Kỳ vọng tạo sự bứt phá từ thế hệ doanh nông mới

Đồng Tháp đang chứng kiến sự “trỗi dậy” của một thế hệ doanh nông trẻ đầy nhiệt huyết và sáng tạo. Từ “bệ đỡ” của nền nông nghiệp truyền thống, bằng một góc nhìn mới, sáng tạo, nhiều doanh nông trẻ đã mang đến một “cú hích” cho kinh tế nông nghiệp Đất Sen hồng. Với tầm nhìn xa và tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nông trẻ đang trở thành động lực quan trọng, góp phần đưa Đồng Tháp vươn lên thành một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp hiện đại của đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.

Lê Quốc Trung - Giám đốc Công ty TNHH Xag Mekong, huyện Tam Nông (bên trái) cùng cộng sự thu thập dữ liệu về tình trạng sức khỏe cây lúa trên cánh đồng

Số hóa - “chìa khóa” để ngành hàng lúa gạo bứt phá

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Tam Nông trù phú, anh Lê Quốc Trung - Giám đốc Công ty TNHH Xag Mekong, huyện Tam Nông luôn trăn trở về việc nâng cao giá trị và phát triển bền vững cho ngành lúa gạo quê hương. Với niềm đam mê nông nghiệp và tinh thần đổi mới, anh Trung đã không ngừng tìm kiếm những giải pháp hiện đại để ứng dụng vào sản xuất.

Năm 2019, anh Lê Quốc Trung quyết định thử nghiệm sử dụng máy bay không người lái (drone) trong canh tác lúa. Việc sử dụng drone để gieo hạt, phun thuốc, bón phân đã mang lại hiệu quả bất ngờ, góp phần giúp giải quyết bài toán thiếu lao động và giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, anh Trung nhận ra rằng, để nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, cần phải có một giải pháp toàn diện hơn. Từ đó, anh cùng đội ngũ của mình nghiên cứu và triển khai mô hình ứng dụng công nghệ máy bay viễn thám kết hợp sử dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất lúa.

Về định hướng phát triển của doanh nghiệp, anh Lê Quốc Trung chia sẻ: “Việc ứng dụng công nghệ máy bay viễn thám và trí tuệ nhân tạo vào sản xuất lúa không chỉ là xu hướng mà còn là giải pháp cấp thiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Bằng cách thu thập và phân tích hàng loạt dữ liệu chi tiết từ đồng ruộng, chúng tôi có thể nắm bắt được một cách toàn diện về tình trạng “sức khỏe” của cây lúa, đưa ra những quyết định canh tác chính xác và kịp thời. Điều này không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian mà còn giảm thiểu rủi ro do sâu bệnh, thời tiết bất lợi gây ra. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ cao góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng”.

Câu chuyện của anh Lê Quốc Trung không chỉ là câu chuyện của một người nông dân mà còn là câu chuyện về sự đổi mới và sáng tạo trong nông nghiệp. Qua đó thấy rằng, bằng việc kết hợp canh tác truyền thống với công nghệ hiện đại, chúng ta có thể tạo ra những đột phá, góp phần đưa ngành lúa gạo của Việt Nam vươn xa hơn trên trường quốc tế.

Anh Nguyễn Trung Tính - đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Alpha Amin cùng cộng sự - chị Lê Thị Kim Thoa nghiên cứu tìm giải pháp giải quyết “điểm nghẽn” của ngành hàng ếch

Anh Nguyễn Trung Tính - đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Alpha Amin cùng cộng sự - chị Lê Thị Kim Thoa nghiên cứu tìm giải pháp giải quyết “điểm nghẽn” của ngành hàng ếch

Vượt qua “điểm nghẽn” bằng giải pháp xanh

Ngoài lúa gạo, nuôi trồng thủy sản được xem là một trong những thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp. Song, với những tác động từ biến đổi khí hậu và phương pháp chăn nuôi truyền thống đang bộc lộ nhiều “điểm nghẽn” và nhu cầu tiêu dùng của thị trường đang ngày càng khó tính đã khiến nghề chăn nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu được sự nhọc nhằn và khó khăn của người nông dân quê mình, năm 2020, anh Nguyễn Trung Tính, đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Alpha Amin (xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh) cùng các cộng sự bắt đầu nghiên cứu tìm giải pháp giúp nông dân nuôi ếch huyện Cao Lãnh và huyện Tháp Mười thoát khỏi tình trạng “nút thắt cổ chai”.

