Kỳ vọng chứng khoán khởi sắc từ động lực kinh tế mới
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay trên 8%, giới phân tích cho rằng động lực chính sẽ đến từ các cấu phần nội tại của nền kinh tế, đặc biệt là câu chuyện đầu tư công và đầu tư tư nhân. Với kỳ vọng mới, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng 15 - 17%.

Đầu tư công dự kiến là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025. Ảnh: Mirae Asset Việt Nam
Động lực từ nền tảng kinh tế
Thay vì mục tiêu GDP tăng 6,5 - 7%, kinh tế năm 2025 được Chính phủ đề xuất điều chỉnh lên trên 8%, làm tiền đề cho kinh tế tăng hai chữ số từ năm 2026, đưa đất nước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Với kịch bản GDP trên 8% năm nay, các khu vực kinh tế dự kiến tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7 - 1,3% so với năm 2024. Công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo được kỳ vọng tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.
Theo tính toán của Chính phủ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, tương đương 33,5% GDP. Trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD, tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 (790.700 tỷ đồng). Đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI 28 tỷ USD và đầu tư khác là 14 tỷ USD.
"Tôi nghĩ đây là một giai đoạn xây dựng nền tảng tăng trưởng mới, rất thách thức nhưng cũng có nhiều điểm để kỳ vọng. Việt Nam đang trong bước đường tăng trưởng mới, nên trong Nghị quyết 25, tôi khá ấn tượng với mục tiêu tăng trưởng 8%", ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận xét.
Theo nhóm phân tích từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, động lực chính giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% kỳ vọng đến từ các cấu phần nội tại của nền kinh tế, gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng và du lịch.
Trong các cấu phần này, đầu tư công được kỳ vọng sẽ có mức độ đóng góp và lan tỏa tích cực, với mức tăng trưởng gần 38% so với năm 2024. Một số dự án trọng điểm như đường cao tốc Bắc Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục là điểm nhấn trong năm nay.
Chung quan điểm, ông Sơn cho rằng kế hoạch đầu tư công mạnh mẽ sẽ tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế. "Nếu đầu tư công mạnh, nhu cầu xây dựng, vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục đi lên. Do đó, những cổ phiếu doanh nghiệp liên quan đến xây dựng, xây lắp và vật liệu có nhiều dư địa phục hồi trong năm 2025", Giám đốc chiến lược thị trường của VPBankS cho hay.
Về các động lực bên ngoài, theo chuyên gia từ VPBankS, những chính sách thuế quan của Chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể là thách thức cho mục tiêu xuất khẩu năm nay.
Việt Nam có thể vẫn sẽ là nước được hưởng lợi phần nào trong cuộc chiến thương mại bởi khi ông Trump đánh thuế, Mỹ vẫn sẽ phải nhập hàng hóa từ một khu vực khác. Thặng dư thương mại được đặt mục tiêu là 30 tỷ USD trong năm 2025, cao hơn 24,8 tỷ USD trong năm ngoái. “Đây là một con số khá thách thức, nhưng vẫn có thể đạt được”, ông Sơn nhận xét.
Lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng 15 - 17%
Năm 2024, lợi nhuận doanh nghiệp thuộc VN-Index trong quý IV/2024 đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Trong đó, doanh thu tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận ròng (NPAT) tăng 32,8% - cả hai chỉ tiêu này đều đạt mức cao kỷ lục theo quý.
Tài chính tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong năm 2024, đóng góp 58,7% tổng lợi nhuận VN-Index và chiếm 48,1% tổng mức tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ. Ngành dịch vụ, dù chỉ chiếm 8,2% tổng lợi nhuận, lại là động lực tăng trưởng lớn thứ hai với NPAT tăng 2,4 lần, đóng góp 27% tổng mức tăng trưởng lợi nhuận. Tương tự, các tập đoàn đa ngành (conglomerates) dù chỉ chiếm tỷ trọng 4,3% của tổng lợi nhuận, nhưng đóng góp 16,5% tổng mức tăng trưởng.
Theo nhóm phân tích từ Chứng khoán KB Việt Nam, trong bối cảnh mặt bằng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có xu hướng tăng khả quan trong năm qua, EPS toàn thị trường được thúc đẩy, đưa định giá P/E của VN-Index về mức tương đối hấp dẫn. Chính đà tăng này trở thành động lực cho khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán. “Báo cáo lợi nhuận khả quan, đặc biệt từ các ngành công nghệ, ngân hàng càng củng cố tâm lý nhà đầu tư và tạo kỳ vọng giúp thu hút thêm dòng vốn đổ vào thị trường”, nhóm phân tích từ KB Việt Nam nhận xét.
Trong bối cảnh kinh tế đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, tín dụng được thúc đẩy, lợi nhuận doanh nghiệp trở thành một “catalyst” được giới phân tích kỳ vọng sẽ tiếp tục là điểm nhấn của thị trường trong năm 205.
Theo ước tính từ Dragon Capital, dự báo lợi nhuận toàn thị trường sẽ tăng 15-17% trong năm 2025, nhờ Chính phủ đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy tăng trưởng.
"Môi trường đầu tư đang có dấu hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy tâm lý thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi trong nước, diễn biến từ môi trường bên ngoài vẫn có thể ảnh hưởng đến triển vọng chung. Nhà đầu tư cần theo dõi sát sao hiệu quả thực tế của các chính sách để đánh giá rõ ràng hơn về triển vọng phục hồi của thị trường", Dragon Capital nhấn mạnh.
4 kỳ vọng cho ngành bán lẻ năm 2025
Tăng trưởng tiêu dùng tháng 1 tăng 9,5% so với cùng kỳ. Dịch vụ lưu trú - ăn uống (tăng 14,8%) và dịch vụ du lịch (tăng 17,3%) tiếp tục là động lực chính thúc đẩy bán lẻ hàng hóa. Nhóm phân tích từ Chứng khoán MiraeAsset Việt Nam kỳ vọng sự hồi phục của lĩnh vực này sẽ tiếp tục trong thời gian tới, nhờ 4 động lực chính. Trong đó, kinh tế tiếp tục tăng trưởng và việc gia hạn giảm 2 điểm phần trăm thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6/2025 có thể giúp động lực tiêu dùng của thị trường tiếp tục mở rộng. Đồng thời, một yếu tố hỗ trợ khác là Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh năm 2025.