Kỳ vọng những bước tiến mới trong phát triển du lịch
Bên cạnh du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, năm 2025, loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng là một trong những mũi nhọn của du lịch Hà Tĩnh.
Quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Hà Tĩnh đến đông đảo du khách
Năm 2024, hoạt động du lịch thế giới và trong nước nhìn chung có phần trầm lắng do tác động từ suy thoái của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường xúc tiến quảng bá… ngành Du lịch Hà Tĩnh đã từng bước phục hồi và phát triển.
Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, năm 2024, các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh đã thu hút khoảng 5,6 triệu lượt khách tham quan (đạt 162,5% so với kế hoạch năm 2024), trong đó có 913.000 lượt khách lưu trú, 15.718 lượt khách quốc tế... Nhiều địa phương thu hút được lượng du khách lớn như: Cẩm Xuyên (hơn 1,19 triệu lượt), Nghi Xuân (gần 1,1 triệu lượt), TX Kỳ Anh (850 nghìn lượt)... Một số khu, điểm du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng du khách tham quan, nghỉ dưỡng như: Thiên Cầm (Cẩm Xuyên); chùa Hương Tích, Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc); Hải Thượng Lãn Ông (Hương Sơn); đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh); đền Chợ Củi, biển Xuân Thành (Nghi Xuân)...
Để có được những kết quả đó, ngay từ đầu năm 2024, các địa phương đã ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch để đón tiếp du khách.
Ông Trần Quốc Nhật - Phó Trưởng ban Quản lý Khu du lịch (KDL) Thiên Cầm cho biết: “Năm 2024, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, huyện Cẩm Xuyên, KDL Thiên Cầm đã tiến hành chỉnh trang 15 hạng mục, tiêu biểu như: di dời hệ thống ki-ốt nhà hàng ven biển, xây dựng bờ kè, đường đi bộ ven biển; sắp xếp lại hệ thống nhà hàng hải sản trong KDL, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh nâng cấp, chỉnh trang hệ thống cơ sở lưu trú, xây dựng nhiều sản phẩm mới hấp dẫn. Qua đó, tạo cho KDL diện mạo mới, nâng cao chất lượng dịch vụ... góp phần thu hút lượng khách lớn”.
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, Thiên Cầm cũng được tỉnh chọn tổ chức lễ khai trương du lịch biển cấp tỉnh với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao sôi nổi. Nhờ đó đã góp phần giúp Thiên Cầm có sự “bùng nổ” du khách trong mùa hè năm 2024. Hầu hết những tháng cao điểm (6, 7, 8), các cơ sở lưu trú ở đây luôn kín phòng. Tính cả năm 2024, KDL Thiên Cầm đã thu hút 830 nghìn lượt khách, trong đó có 400 nghìn lượt khách lưu trú, tăng 122% so với năm 2023, tổng doanh thu ước đạt 200 tỷ đồng.
Bên cạnh đầu tư xây dựng điểm đến, năm 2024, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của Sở VH-TT&DL, các địa phương đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động. Nổi bật như các lễ hội: chùa Hương Tích, Hải Thượng Lãn Ông, đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, đền Chợ Củi, Giỗ Tổ Hùng Vương… Đặc biệt, nhiều địa phương đã tổ chức khai trương du lịch biển rất sớm. Các sự kiện được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao sôi nổi đã góp phần thu hút du khách về với quê hương núi Hồng - sông La.
Sở VH-TT&DL và các đơn vị liên quan như: Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã tổ chức, tham gia nhiều hội nghị, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và quốc tế. Qua đó, giới thiệu và kết nối với các đơn vị lữ hành xây dựng tour, tuyến về Hà Tĩnh một cách hiệu quả.
Ông Trần Nguyễn Huỳnh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết: “Trong năm, trung tâm đã tổ chức nhiều chuyến farmtrip mời doanh nghiệp lữ hành khảo sát các điểm đến trong tỉnh, đồng thời lấy ý kiến đánh giá, góp ý về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các vấn đề liên quan của từng điểm đến, cơ sở SXKD dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch. Các góp ý này được tiếp thu nhằm đầu tư, nâng cao chất lượng du lịch trên địa bàn”.
Đặc biệt, năm 2024, Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều sự kiện, lễ kỷ niệm lớn mang tầm quốc gia như: 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, 110 năm Ngày sinh Anh hùng Lý Tự Trọng, Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Những hoạt động này góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Hà Tĩnh đến du khách mọi miền.
Mở ra triển vọng mới
Bên cạnh du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, năm 2025, loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng được Hà Tĩnh tập trung xây dựng, hứa hẹn sẽ mở ra triển vọng mới.
Những ngày này, tại điểm du lịch Đông Trà (xã Hương Trà) và thôn Phú Lâm (xã Phú Gia) của huyện Hương Khê, người dân đang tích cực hoàn thiện những phần việc cuối cùng để chuẩn bị đón tiếp du khách; tại xã Thịnh Lộc (Thạch Hà) cũng đang tiến hành xây dựng mô hình du lịch cộng đồng nhiều triển vọng… Đây là kết quả sau nhiều nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương trong thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Ông Trần Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực xây dựng 2 điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững tại thôn Đông Trà (xã Hương Trà) và bản Phú Lâm (xã Phú Gia). Trong đó, thôn Đông Trà có tổng diện tích 12.719,3m2 thì có gần 85% diện tích làm điểm tham quan du lịch trải nghiệm, check-in vườn xoan, đồi cao su, đồi sim, đồi chè và các biểu tượng nông cụ sản xuất, sân khấu biểu diễn, cắm trại… Đông Trà cũng đã được UBND tỉnh công nhận điểm du lịch cấp tỉnh. Mô hình du lịch cộng đồng bản Phú Lâm đã hoàn thành 3 bungalow (nhà gỗ 1 tầng), 1 nhà sàn cộng đồng… Các điều kiện vật chất, nhân lực ở 2 điểm đến này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để sẵn sàng đón khách từ tháng 1/2025”.
Với sự hỗ trợ của ông Dương Minh Bình - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CBT Travel (TP Hồ Chí Minh), vợ chồng anh Dương Văn Đức - chị Lê Thị Lục ở thôn Yên Điềm (xã Thịnh Lộc, Thạch Hà) đã bắt tay xây dựng mô hình homestay đầu tiên trên địa bàn. Mô hình có vốn đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ đồng, thực hiện trên diện tích 2.000m2, trong đó sẽ xây dựng 1 nhà đón tiếp khách, 1 nhà hàng, 1 khu nhà nghỉ bungalow từ 3-4 căn, hồ bơi và các hạng mục thư giãn khác... Theo kế hoạch, mô hình sẽ hoàn thành và đưa vào đón khách khoảng cuối năm 2025. Theo ông Dương Minh Bình, dù mới triển khai nhưng nhiều đơn vị lữ hành trong nước đã quan tâm và ngỏ ý dẫn khách đến nghỉ dưỡng tại homestay sau khi đưa vào hoạt động.
Với sự vào cuộc tích cực và nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân trong nâng cao chất lượng các loại hình du lịch truyền thống, tìm hướng đi trong phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, tin tưởng ngành Du lịch Hà Tĩnh sẽ có những bước tiến mới trong năm 2025.
Thời gian tới, bên cạnh tham mưu cho tỉnh về các chính sách phát triển du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp, nông thôn nói riêng, Sở VH-TT&DL cũng sẽ tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức các lễ hội, các sự kiện văn hóa - thể thao để thu hút du khách. Đặc biệt, đơn vị luôn đồng hành cùng các cơ sở kinh doanh, người dân tăng cường mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Bà Võ Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh)