Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao

Dự án (DA) Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư. Theo phương án đề xuất trình Quốc hội, DA Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) đi qua địa phận 20 tỉnh, thành, trong đó có Huế. DA được thiết kế có tốc độ 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa…

 Trong tương lai, khi có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tạo thuận lợi trong việc đi lại của người dân

Trong tương lai, khi có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tạo thuận lợi trong việc đi lại của người dân

Theo chủ trương đầu tư DA, Huế có một ga dừng chân đặt tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, cách ga Huế hiện tại khoảng 5km về hướng Tây Bắc. Đây cũng là vị trí khá gần trung tâm TP. Huế, được bố trí khoảng cách tương đối đều giữa các tỉnh, thành liền kề và cũng là một trong những yếu tố thuận lợi để người dân đi lại giữa các vùng; đồng thời mở ra cơ hội góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của mỗi địa phương.

Những ngày qua, người dân Huế vui, phấn khởi khi Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết công nhận Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đi đâu cũng nghe người dân rôm rả bàn chuyện quê mình lên "thành phố Trung ương". Đi kèm niềm vui lớn này là câu chuyện DA Đường sắt tốc độ cao qua Huế như tạo sự cộng hưởng kỳ vọng để Huế vươn mình phát triển.

Cùng với niềm vui Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều người mong ngóng DA đường sắt tốc độ cao đi qua Huế sớm thành hiện thực. Vui là dự án sẽ triển khai trong tương lai gần, bởi đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết đầu tư DA này không ngoài mục đích tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông.

Đáng chú ý, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, DA đã được các đơn vị liên quan nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư trong thời gian gần 18 năm và tham khảo kinh nghiệm tại một số quốc gia có đường sắt tốc độ cao trên thế giới để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong đó đã phân tích, tính toán với kết quả dự báo nhu cầu vận tải, tiềm lực, vị thế Việt Nam hiện nay là điều kiện thích hợp để đầu tư. Tuy vậy, nhiều ý kiến băn khoăn về nguồn vốn vì mức đầu tư công quá lớn, tương đương hơn 67 tỷ USD.

Tuy vậy, khi đọc nhiều thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người tin tưởng DA khả thi để triển khai khi được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, Thủ tướng Chính phủ được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm cho DA trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí không đáp ứng tiến độ. Đồng thời, Chính phủ cũng được huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài…

Với cơ chế đặc thù như vây, kỳ vọng không xa nữa, ngành đường sắt sẽ thay áo mới. Lúc đó, buổi sáng có thể đạp xe, đi dạo, ăn sáng, uống cà phê ngắm sông Hương, nhưng có thể ăn trưa ở Sài Gòn…

Bài, ảnh: Minh Văn

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/ky-vong-duong-sat-toc-do-cao-148738.html
Zalo