giờ trở lại.

Schopenhauer khuyến khích mỗi người nắm bắt khoảnh khắc hiện tại và duy trì sự cân bằng trong cuộc sống. Đừng sống trong quá khứ hoặc lo lắng về tương lai, vì có thể làm hỏng trạng thái tâm trí ngay lúc này. Hãy tưởng tượng một người luôn lo lắng về những sai lầm thời quá khứ và lo sợ điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Họ không bao giờ thực sự tận hưởng thời gian của mình với bạn bè, gia đình hoặc chiều theo sở thích cá nhân.

Những tác phẩm của Schopenhauer nên đọc ít nhất một lần, đặc biệt dành cho những người quan tâm đến triết học, cũng như những độc giả đang tìm kiếm một số ý tưởng về cách phát triển bản thân. Cuối cùng, mục đích và khát khao tột đỉnh nhất của triết gia Schopenhauer chính là chuẩn bị cho cái chết thanh thản. Đọc Schopenhauer sẽ khiến bạn chấp nhận thực tế, trưởng thành và hạnh phúc hơn. Đọc Schopenhauer để nhìn ra chân ái cuộc sống.

Thiên Di

(Ảnh: NVCC)

Triết gia Arthur Schopenhauer

Triết gia vĩ đại Arthur Schopenhauer, người Đức là một nhân vật vô cùng mâu thuẫn với những dòng triết lý nhân sinh kinh điển. Ông sinh năm 1788 ở Dansig (nay là Gdansk thuộc Ba Lan) trong một gia đình thương gia giàu có. Schopenhauer rất mê đọc sách, trong thư viện của ông có 1.375 cuốn sách. Schopenhauer sử dụng thành thạo tiếng Latinh, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha.

Năm 1812, Đại học Tổng hợp Jena đã trao cho Schopenhauer học vị Tiến sĩ Triết học. Năm 1820, Schopenhauer nhận được học hàm Phó giáo sư và bắt đầu đi dạy triết học ở Berlin. Năm 1831, do dịch hạch lan tràn ở Berlin nên Schopenhauer đã rời bỏ thành phố này tới Frankfurt trên sông Main. Năm 1839, Schopenhauer được nhận giải thưởng của Hội Khoa học Hoàng gia Na Uy nhờ công trình Về tự do của ý chí con người. Năm 1843, ông cho tái bản Thế giới như là ý chí và biểu tượng và còn viết thêm tập hai cho tác phẩm này. Schopenhauer mất tại Frankfurt ngày 21/9/1860.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nu-nha-van-tro-chuyen-tuong-tuong-voi-tac-gia-da-mat-de-hoan-thien-ban-dich-2287389.html
Zalo