Lá chắn tên lửa Vòm Vàng (Golden Dome): Một kế hoạch tham vọng và tốn kém
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố khởi động dự án lá chắn phòng thủ tên lửa không gian 'Vòm Vàng' (Golden Dome) trị giá hàng trăm tỷ USD, ông không chỉ khơi lại giấc mơ của những người tiền nhiệm như Ronald Reagan mà còn làm nóng lại một trong những mặt trận nguy hiểm nhất của thế kỷ XXI: không gian vũ trụ.
Nếu Chiến tranh Lạnh chứng kiến cuộc chạy đua tên lửa và vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô, thì nay không gian, đặc biệt là quỹ đạo Trái Đất, đã trở thành điểm nóng chiến lược giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc và một số cường quốc mới nổi.
Trên bề mặt, "Vòm Vàng" được thiết kế để bảo vệ nước Mỹ khỏi những cuộc tấn công bằng tên lửa từ các đối thủ. Hàng nghìn vệ tinh nhỏ, được điều khiển bằng công nghệ AI và mạng lưới cảm biến tinh vi, sẽ đóng vai trò như những chiếc khiên bay, sẵn sàng phát hiện và bắn hạ tên lửa địch ngay khi chúng vừa rời bệ phóng.

Tổng thống Donald Trump công bố dự án phòng thủ tên lửa "Vòm vàng" hôm 20/5. Ảnh: Nhà Trắng
Ông Trump không giấu tham vọng đưa nước Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên sở hữu một hệ thống phòng thủ tên lửa không gian hoàn thiện, gần như tuyệt đối, giống như Israel đã làm với "Vòm Sắt" (Iron Dome) nhưng ở quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, khi đi vào phân tích sâu, tham vọng này không chỉ là chuyện phòng thủ. Đây là một thông điệp chiến lược gửi đến cả Nga lẫn Trung Quốc - những đối thủ đang từng bước thách thức ưu thế quân sự và công nghệ của Mỹ trên không gian.
Giới phân tích quốc tế nhận định, nếu "Vòm Vàng" thực sự được triển khai, nó sẽ đánh dấu một bước nhảy vọt về học thuyết quân sự: từ việc kiểm soát mặt đất, trên không, trên biển sang kiểm soát vũ trụ.
Song, liệu điều này có khả thi? Các chuyên gia chỉ ra nhiều vấn đề nan giải. Trước hết là chi phí: Tổng thống Donald Trump nói về khoản đầu tư ban đầu 25 tỷ USD, nhưng Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) đã cảnh báo rằng, tổng chi phí có thể vượt 500 tỷ USD trong 20 năm tới, chưa kể chi phí duy tu, nâng cấp, thay thế các vệ tinh bị hỏng hoặc phá hủy.
Kinh nghiệm từ các dự án quân sự trước đây, như chương trình "Chiến tranh giữa các vì sao" dưới thời Tổng thống Ronald Reagan cho thấy, những tham vọng vũ trụ thường vấp phải rào cản kỹ thuật, vượt quá năng lực tài chính, và kéo dài hàng thập kỷ mới có thể hiện thực hóa. Hơn nữa, vấn đề kỹ thuật là một điểm nghẽn.
Một báo cáo của Hiệp hội Vật lý Mỹ khẳng định để bảo vệ nước Mỹ khỏi chỉ 10 tên lửa Hwasong-18 của Triều Tiên, cần đến 16.000 tên lửa đánh chặn đặt trên quỹ đạo. Nếu Mỹ muốn có thêm 30 giây để phản ứng, con số này phải lên tới 36.000. Đó là chưa kể những yếu tố phức tạp khác: giả sử Mỹ muốn bảo vệ các mục tiêu ngoài lục địa, như Alaska hay Guam, hoặc bảo vệ các đồng minh NATO, số lượng tên lửa đánh chặn sẽ tăng gấp bội.
Đáng nói hơn, "Vòm Vàng" không chỉ đối diện với thách thức từ những tên lửa siêu thanh, các hệ thống quỹ đạo phân đoạn mà còn từ chính những vũ khí chống vệ tinh mà Nga và Trung Quốc đang gấp rút phát triển.
Chẳng hạn, vệ tinh Cosmos 2553 của Nga, dù chưa được trang bị vũ khí, được coi là nguyên mẫu cho một thiết bị có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có thể xóa sổ toàn bộ cụm vệ tinh của Mỹ trên quỹ đạo thấp. Trung Quốc cũng không kém cạnh, với các vệ tinh "cơ động cao", các robot không gian, thậm chí các thiết bị laser có thể làm mù hoặc vô hiệu hóa vệ tinh đối phương. Tướng Stephen Whiting, chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, đã cảnh báo về tốc độ phát triển "đáng kinh ngạc" của kho vũ khí chống vệ tinh Trung Quốc.
Đây không còn là viễn cảnh của phim khoa học viễn tưởng. Trong vài năm gần đây, đã có những cuộc đối đầu âm thầm ngoài không gian mà giới phân tích gọi là "chiến tranh trong bóng tối". Tháng 5/2024, vệ tinh Cosmos 2576 của Nga đi vào quỹ đạo song song với vệ tinh gián điệp USA 314 của Mỹ, một hành động bị coi là "đe dọa rõ ràng". Pháp, vốn có các dự án không gian độc lập, đã phải lên kế hoạch phát triển "vệ tinh vệ sĩ" có khả năng phát hiện, thậm chí phản công bằng robot hoặc vũ khí năng lượng định hướng.
