Kỳ vọng vươn tầm giá trị di sản văn hóa Huế

Trước vận hội mới, di sản văn hóa Huế giàu tiềm năng đứng trước ngưỡng lịch sử được cởi bỏ 'tấm áo' gò bó để tỏa sáng giá trị lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ ra toàn thế giới.

Du khách nước ngoài với cổ phục cung đình tại Đại Nội Huế. Ảnh: Châu Lê

Du khách nước ngoài với cổ phục cung đình tại Đại Nội Huế. Ảnh: Châu Lê

Từ ngày 1/1/2025, thành phố Huế trở thành 1 trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam. Như lời Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Phương, Huế sẽ lấy lại vị thế của chính mình. Nhìn lại quá trình nỗ lực và chờ đợi 28 năm của Huế, 5 thành phố trực thuộc Trung ương khác đã vươn mình phát triển mạnh mẽ và có vị thế quan trọng riêng trên bản đồ Việt Nam.

Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 trung tâm kinh tế vượt trội cả nước với thu ngân sách trên 500 ngàn tỷ đồng. Thành phố mang tên Bác được xem là đầu tàu kinh tế, còn Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục quốc gia. Cả hai thành phố trở thành hạch tâm để các địa phương vệ tinh xung quanh được cất cánh, như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu phía nam; Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh ở phía bắc.

Hải Phòng xếp thứ 3 về thu ngân sách với hình ảnh đậm nét - thành phố cảng, trung tâm giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và thế giới. Đà Nẵng ngày nay cũng đã phát triển thành thành phố đáng sống, cơ sở hạ tầng hiện đại và trung tâm trong chuỗi liên kết vùng của kinh tế miền Trung. Hàng ngày, sự luân chuyển hàng hóa và con người quốc tế hay nội địa từ Đà Nẵng trung chuyển khắp miền Trung. Cần Thơ có vị thế tương tự Đà Nẵng tại vùng Đông Nam Bộ rộng lớn, là điểm kết nối tài chính, thương mại, giao thông, giáo dục đào tạo của toàn khu vực.

Nhìn ra như vậy mới thấy được rằng, Huế khi đã là thành phố trực thuộc Trung ương, nhất định cũng tìm cho mình một chỗ đứng vững chắc, mang tính biểu tượng tầm cỡ quốc gia. Từ đó, Huế cũng đặt dưới một áp lực “tích cực” để tháo bỏ những vấn đề nội tại, thay đi lớp áo “nhàn nhã”, “chậm chắc” để khoác lên mình quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm tìm lại vị thế quan trọng riêng - trung tâm văn hóa di sản của Việt Nam.

 Trình diễn diều Huế tại Festival Huế 2024. Ảnh: Bảo Phước

Trình diễn diều Huế tại Festival Huế 2024. Ảnh: Bảo Phước

Huế được định hướng trở thành trung tâm về phát triển kinh tế dựa trên bảo tồn di sản, kinh tế xanh thì hình ảnh tương ứng chính là một thành phố di sản, xanh, sạch và đẹp. Vị thế của Huế khiến tôi gợi nhớ đến hình ảnh đặc trưng của thành phố Rome với Đấu trường La Mã, thành phố cổ Kyoto đại diện cho văn hóa Nhật Bản, Vạn Lý Trường Thành tại Trung Quốc. Nói đến Huế, thế giới sẽ nghĩ đến 13 đời vua Triều Nguyễn, Kinh thành và đền đài lăng tẩm đậm bản sắc văn hóa Việt.

Để làm được điều đó, các sản phẩm dịch vụ văn hóa di sản hiện nay cần được nâng cấp ở đẳng cấp quốc tế thể hiện qua sự thẩm mỹ và tinh tế. Như ông Nguyễn Văn Phương đã khẳng định rõ, Huế sẽ có thêm nguồn tài chính từ tự chủ ngân sách, và vị thế của thành phố trực thuộc Trung ương cũng là thỏi nam châm để thu hút nhà đầu tư, nguồn nhân lực giỏi đến với Huế. Sự đầy đủ về tài chính và cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ là chìa khóa để tạo ra sự cách mạng về sản phẩm dịch vụ văn hóa di sản cho Huế.

Để phát triển một ngành kinh tế mang tầm vóc quốc tế, các thành phố trung ương khác đã khai thác nguồn tài chính dồi dào hơn để phát triển cơ sở hạ tầng tiện ích, hiện đại, đặc biệt là hệ thống giao thông. Bên cạnh đó, sự kỳ vọng về tốc độ phát triển kinh tế vượt trội của thành phố Trung ương cũng tạo sức hút đối với đổi mới sáng tạo và nhà đầu tư. Về thu hút nguồn lao động, Hồ Chí Minh, Hà Nội chính là những mảnh đất vàng cho người lao động khắp nơi với dân số mỗi thành phố gấp 8 lần Huế. Đà Nẵng sau khi phát triển cũng đã trở thành điểm hội tụ thu hút rất nhiều nhà đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng của cả miền Trung, trong đó có cả Huế.

Chúng ta đặt riêng cho ngành du lịch và văn hóa là trọng điểm của chiến lược thu hút tài chính, nguồn nhân lực để thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng chung cho tất cả mọi người. Thành quả của quá trình đó là một kinh thành 13 đời Triều Nguyễn được phục dựng ngày một đầy đủ và đẹp hơn. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật hoàng cung kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ hiện đại thể hiện sự sáng tạo, đổi mới vừa kể được câu chuyện lịch sử vừa tạo sự mới lạ thu hút giới trẻ. Để từ đó, Kinh thành Huế và các sản phẩm mang tính lịch sử xứng đáng là niềm tự hào của người Việt Nam đối với khách du lịch muôn phương.

Trong một hình hài mới, ngành du lịch và văn hóa nên thể hiện sự tiên phong về đổi mới, phát triển cho một thành phố trực thuộc Trung ương với vị thế trung tâm văn hóa di sản mang tầm vóc thế giới.

NGUYỄN ĐOÀN QUỐC ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/ky-vong-vuon-tam-gia-tri-di-san-van-hoa-hue-149816.html
Zalo