Anh Nguyễn Trung Tính chia sẻ về hành trình khởi nghiệp: “Khi đi sâu tìm hiểu từng mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất của ngành hàng ếch, chúng tôi nhận ra có rất nhiều “điểm nghẽn”, là rào cản khiến cho ngành hàng ếch không thể “cất cánh”. Cụ thể, ở khâu chăn nuôi, người nông dân chỉ biết sản xuất dựa vào kinh nghiệm truyền thống, thị trường thì mù mờ và phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và các chợ đầu mối. Phía các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thì lại cần một lượng lớn ếch thương phẩm sạch kháng sinh để chế biến xuất khẩu, nhưng không tìm được nguồn cung ổn định từ nông dân. Đây là nguyên nhân chính khiến ngành hàng ếch rơi vào tình trạng “nút thắt cổ chai” như thời gian qua. Do đó, để giúp nông dân vượt qua khó khăn, giúp các nhân tố trong chuỗi sản xuất có thể gặp nhau, chúng tôi phải tìm ra giải pháp”.

Năm 2020, anh Nguyễn Trung Tính và các cộng sự bắt đầu nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vào giải quyết một số vấn đề trong quy trình nuôi ếch tại huyện Cao Lãnh và huyện Tháp Mười. Cuối năm 2022, Nhóm nghiên cứu chính thức cho ra mắt thị trường Bộ giải pháp Antibio X2 thay thế kháng sinh và sản phẩm BiO Gen1 xử lý môi trường trong nuôi thủy sản; sản phẩm lạp xưởng ếch tươi Amin Pro. Chị Lê Thị Kim Thoa, cùng tham gia dự án nghiên cứu với anh Nguyễn Trung Tính chia sẻ: “Dự án này không chỉ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng đầu vào cho ngành thủy sản mà còn mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng. Bằng cách giảm ô nhiễm môi trường nước nuôi thủy sản, dự án tạo điều kiện cho tuần hoàn nguồn nước và gia tăng miễn dịch tự nhiên cho động vật thủy sản, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu các mặt hàng thủy sản Việt Nam”.

Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Alpha Amin đang phối hợp với một số nông dân ở huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh xây dựng chuỗi chăn nuôi và chế biến ếch khép kín. Theo đó, ếch được chăn nuôi áp dụng giải pháp Antibio X2 thay thế kháng sinh và sản phẩm BiO Gen1 xử lý môi trường trong nuôi thủy sản của công ty sẽ được doanh nghiệp xuất khẩu bao tiêu đầu ra 100% với mức giá ổn định. Song song đó, để tạo thêm giá trị gia tăng cho chuỗi, phần thịt thăn của ếch được chế biến thành sản phẩm lạp xưởng ếch tươi Amin Pro. Hiện sản phẩm lạp xưởng ếch tươi Amin Pro đã được Hội đồng thẩm định OCOP huyện Cao Lãnh thông qua với kết quả đạt 3 sao.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản hoàn thiện và bền vững tại Đồng Tháp. Thời gian gần đây, Đồng Tháp xuất hiện nhiều doanh nông trẻ với những mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã góp phần giúp nền kinh tế nông nghiệp của Đồng Tháp phát triển mạnh mẽ. Trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương, Đồng Tháp xác định doanh nghiệp sẽ đóng vai trò như một “nhạc trưởng”, dẫn dắt và kết nối toàn bộ các thành phần trong chuỗi giá trị. Nhờ đó, thông tin thị trường và yêu cầu của khách hàng sẽ được truyền đạt một cách nhanh chóng, chính xác đến nông dân, giúp họ chủ động sản xuất theo đúng nhu cầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ là cầu nối để đưa sản phẩm nông nghiệp của Đồng Tháp đến gần hơn với người tiêu dùng, thông qua việc tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, đa dạng và đáp ứng thị hiếu của thị trường. Việc xây dựng chuỗi giá trị hoàn thiện không chỉ giúp nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Gần đây, bên cạnh việc đẩy mạnh các mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics, chế biến và bảo quản nông sản, các doanh nghiệp trẻ tại Đồng Tháp chủ động tìm kiếm và đưa ra những giải pháp sáng tạo để xây dựng các chuỗi ngành hàng thế mạnh theo hướng hoàn thiện và bền vững. Qua việc xác định và giải quyết từng điểm nghẽn trong chuỗi sản xuất, các doanh nghiệp này đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao giá trị sản phẩm, rút ngắn chuỗi cung ứng và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Nhờ đó, mô hình kinh tế nông nghiệp của Đồng Tháp đang dần chuyển dịch theo hướng hiện đại và bền vững hơn.

Mỹ Lý

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/ky-vong-tao-su-but-pha-tu-the-he-doanh-nong-moi-129054.aspx
Zalo