Mỹ cũng không đứng ngoài cuộc chơi này. Theo dữ liệu của COMSPOC, một công ty giám sát không gian, tháng trước, vệ tinh Mỹ USA 324 đã áp sát chỉ cách 12-17km so với cặp vệ tinh tình báo TJS-16 và TJS-17 của Trung Quốc - một khoảng cách cực kỳ nhỏ trong điều kiện không gian. Nhà thiên văn học Jonathan McDowell từ Harvard nhận định đây là "kiểu hành vi mà chính Lầu Năm Góc từng chỉ trích khi Trung Quốc áp sát vệ tinh Mỹ". Nói cách khác, không gian đang trở thành một mặt trận nơi cả ba cường quốc đều chơi trò "mèo vờn chuột".
Ở góc độ luật pháp quốc tế, dự án "Vòm Vàng" còn gợi lên những tranh cãi chưa có lời giải. Hiệp ước Ngoài không gian 1967, nền tảng pháp lý quan trọng nhất về quản lý không gian, cấm đặt vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt ngoài vũ trụ nhưng không cấm các loại vũ khí phi hạt nhân. Điều này đồng nghĩa, về mặt pháp lý, những hệ thống chống vệ tinh, các robot quân sự, hay laser phòng thủ đều không vi phạm hiệp ước, nhưng lại đặt ra khoảng trống pháp lý nghiêm trọng.
Các chuyên gia như Michael Krepon (Trung tâm Stimson) cảnh báo rằng nếu không sớm cập nhật khung luật, cuộc chạy đua không gian có thể bùng nổ ngoài kiểm soát. Nỗ lực của Nga và Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) nhằm đàm phán một hiệp ước cấm vũ khí không gian đã bị Mỹ bác bỏ, với lý do văn bản thiếu tính toàn diện. Song chính điều này cũng làm dấy lên câu hỏi: Mỹ có đang tự đẩy mình vào thế bị cô lập?
Phản ứng của các đồng minh cũng không đồng nhất. Canada, đối tác phòng thủ không gian lâu năm của Mỹ, đang đàm phán để gia nhập "Vòm Vàng". Trong khi đó, Pháp bày tỏ lo ngại và phát triển những dự án độc lập. Các nước châu Âu khác như Đức, Anh hay Italy thận trọng, lo ngại chi phí khổng lồ cũng như nguy cơ bị kéo vào một cuộc chạy đua ngoài khả năng tài chính. Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel - những đối tác then chốt của Mỹ - có thể chia sẻ gánh nặng công nghệ và tài chính, nhưng họ cũng đối mặt với sức ép từ các đối thủ khu vực, buộc phải duy trì cân bằng chiến lược.
Về rủi ro kinh tế, không gian ngày nay không chỉ phục vụ quân sự mà còn vận hành kinh tế toàn cầu: viễn thông, định vị GPS, điều phối hàng không, giao dịch tài chính, điều hành lưới điện, tất cả đều dựa vào các vệ tinh. Một vụ tấn công vào các hạ tầng này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế, gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi ngày. Báo cáo của Lloyd's of London từng ước tính một cuộc tấn công mạng nhắm vào GPS có thể làm nền kinh tế Mỹ thiệt hại hơn 1 tỷ USD/ngày.
Bên cạnh đó, chi phí hơn 500 tỷ USD cho "Vòm Vàng" đặt ra bài toán ngân sách không dễ giải: khi nợ công Mỹ vượt mốc 35 nghìn tỷ USD, Quốc hội phân cực, liệu một siêu dự án quân sự có vượt qua được rào cản chính trị?
Một số nhà kinh tế, như Paul Krugman, cảnh báo về "hiệu ứng lấn át", khi chi tiêu quân sự kéo lãi suất tăng, làm suy giảm đầu tư tư nhân, kìm hãm tăng trưởng dài hạn. Điểm mấu chốt cuối cùng là niềm tin chiến lược.
Trong một thế giới nơi quan hệ Mỹ - Trung, Mỹ - Nga xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên, mọi bước đi quân sự đều dễ bị diễn giải như mối đe dọa. "Vòm Vàng" có thể bị coi là bước mở đường cho năng lực tấn công phủ đầu, chứ không chỉ là lá chắn phòng thủ. Vòng xoáy an ninh (security dilemma) sẽ đẩy các bên vào cuộc chạy đua không điểm dừng.
Các chuyên gia quốc tế đề xuất một lối đi khác: khởi động đàm phán ba bên Mỹ - Nga - Trung để xây dựng cơ chế "kiểm soát rủi ro" ngoài không gian, tránh leo thang ngoài ý muốn. LHQ, Liên minh châu Âu (EU) hay ASEAN, dù không trực tiếp tham gia cuộc chơi không gian, có thể đóng vai trò trung gian, tạo áp lực ngoại giao, thúc đẩy các cường quốc hành động có trách nhiệm.
Kết lại, "Vòm Vàng" là biểu tượng của một thời đại mới, nơi không gian trở thành mặt trận chiến lược bên cạnh đất liền, biển cả và không trung. Bài toán đặt ra không chỉ là sức mạnh công nghệ, mà còn là khả năng quản trị rủi ro, xây dựng lòng tin, hợp tác quốc tế. Trong kỷ nguyên mà mọi động thái đều có thể được giám sát từng centimet, câu hỏi lớn hơn là: liệu các nhà lãnh đạo toàn cầu có thể kiềm chế trước cám dỗ sức mạnh tuyệt đối, để giữ cho bầu trời không trở thành chiến trường thế kỷ XXI?