Kỳ vọng Nghị quyết 68 sớm đi vào cuộc sống
Theo ông ĐẬU ANH TUẤN, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị có nhiều căn cứ để cộng đồng DN kỳ vọng vào một quá trình thực thi hiệu quả hơn so với trước đây.

PHÓNG VIÊN: - Cộng đồng DN rất vui và phấn khởi khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Song sau niềm vui là nỗi trăn trở làm sao để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Ông ĐẬU ANH TUẤN: - Theo tôi DN có lý do chính đáng để lo ngại về quá trình thực thi chính sách. Thực tế cho thấy, không ít chính sách ban hành rất đúng đắn, nhưng khi triển khai lại gặp cản trở, thiếu đồng bộ hoặc có thể bị làm sai lệch mục tiêu ban đầu.
So với những nghị quyết khác thì Nghị quyết 68 có những đặc thù, căn cứ để chúng ta tin tưởng, kỳ vọng vào một quá trình thực thi hiệu quả trong thực tế. Đầu tiên có thể nói đến một điểm rất đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ giữ vai trò trưởng ban chỉ đạo thực hiện. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân.
Thứ hai, tốc độ chuyển hóa từ chủ trương sang chính sách cụ thể là rất nhanh. Từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 đến khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 198 về phát triển kinh tế tư nhân chỉ trong thời gian ngắn, đây là điều rất hiếm. Nó thể hiện phản ứng chính sách nhanh nhạy và quyết liệt được cộng đồng DN đánh giá rất cao. Điều này cũng phần nào minh chứng cho việc Nghị quyết 68 đã đi vào cuộc sống, cũng là điểm sáng so với các chính sách khác.
Thứ ba, điều khiến tôi tin tưởng Nghị quyết 68 sẽ đi vào cuộc sống nhanh là với cách chỉ đạo của Chính phủ gắn trách nhiệm cụ thể cho địa phương, bộ ngành. Thí dụ, sắp tới đây nếu chỉ tiêu phát triển số lượng DN tư nhân được giao cụ thể cho từng tỉnh, thành, thì rõ ràng chính quyền địa phương sẽ phải chủ động hơn, quyết liệt hơn.
Thêm một điểm nữa tôi muốn đề cập đến, với tinh thần của Nghị quyết 68 có một số điểm đã đi vào thực tiễn rồi. Cụ thể như tinh thần, tư duy về vai trò của kinh tế tư nhân đã bắt đầu chuyển hóa rõ rệt. Trước đây, còn e ngại, phân biệt, thì nay toàn hệ thống chính trị đã hiểu rằng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
- Như ông chia sẻ Nghị quyết 68 có nhiều căn cứ để sớm đi vào thực tế. Tuy nhiên, nếu được đề xuất cơ chế giám sát việc thực thi ở các bộ ngành, địa phương ông sẽ đề xuất điều gì?
- Tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị diễn ra hôm 18-5 vừa qua tại Hà Nội, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco đã có kiến nghị liên quan đến vấn đề thực thi Nghị quyết 68 hiệu quả.
Theo đó, ông Tiền đề xuất cần có cơ quan giám sát độc lập để thực hiện đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số tuân thủ, chấp hành, thực thi của các bộ ngành, địa phương. Cơ quan này cũng sẽ là kênh tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của DN, người dân về quá trình thực thi Nghị quyết 68 đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tôi hoàn toàn đồng tình với đề xuất này cần có cơ quan giám sát độc lập. Bởi một cơ quan độc lập, am hiểu, có chuyên môn và gắn bó với cộng đồng DN sẽ phản ánh chính xác hơn thực trạng và mức độ hưởng lợi thực tế của DN từ chính sách. Nếu giao trách nhiệm cho bộ, ngành, địa phương tự đánh giá chưa chắc phản ánh đúng thực tiễn triển khai.
Ngoài ra, nhóm giải pháp gắn trách nhiệm từng địa phương với việc thực hiện các mục tiêu cụ thể ví như mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân hay gắn trách nhiệm cụ thể cho từng bộ cũng cần được quan tâm. Cần giám sát và trách nhiệm, nếu được kết nối tốt sẽ là hai yếu tố đảm bảo cho Nghị quyết 68 được triển khai thực chất và hiệu quả.
- Ông có chia sẻ gì với các DN, hiệp hội trong bối cảnh Nghị quyết 68 đang bắt đầu được triển khai?
- Theo tôi, việc đầu tiên cần làm là hiểu rõ, hiểu chắc, hiểu đầy đủ nội dung của Nghị quyết 68. Bên cạnh đó, DN cũng phải chủ động tham gia, có đề xuất trong việc sửa đổi chính sách, ban hành chính sách mới theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68. Bởi vì chính DN, hiệp hội mới hiểu mình cần gì, tránh việc DN xem đây là trách nhiệm hoàn toàn của chính quyền.
Trong quá trình hình thành, xây dựng, sửa đổi và hoàn thiện chính sách thì vai trò của DN, chủ thể thực thi rất quan trọng. Theo tinh thần của Nghị quyết 68 DN cũng cần tham gia chủ động cùng các cơ quan nhà nước trong việc rà soát, phản biện, đóng góp xây dựng chính sách.
Trong hơn 20 năm gắn bó với hoạt động của các DN tôi thấy so với trước đây thời gian gần đây sự tham gia của DN trong việc xây dựng chính sách đã tích cực hơn. Tuy nhiên so với các DN nước ngoài về mức độ am hiểu, quan tâm, đầu tư về nhân lực, thời gian để hiểu các vấn đề về chính sách, tham gia xây dựng chính sách của các DN tư nhân vẫn còn khoảng cách.
Dễ thấy tập đoàn nước ngoài nào khi làm ăn ở Việt Nam cũng có những người chuyên về chính sách, họ chủ động tìm hiểu chính sách từ khi được bàn thảo cho đến khi được thông qua. Nhưng DN tư nhân Việt Nam kể cả một số tập đoàn tư nhân lớn mức độ tìm hiểu chính sách cũng ít hơn.
Nguyên nhân của việc này theo tôi một phần đến từ vấn đề nguồn lực. Để có được những nhân lực am hiểu chính sách DN cũng phải bỏ chi phí không nhỏ. Nhưng quan trọng hơn là vấn đề trong nhận thức.
Thông thường DN sẽ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về thị trường hơn là vấn đề chính sách. Vì thế trong thời gian tới tôi hy vọng các DN sẽ nâng cao hơn nữa tính chủ động trong việc tìm hiểu và xây dựng chính sách pháp luật.
- Xin cảm ơn ông.
Quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, tuy còn tiếp tục sửa đổi luật nhưng trong quá trình thực hiện của bộ máy chính quyền, cơ quan tư pháp các cấp, tinh thần ấy đã rõ. Nghị quyết 68 rất rõ ràng, cụ thể và có thể thực hiện được ngay.