'Lá chắn mềm' bảo vệ chính sách dân tộc, tôn giáo trước những biến động

Trong bối cảnh xuất hiện nhiều biểu hiện 'tự trị mềm', cực đoan hóa tôn giáo và xuyên tạc chính sách dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần trở thành 'lá chắn mềm' - nơi lòng dân, ý Đảng được chuyển hóa thành sức mạnh.

Cần sự vào cuộc mềm dẻo nhưng kiên quyết từ các tổ chức chính trị - xã hội

Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa gửi đến Quốc hội tháng 5/2025 phản ánh hàng loạt băn khoăn, kiến nghị của cử tri và nhân dân liên quan đến lĩnh vực dân tộc, tôn giáo.

Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là: Các chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đôi khi chưa đến được với đồng bào một cách thấu đáo, thuyết phục, do khoảng cách từ văn bản đến thực tiễn, do thông tin thiếu đồng bộ, và do sự bóp méo có chủ đích từ các thế lực chống phá.

Cử tri tại một số tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang phản ánh tình trạng một bộ phận cán bộ cơ sở chưa sâu sát, gây hiểu nhầm về đối tượng thụ hưởng chính sách dân tộc, tôn giáo. Đặc biệt, một số hộ dân ở vùng đồng bào Khmer phản ánh việc “khó tiếp cận chính sách hỗ trợ nhà ở, nước sạch” dù đủ điều kiện.

“Tại xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), dù thuộc diện đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều hộ dân Khmer vẫn chưa được tiếp cận thông tin rõ ràng về chính sách vay vốn sửa nhà, dẫn đến hoài nghi và bị đối tượng xấu lôi kéo” – báo cáo giám sát của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng quý 1/2025 cho hay.

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã kiến nghị nhiều nội dung thiết thực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã kiến nghị nhiều nội dung thiết thực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), theo phản ánh của ban công tác Mặt trận cơ sở, có tình trạng một số cán bộ thôn, ấp chậm cập nhật văn bản hướng dẫn, khiến việc triển khai hỗ trợ cho hộ nghèo đồng bào Khmer bị trì trệ so với kế hoạch. Điều này đã tạo ra khoảng trống thông tin, tạo cơ hội xuất hiện tin đồn thất thiệt về sự phân biệt đối xử chính sách.

Không ít nơi xuất hiện biểu hiện cộng đồng khép kín, cực đoan hóa niềm tin tôn giáo, kích động dân tộc chủ nghĩa cục bộ. Một số luận điệu xuyên tạc rêu rao “bị phân biệt đối xử”, “bị bỏ quên”, thậm chí công khai cổ súy cho tư tưởng “tự trị mềm”. Những nguy cơ này đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, mềm dẻo nhưng kiên quyết từ các tổ chức chính trị – xã hội, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Không chỉ “nghe” mà còn “nói”: Vai trò phản biện của Mặt trận

Khác với các cơ quan hành chính hay chuyên ngành, Mặt trận không làm thay chính sách nhưng giữ vai trò rất đặc biệt: Là nơi tiếp nhận ý kiến nhân dân, chuyển hóa thành kiến nghị chính sách và phản biện chính trị - xã hội đúng lúc.

Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho thấy, thời gian qua, Mặt trận các cấp đã kiến nghị nhiều nội dung thiết thực như: Bổ sung chính sách hỗ trợ điện, nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm điều kiện hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, chống kỳ thị, phân biệt tôn giáo trong đời sống xã hội.

Một ví dụ điển hình là tại tỉnh Gia Lai, năm 2024, Mặt trận cấp xã đã phản bác kịp thời tin đồn thất thiệt cho rằng chính quyền "ép buộc chuyển đạo" trong vùng đồng bào Bahnar. Thông qua hội nghị tiếp xúc, đối thoại tại cộng đồng và vai trò trung gian của già làng, chức sắc tôn giáo, niềm tin của người dân được củng cố.

Tại huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), Mặt trận đã chủ trì mô hình “Đối thoại chính sách định kỳ tại bản” với sự tham gia của đại diện chính quyền, người có uy tín, chức sắc tôn giáo và thanh niên dân tộc thiểu số. Mô hình này được đánh giá cao vì kịp thời giải tỏa bức xúc, ngăn chặn thông tin sai lệch lan truyền qua mạng xã hội.

Năm 2024, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức hơn 6.200 cuộc tiếp xúc, đối thoại với đồng bào dân tộc thiểu số và các tổ chức tôn giáo trên cả nước, giúp tiếp nhận hơn 18.000 ý kiến, kiến nghị (trong đó 35% liên quan trực tiếp đến các vấn đề chính sách dân tộc, tôn giáo).

Song việc phản ánh ý kiến của nhân dân mới chỉ là một nửa vai trò của Mặt trận các cấp.

Thách thức lớn hơn là “định hướng lại niềm tin” khi chính sách bị bóp méo, khi một bộ phận đồng bào mất niềm tin hoặc bị tác động bởi thông tin sai lệch.

Mặt trận cần chủ động lên tiếng, tuyên truyền chính sách bằng ngôn ngữ gần gũi với dân, thông qua mạng lưới người có uy tín, các tổ chức tôn giáo chân chính, và cán bộ Mặt trận cơ sở.

Từ khối đại đoàn kết đến “lá chắn mềm” bảo vệ chính sách

Dân tộc và tôn giáo là lĩnh vực dễ bị tổn thương, dễ bị lợi dụng. Không phải ngẫu nhiên mà các thế lực thù địch luôn tập trung phá hoại chính sách ở hai lĩnh vực này.

Bảo vệ chính sách dân tộc, tôn giáo cũng chính là bảo vệ nền tảng chế độ.

Tại xã Ma Ly Pho (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) năm 2023 từng xảy ra vụ việc đối tượng phản động xuyên tạc chính sách đất đai, kêu gọi “tự quản theo bản làng”. Chính Mặt trận và người có uy tín tại địa phương đã tổ chức buổi họp dân bất thường, phối hợp Đồn Biên phòng tuyên truyền, giúp ổn định tình hình chỉ sau 5 ngày.

Tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), giữa năm 2024 xuất hiện nhóm đối tượng lôi kéo đồng bào Vân Kiều “hồi hương” về rừng, với luận điệu phản đối chính sách di dân định cư. Mặt trận huyện đã nhanh chóng phối hợp các đoàn thể tổ chức diễn đàn dân chủ, mời chính người từng hưởng lợi từ chương trình định cư phát biểu, giúp lật tẩy ý đồ xấu.

Ở tuyến đầu ấy, Mặt trận chính là “lá chắn mềm” từ lòng dân, là lực lượng trung gian nhưng có sức mạnh tập hợp – kết nối ý Đảng với lòng dân, chuyển hóa tinh thần chính sách thành hành động thiết thực trong đời sống cộng đồng.

“Không ai hiểu dân bằng người trong dân. Không ai bảo vệ chính sách bằng niềm tin từ chính đồng bào” – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác dân tộc, tôn giáo năm 2024.

Muốn thực sự phát huy vai trò “lá chắn mềm”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần: Nâng cao chất lượng nắm bắt dư luận nhân dân; chủ động phản bác thông tin xuyên tạc ngay từ cơ sở; hỗ trợ chính quyền trong việc thực hiện chính sách đúng đối tượng, đúng nhu cầu; tăng cường đối thoại với các tổ chức tôn giáo và dân tộc thiểu số bằng tinh thần tôn trọng, hợp tác và xây dựng.

Khi thông tin sai lệch có thể lấn át sự thật, thì chính sách đúng vẫn chưa đủ, mà còn phải được truyền đạt đúng, thực thi đúng và có sự đồng thuận từ nhân dân.

Trong bối cảnh năm 2025 là thời điểm sơ kết giữa kỳ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025–2030, vai trò của Mặt trận không chỉ là “đi cùng dân”, mà còn là cầu nối giữa lý tưởng chính trị và nguyện vọng thiết thân của từng gia đình, từng thôn bản.

Muốn vậy, cần một lực lượng đặc biệt: Hiểu dân – tin Đảng – nói được tiếng nói của cả hai phía.

Đó không ai khác chính là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – nơi hội tụ trí tuệ, niềm tin và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; cầu nối để chính sách dân tộc, tôn giáo được lan tỏa và bảo vệ không chỉ bằng văn bản pháp lý mà bằng chính sự ủng hộ từ lòng dân.

Minh Dực

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/la-chan-mem-bao-ve-chinh-sach-dan-toc-ton-giao-truoc-nhung-bien-dong-2404135.html
Zalo