Những dự án hạ tầng giao thông chiến lược
Năm 2024, nhiều dự án giao thông trọng điểm khác như các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 TP.HCM, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô được đẩy nhanh tiến độ, nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ.
Tăng tốc dự án trọng điểm
Đặc biệt, đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thành phần cơ bản đáp ứng tiến độ. Trong đó, gói thầu nhà ga hành khách đang thi công bảo đảm tiến độ yêu cầu. Các gói thầu đường cất hạ cánh, tuyến giao thông kết nối đang triển khai đáp ứng tiến độ đề ra. Bộ GTVT đã tập trung công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương tích cực triển khai và bàn giao mặt bằng để thi công. Hiện các hạng mục xử lý nước thải, hệ thống quản lý sân bay, nhà để xe, nhà điều hành cảng... sẽ lần lượt khởi công trong quý I và II/2025 để kịp về đích trong năm 2026.
Các chủ đầu tư, nhà thầu, các kỹ sư, công nhân, người lao động nỗ lực thi công với quyết tâm "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm việc cả ngày nghỉ, xuyên lễ, xuyên Tết để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc; nhấn mạnh khối lượng công việc rất lớn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa. Giám sát, kiểm tra, bám sát công trường, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai nhiệm vụ để các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ mỹ thuật, an toàn, bảo đảm môi trường, chống tham nhũng, tiêu cực, không để khuyết điểm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Hiện nay, Bộ GTVT, các địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang triển khai thi công 38 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài 1.188 km. Trong đó, có 25 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài 1.104 km, có kế hoạch hoàn thành vào năm 2025; 2 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài 68 km theo kế hoạch hoàn thành năm 2026, tuy nhiên có thể rút ngắn tiến độ để hoàn thành năm 2025.
Bộ GTVT đã phối hợp các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu quyết liệt tổ chức triển khai để hoàn thành mục tiêu 3.000 km vào năm 2025.
Khởi động dự án chiến lược đặc biệt
Ngày 30/11/2024, Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Với 92,48% số phiếu tán thành, Dự án là công trình ý Đảng, lòng dân; thể hiện ý chí thống nhất, quyết tâm cụ thể hóa mục tiêu đột phá kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra.
Dự án có tổng chiều dài 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố. Quy mô đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 ha; số dân tái định cư khoảng 120.836 người; tổng mức đầu tư của dự án hơn 1,7 triệu tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác. Tiến độ thực hiện: Lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035.
Nếu tính cả việc nâng cấp tuyến đường sắt Thống Nhất; xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, Campuchia; đầu tư mới 580 km đường sắt đô thị tại Hà Nội - TP.HCM… với tổng vốn đầu tư lên tới gần 150 tỷ USD đang được Bộ GTVT và các địa phương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, chắc chắn sẽ đưa giai đoạn 2025 - 2035 trở thành “thập kỷ” của đường sắt, nối tiếp thời kỳ phát triển đường bộ cao tốc khởi phát từ năm 2020 tới nay.
Đây là cơ hội, thách thức cho doanh nghiệp Việt vì dự án đường sắt này có tốc độ 350 km/h, đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ. Với hành trình 18 năm chuẩn bị để dự án được thông qua chủ trương đầu tư, trước khi bắt tay vào giai đoạn thực hiện, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị chắc chắn sẽ là động lực lớn đẩy nhanh tiến độ dự án.