Đường sắt cao tốc Bắc – Nam: Chuyên gia cảnh báo rủi ro nếu doanh nghiệp chỉ 'gom vốn, chia khúc'

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, với điều kiện thực tế hiện nay, chỉ một doanh nghiệp đủ tiềm lực mới có thể làm được đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam đang xem xét triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, một công trình hạ tầng mang tầm vóc thế kỷ, nhiều đề xuất từ khối doanh nghiệp tư nhân đã được đưa ra nhằm tham gia đầu tư.

Chia sẻ trên VTC News, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là một dự án đòi hỏi tiềm lực kinh tế, kỹ thuật và khả năng điều phối ở quy mô quốc gia, và cho đến nay, chỉ có một số ít doanh nghiệp trong nước có thể đủ khả năng tiếp cận.

Việc doanh nghiệp tư nhân đề xuất tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng lớn như đường sắt cao tốc là điều tích cực, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về thu hút mọi nguồn lực phát triển đất nước. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Ánh, điều quan trọng không chỉ nằm ở tinh thần hay nhiệt huyết, mà chính là tính khả thi về kinh tế, tài chính và xã hội của dự án – một yếu tố sống còn với một công trình được ví như "xương sống" của giao thông quốc gia.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một trong những đề xuất đáng chú ý gần đây đến từ Tập đoàn THACO, khi doanh nghiệp này kêu gọi các tập đoàn trong nước cùng góp vốn đầu tư. Tuy nhiên, ông Ánh cho rằng: "Nếu đứng tên công ty dự án nhưng chủ yếu đi mời các đơn vị khác góp vốn, chia nhau từng khúc, thì làm sao đảm bảo được tiến độ và chất lượng? Ai chịu trách nhiệm nếu một vài thành viên rút lui hoặc vỡ hợp đồng, ngay cả việc thỏa thuận giữa các công ty cũng không đơn giản và cái giá phải trả là tiến độ và chất lượng siêu dự án.

Đừng quên đây là một dự án hạ tầng cực kỳ phức tạp, khả năng cao lỗ hàng chục năm đầu, đòi hỏi sự kiên định và nền tảng tài chính cực mạnh, đồng thời phải có khả năng điều phối kỹ thuật – công nghệ – vận hành ở tầm quốc gia. Liệu có bao nhiêu doanh nghiệp trong nước sẵn sàng lao vào một dự án biết trước là lỗ, trừ khi họ xác định "lỗ trước, lãi sau" để phát triển ngành công nghiệp đi kèm?"

Về đề xuất tài chính của THACO cho rằng sẽ vay 80% tổng vốn (khoảng 49 tỷ USD) từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, với sự bảo lãnh của Chính phủ và hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong 30 năm, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, bản chất của đề xuất này không khác gì việc Nhà nước trực tiếp đi vay, chịu trách nhiệm trả nợ và gánh rủi ro. Điều này không chỉ tiềm ẩn rủi ro tài chính lớn cho ngân sách, mà còn đi ngược lại nguyên tắc đầu tư tư nhân tự chủ vốn.

THACO cũng cho biết sẽ "tự thu xếp" hơn 12 tỷ USD vốn góp thông qua phát hành cổ phần. Tuy nhiên, với vốn chủ sở hữu hiện tại chỉ khoảng 2 tỷ USD, việc huy động gấp 6 lần con số này là điều mà chuyên gia cho là "rất khó khả thi", nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính trong nước đang chịu nhiều sức ép. Ngoài ra, các thủ tục pháp lý liên quan đến phát hành cổ phần theo Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán cũng mất tối thiểu từ 6 – 12 tháng, khiến kế hoạch khởi công vào năm 2026 của THACO trở nên không chắc chắn về thời gian.

Nói về khả năng hợp tác giữa THACO và VinSpeed – đơn vị của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông Ánh cho biết ông Vượng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Đây là một dự án lớn, chắc chắn sẽ lỗ trong nhiều năm, và nếu thêm vài ba doanh nghiệp nữa vào thì chỉ riêng bàn bạc nội bộ đã tốn thời gian, đến khi có lỗ cũng dễ dẫn đến tranh chấp pháp lý".

Đại diện VinSpeed cho rằng, nếu không thể làm một mình thì cũng sẽ không liên doanh, dù sẵn sàng ủng hộ tinh thần.

Thùy Linh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/duong-sat-cao-toc-bac-nam-chuyen-gia-canh-bao-rui-ro-neu-doanh-nghiep-chi-gom-von-chia-khuc-d206250.html
Zalo