Kỳ vọng thị trường bất động sản hồi phục

Theo số liệu báo cáo của DKRA Vietnam, trong quý III vừa qua, 18.000 sản phẩm đã được đưa ra thị trường. Sản lượng tiêu thụ cũng tăng đáng kể ở phân khúc nhà ở 'vừa túi tiền', với mức giá căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh trung bình khoảng 60 triệu đồng/m2.

Tại các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, căn hộ mức giá dao động trên dưới 30 triệu đồng/m2 chiếm tỷ lệ lớn trong tổng giao dịch. Thị trường căn hộ thứ cấp cũng sôi động với các dự án chung cư đã bàn giao, giá giao dịch tăng từ 5- 9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, phân khúc nhà phố, biệt thự và đất nền cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực với 6.000 sản phẩm được đưa ra thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty DKRA Vietnam cho biết, từ sau ngày 1/8, 3 Luật mới có hiệu lực thi hành nhưng đến nay chưa có nhiều dự án được triển khai vì thị trường đang cần thêm thời gian để “thẩm thấu” các thay đổi về pháp lý, những vướng mắc pháp lý cần sớm được tháo gỡ để gia tăng nguồn cung cho thị trường.

Thời gian tới, phân khúc nhà ở sẽ trở nên khan hiếm, đặc biệt là đất nền có sổ, đất thổ cư tại các khu đô thị có dân cư hiện hữu, nơi có tỷ lệ tiêu thụ tăng hơn 30%. Đặc biệt, khi bảng giá đất mới được ban hành, mặt bằng giá của phân khúc nền thổ cư, đất có sổ tăng đột biến. Nhất là với điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực hơn, lãi suất cho vay hấp dẫn, thị trường có kỳ vọng phục hồi tốt hơn. Đất nền tại các khu vực có đầy đủ tiện ích, pháp lý rõ ràng và đất thổ cư vẫn sẽ là điểm sáng, thúc đẩy nguồn cung tăng. Dự báo, cuối năm 2025, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sẽ bước vào một chu kỳ phát triển mới, với kỳ vọng tăng trưởng bền vững và sôi động hơn.

Ông Ngô Hữu Trường, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, thị trường bất động sản mặc dù có dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn không ít khó khăn, nhất là niềm tin của nhà đầu tư chưa thể sớm phục hồi. Về phía các doanh nghiệp, nhiều công ty bất động sản đang đối mặt với khó khăn pháp lý, lượng hàng tồn kho còn lớn và dòng tiền bị gián đoạn. Chi phí đầu vào cho việc triển khai dự án mới cũng như xử lý các vấn đề tồn đọng cũ vẫn gặp trở ngại, dẫn đến chi phí tăng cao và việc định giá thị trường khó có thể giảm.

Trong ngắn hạn, đến cuối năm nay hoặc đầu năm 2025, thị trường vẫn còn gặp nhiều thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải kiên cường để cùng nhau vượt qua khó khăn. Và để làm được điều này, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, gia tăng các giao dịch mua bán, sáp nhập để thu hút nguồn vốn mới. Quan trọng nhất là làm sao giải quyết các vướng mắc pháp lý một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiết giảm chi phí.

“Đối với các doanh nghiệp, quan trọng cần phải chọn đúng thị trường, đúng phân khúc, hướng đến đúng đối tượng khách hàng tiềm năng. Tập trung vào sản phẩm bất động sản có giá trị thực, nhà ở thật. Tiếp theo là đúng thời điểm, chọn đúng "điểm rơi" để dự án có thể triển khai nhanh chóng và hấp thụ tốt. Đồng thời, cần phải định giá đúng. Như vậy, ngoài yếu tố vĩ mô và chính sách pháp luật, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải tái hoạch định chiến lược và phát triển một cách bài bản hơn. Theo tôi, đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sẽ tăng trưởng tốt hơn và sẽ có những bước tiến mạnh mẽ vào năm 2026”, ông Trường nêu quan điểm.

Bàn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định, thị trường bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh đan xen giữa vùng "tối" và "xám", song đã thoát khỏi vùng đáy khó khăn nhất. Từ quý II/2023, thị trường đã bắt đầu từng bước phục hồi và xu thế này sẽ không bị đảo ngược. Đến nay, thị trường đã có mức tăng trưởng dương, đạt khoảng 6-7%, cho thấy sự phục hồi. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, số lượng căn hộ đã giảm hơn 94,9%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân. Không có bất kỳ dự án mua bán và sáp nhập (M&A) nào được thực hiện, trong khi đó các thương vụ M&A có thể giúp giải phóng hàng tồn kho nhanh hơn và mang lại những chủ đầu tư có năng lực tài chính mạnh hơn. Một vấn đề khác là giá nhà ở tăng từ 15-20% do quy luật cung cầu.

“Ngoài ra, một vấn đề đáng quan tâm chính là sức khỏe của doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn bất ổn. Do đó, nên "liệu cơm gắp mắm", cân nhắc kỹ lưỡng năng lực đầu tư, tránh dàn trải và bố trí nguồn lực tài chính sao cho phù hợp. Nhất là, doanh nghiệp cần đáp ứng tốt các yêu cầu pháp lý về đầu tư, tín dụng, đảm bảo an toàn tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh để duy trì sự ổn định nội bộ của doanh nghiệp, hướng đến phát triển bền vững”, ông Châu khuyến nghị.

Minh Tuyết

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ky-vong-thi-truong-bat-dong-san-hoi-phuc-156863.html
Zalo