Kỳ vọng nào cho cổ phiếu ngành chứng khoán năm 2025

Giới phân tích dự báo thị trường chứng khoán có thể biến động trong giai đoạn nửa đầu năm nhưng tích cực trở lại trong nửa cuối năm 2025. Theo đó, cổ phiếu ngành chứng khoán có thể hưởng lợi từ sự trở lại của dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư cải thiện, giúp kết quả kinh doanh cải thiện.

Diễn biến nhóm ngành chứng khoán so với biến động nhóm tài chính và VN-Index trong năm 2024. Ảnh: SSI Research

Diễn biến nhóm ngành chứng khoán so với biến động nhóm tài chính và VN-Index trong năm 2024. Ảnh: SSI Research

Năm 2024 khó khăn của ngành chứng khoán

Là lĩnh vực có phần đặc thù, cổ phiếu ngành chứng khoán gắn liền với biến động của thị trường chung, bởi những thay đổi đều có thể tác động tới kết quả kinh doanh.

Năm 2024 là một năm nhiều biến động của thị trường chứng khoán, đồng thời cũng là năm biến động của nhóm cổ phiếu ngành này. Các cổ phiếu ngành chứng khoán có kết quả tăng trưởng vượt trội so với thị trường trong quý I/2024. Giai đoạn sôi động khi VN-Index ghi nhận mức tăng hai chữ số, tiến gần 1.300 điểm với thanh khoản trung bình phiên ở mức cao.

Định giá cổ phiếu chứng khoán về trung bình 5 năm

Định giá các công ty chứng khoán niêm yết đã cải thiện đáng kể từ mức thấp vào cuối năm 2022, với hầu hết các cổ phiếu đang giao dịch quanh hoặc cao hơn nhẹ so với trung bình 5 năm trong suốt năm 2024 phản ánh những lo ngại về hoạt động kinh doanh trong môi trường biến động. Biến động cổ phiếu công ty chứng khoán có tính chu kỳ và có hệ số beta cao và thường tương đồng với thanh khoản thị trường. SSI Research cho rằng nhà đầu tư nên xem xét giải ngân vào các cổ phiếu ngành chứng khoán khi xu hướng rõ ràng về thanh khoản thị trường (giá trị giao dịch trung bình ngày); hoạt động tăng vốn bắt đầu được triển khai và tâm lý thị trường cải thiện.

Sự sôi động của thị trường cũng làm tăng kỳ vọng tích cực về hoạt động kinh doanh khi các mảng chủ chốt của các công ty chứng khoán, như cho vay ký quỹ, môi giới hay tự doanh gắn liền với diễn biến chung.

Thực tế, xét từ báo cáo tài chính của nhóm doanh nghiệp chứng khoán trong năm 2024, cho vay ký quỹ và tự doanh là hai cấu phần chính. Doanh thu từ hoạt động cho vay ký quỹ đóng góp 36% vào tổng doanh thu, nhờ dư nợ cho vay ký quỹ tăng 33% so với cùng kỳ, còn doanh thu từ hoạt động tự doanh đóng góp 26%.

Tuy nhiên, trong nửa sau của năm 2024, hiệu suất của nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán giảm dần trong bối cảnh lãi suất huy động bắt đầu nhích tăng và diễn biến thị trường kém tích cực. Giao dịch khối ngoại bán ròng mạnh trong năm, cùng áp lực từ tỷ giá khiến thị trường chung bị ảnh hưởng, các công ty chứng khoán cũng không nằm ngoài "con sóng". Thanh khoản thu hẹp, tâm lý thận trọng chiếm ưu thế khiến sự quan tâm của thị trường với nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm dần.

Các cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá tích cực chủ yếu là các công ty đã thực hiện tăng vốn sớm trong năm 2024, bao gồm MBS (51%), BVS (48,5%), FTS (33,4%) hay HCM (29,2%) và ngược lại cổ phiếu giảm giá là các công ty gặp nhiều khó khăn về quản trị doanh nghiệp, bao gồm APG (giảm 45,1%) hay VND (giảm 33,3%). Tính chung cả nhóm ngành chứng khoán, hiệu suất chung giảm gần 1% trong năm 2024, so với mức tăng hơn 12% của VN-Index.

Động lực cho cổ phiếu chứng khoán năm 2025

"Chính phủ đang từng bước đưa ra những chính sách mới hỗ trợ ngành chứng khoán với mục tiêu phát triển thị trường vốn trong trung và dài hạn, bên cạnh những nỗ lực để Việt Nam được FTSE và MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi và chúng tôi cho rằng các chính sách này sẽ là động lực thúc đẩy ngành chứng khoán tiếp tục phát triển" - bộ phận phân tích Chứng khoán SSI nhận xét về triển vọng ngành chứng khoán năm 2025.

Năm nay, với những dự báo tích cực về thị trường chung, cùng động lực từ việc thay đổi chính sách và câu chuyện nâng hạng thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán trở lại "watchlist" (danh sách theo dõi) của nhiều nhà đầu tư.

Theo giới phân tích, việc sửa đổi luật Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020 sẽ tạo tiền đề cho quy định về cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) được áp dụng - gỡ nút thắt quan trọng về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Về thủ tục niêm yết, những thay đổi mới trong quy trình IPO và niêm yết, nếu công ty thỏa mãn điều kiện về vốn điều lệ và tình hình tài chính, có thể giúp thị trường bắt đầu sôi động trở lại, theo nhóm phân tích từ Công chứng khoán SSI (SSI Research).

Về trung và dài hạn, việc triển khai hệ thống KRX (khả năng trong 2025) cũng có thể tạo cơ chế cho việc triển khai các sản phẩm mới và thu hút sự quan tâm của các bên tham gia thị trường như bán khống, giao dịch trong ngày và hợp đồng quyền chọn hay mở rộng ra nhiều sản phẩm giao dịch khác.

Dựa trên quan điểm thận trọng về thanh khoản thị trường, SSI Research ước tính tăng trưởng doanh thu của các công ty chứng khoán sẽ có phần nào hạn chế trong năm 2025 nhưng tăng trưởng lợi nhuận có thể cải thiện nhờ việc cắt giảm chi phí hoạt động.

Trong đó, thu nhập từ phí/hoa hồng mảng môi giới chứng khoán ước tính gần như không đổi trong bối cạnh giá trị giao dịch tăng nhẹ có thể bù đắp một phần cho xu hướng giảm phí giao dịch do cạnh tranh gay gắt giữa các thành viên thị trường. Tuy nhiên, việc tăng vốn đáng kể trong năm 2024 và kế hoạch 2025 tiếp tục sẽ hỗ trợ doanh thu mảng cho vay ký quỹ.

"Chúng tôi ước tính mảng ngân hàng đầu tư sẽ dần hồi phục nhờ một số đợt IPO đang triển khai và mảng bảo lãnh phát hành trái phiếu có thể tăng khi thị trường TPDN hồi phục. Đối với mảng tự doanh, doanh thu từ chứng chỉ tiền gửi/ giấy tờ có giá kỳ vọng vẫn duy trì tỷ trọng lớn", báo cáo triển vọng của SSI viết./.

Tú Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ky-vong-nao-cho-co-phieu-nganh-chung-khoan-nam-2025-168710-168710.html
Zalo