Là chủ của Thiên Đình, tại sao Ngọc Hoàng lại sợ hãi đến trốn cả vào gầm bàn, phải nhờ cậy Phật Tổ Như Lai khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung?

Trong Tây Du Ký 1986, cảnh Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung là điểm nhấn nổi bật, khiến các vị thần tiên kinh sợ và lẩn trốn. Vì sao lại như vậy?

"Tây Du Ký," một trong tứ đại danh tác của văn học cổ điển Trung Hoa, nổi bật bởi những câu chuyện thần thoại đầy màu sắc. Tác phẩm qua nhiều thế kỷ vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận, thu hút hàng triệu độc giả.

Với xuất thân cao quý "con trời cháu đất," Ngộ Không sớm thể hiện căn cơ vượt trội. Chính vì vậy, trong số các đệ tử, chỉ mình Ngộ Không được Bồ Đề Tổ Sư bí mật truyền thụ tiên đạo. Đạo gia vốn nhấn mạnh vào con đường tu tập độc lập và thanh tịnh, nên dẫu có nhận nhiều đệ tử, bậc thầy cũng chỉ chân truyền duy nhất cho một người.

Nhận thấy Ngộ Không là người được trời đất sinh ra với tiềm năng vượt trội, Bồ Đề Tổ Sư không chỉ truyền dạy phép trường sinh bất tử mà còn ban cho 72 phép thần thông biến hóa. Sau khi nắm được thuật Cân Đẩu Vân và các pháp môn thần diệu, Tôn Ngộ Không tự đắc, khoe khoang khả năng biến hóa khôn lường.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bồ Đề Tổ Sư, nhận ra hành vi này, lập tức quát mắng đuổi những người khác đi và gọi Ngộ Không đến cảnh cáo: "Ngộ Không, lại đây! Ngươi sử dụng thần thông thế nào mà tùy tiện biểu diễn trước mặt người đời? Nếu để lộ, ngươi sẽ gặp tai vạ, khó giữ được tính mạng!"

Sau cùng, tổ sư quyết định đuổi Ngộ Không, đồng thời bắt y thề rằng sau này không được nhận mình là đệ tử của ông. Tuy nhiên, hành động này không xuất phát từ cơn giận, mà bởi Bồ Đề Tổ Sư đã tiên đoán được tương lai đầy sóng gió nhưng vinh quang của Tôn Ngộ Không.

Bồ Đề Tổ Sư hiểu rõ đồ đệ của mình, dù ngang bướng và hay gây họa, nhưng lại mang tiềm năng tu thành chính quả. Việc đuổi Ngộ Không đi thực chất là cách để ông đặt nền móng vững chắc, tiễn biệt đồ đệ trên con đường tu tập.

Những phép thuật như 72 phép Địa Sát mà Bồ Đề Tổ Sư dạy không chỉ là phương pháp rèn luyện, mà còn là hành trang giúp Ngộ Không tự tin vượt qua những thử thách trên con đường vân du bốn bể. Sau khi tu học, Ngộ Không đạt được sức mạnh phi thường, có thể đi mây về gió, chứng đắc tiên quả, khiến cả quỷ thần khiếp đảm và làm kinh động cả thượng giới.

Khi nghe lời Ngưu Ma Vương, Tôn Ngộ Không xuống Đông Hải đoạt Như Ý Kim Cô Bổng (Định Hải Thần Châm) và một bộ kim giáp. Sau đó, y bị Hắc Bạch Vô Thường bắt xuống âm phủ. Trong cơn phẫn nộ, Ngộ Không đại náo âm phủ, xóa sổ sinh tử của loài khỉ.

Tuy nhiên, càng mạnh mẽ và được kính nể, Tôn Ngộ Không lại càng kiêu ngạo. Y chê chức Bật Mã Ôn thấp kém, tự xưng vương là Tề Thiên Đại Thánh, liên tục gây náo loạn Thiên Đình. Ngộ Không trộm đào tiên, uống ngự tửu, lấy cắp tiên đan, giao đấu với Na Tra, đại chiến Nhị Lang Thần và cuối cùng ngông cuồng thách thức cả Phật Tổ, đòi Ngọc Hoàng nhường ngôi.

Trong tình thế bất lực, Ngọc Hoàng buộc phải cầu cứu Phật Tổ Như Lai. Nhưng dù sở hữu thuật Cân Đẩu Vân, Tôn Ngộ Không vẫn không thoát được lòng bàn tay của Phật Tổ và bị giam cầm suốt 500 năm dưới Ngũ Hành Sơn.

Trong nguyên tác, trên hành trình thỉnh kinh, thầy trò Đường Tăng đối mặt với vô số yêu quái. Nhiều lần, Tôn Ngộ Không phải nhờ sự trợ giúp của các chư Phật và thần linh.

Rõ ràng, pháp thuật của các vị tiên thượng vượt trội hơn hẳn khỉ đá. Dẫu 72 phép Địa Sát hay Cân Đẩu Vân có phi thường đến đâu, so với các đấng chân tu siêu phàm vẫn chỉ là "trò vặt."

Vậy tại sao khi Ngộ Không đại náo thiên cung, Ngọc Hoàng và các vị thần tiên lại không nghênh chiến?

Suy cho cùng, trước khi tu thành chính quả, Tôn Ngộ Không vẫn chỉ là một yêu hầu bản lĩnh. Hơn thế, Ngọc Hoàng và Thái Thượng Lão Quân nhiều lần mở lối, để y có cơ hội tu tập.

Ngọc Hoàng không động binh không phải vì thiếu pháp lực, mà bởi muốn dùng Đạo để thu phục kẻ ngông cuồng, bởi y vốn có cơ duyên để quay về chính đạo.

Dung (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/la-chu-cua-thien-dinh-tai-sao-ngoc-hoang-lai-so-hai-den-tron-ca-vao-gam-ban-phai-nho-cay-phat-to-nhu-lai-khi-ton-ngo-khong-dai-nao-thien-cung/20250126073657549
Zalo