Kỷ vật ngày giải phóng Long Xuyên

Những ngày hòa cùng niềm vui 50 năm đất nước giành độc lập toàn vẹn, Bắc - Nam một nhà, ông Nguyễn Văn Tư (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang) liên hệ Báo An Giang, chia sẻ một kỷ vật quý.

Đó là một bản thảo viết tay lời kêu gọi gia đình sĩ quan, binh sĩ, nhân viên chính quyền các cấp, cảnh sát, các cấp trị sự và tu sĩ trên địa bàn TX. Long Xuyên (nay là TP. Long Xuyên) trong ngày 30/4/1975 lịch sử. Bà Đinh Thị Kim Oanh (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Long Xuyên) nhớ lại: “Lúc đó, tôi giữ chức Trưởng ban cán sự Long Xuyên, lãnh đạo phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh của thị xã. Từ tháng 3/1975, lực lượng của ta đã thắng trận ở Tây Nguyên, miền Trung, chuẩn bị mọi mặt để giải phóng miền Nam, trong đó có Long Xuyên. Tin tức đã râm ran, nên mọi người âm thầm cùng nhau chuẩn bị đón chào ngày chiến thắng”.

Trong ký ức của bà, cán bộ, người dân “âm thầm đón chào chiến thắng” bằng cách đi mua vải may cờ. Chỉ mua được màu xanh, đỏ, thiếu màu vàng cho lá cờ, thì chủ sạp vải “huy động” thêm cho đủ. Máy may đặt ở nhà một cán bộ ở đường Thoại Ngọc Hầu, mọi người xúm lại đó để may, quyết tâm sẽ có thật nhiều lá cờ tung bay khắp thị xã trong ngày vui khải hoàn.

Soạn thảo ý tưởng trong đầu, từ ngày 29/4/1975, bà Oanh liên hệ ông Thi Tấn Phát (lúc bấy giờ là sinh viên Đại học Hòa Hảo), nhờ viết tay sạch đẹp, rồi tìm chỗ in lụa nhiều nhất có thể, phát cho người dân, lực lượng của mình. Những nét chữ rắn rỏi, lời văn súc tích, lay động lòng người được lan tỏa rộng rãi trong buổi trưa 30/4, góp phần quan trọng để TX. Long Xuyên được giải phóng nhanh gọn “không tiếng súng” ngày 1/5.

“Anh chị em thân mến! Chánh quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu đã đến ngày diệt vong, tên tay sai bán nước Nguyễn Văn Thiệu đã bị Nhân dân miền Nam tống cổ ra khỏi nước, thay vào Trần Văn Hương và Dương Văn Minh để vớt vát thế thua, nhưng rồi cũng không khỏi. Lực lượng cách mạng đã đánh thẳng vào Sài Gòn, Nhân dân đã nổi dậy. Không thể duy trì chế độ thối nát thêm giờ phút nào nữa, Dương Văn Minh đã ra lệnh đầu hàng vào sáng 30/4/1975. Giờ phút lịch sử đã đến, ngày kết thúc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và Đông Dương. Nước Việt Nam đã được độc lập vĩnh viễn, Nhân dân ta sẽ được hưởng cảnh thanh bình, no ấm và hạnh phúc”.

“Tâm thư” kêu gọi mọi người bình tĩnh nghe theo lời kêu gọi của ủy ban nhân dân cách mạng địa phương, đoàn kết biểu dương khí thế của mình bằng hành động tiếp đón lực lượng cách mạng vào thị xã; kêu gọi chồng, em, con của mình buông súng đầu hàng hoặc giao nạp vũ khí cho cách mạng để lập công, hoặc chống lại bọn chỉ huy ác ôn cưỡng ép con em nổ súng, đốc thúc tử thủ để chết một cách vô lý. Mỗi nhà treo cờ Mặt trận trước cửa; góp sức cùng với cách mạng để ổn định lại sinh hoạt bình thường trên tinh thần hòa hợp dân tộc, tôn trọng tự do và tín ngưỡng.

Chia sẻ kỷ vật này, bà Oanh và ông Tư gửi kèm cho chúng tôi những hồi ức quý báu về giai đoạn 1971 - 1975, khi phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, thanh niên Long Xuyên dâng cao. Mọi người tận dụng từng cơ hội để đấu tranh, như: Năm 1971 diễn ra phong trào ghi danh Trần Văn Ơn (ngày 9/1), đòi bỏ chương trình quân sự hóa học đường (tháng 9), chống trò hệ độc diễn của Thiệu (tháng 10). Những năm sau là phong trào chống bắt lính trong sinh viên; giáo chức đấu tranh có nhà, nông dân có ruộng; học sinh, sinh viên tham gia Đội Biệt động Long Xuyên…

Hôm nay, Long Xuyên tròn 50 năm giải phóng. “Tôi luôn hoài niệm tuổi trẻ của mình, cảm thấy hạnh phúc khi được tham gia xây dựng phong trào học sinh, sinh viên ở Long Xuyên. Tôi nuối tiếc khi tuổi trẻ của mình không dài, không thể làm được nhiều việc hơn nữa cho Nhân dân, cho cách mạng. Hôm nay, tình cờ lục lại, nhìn thấy kỷ vật xưa, tôi rất xúc động. Mong rằng, các bạn trẻ cố gắng học tập, nâng cao kiến thức, trân trọng hòa bình đang có. Hãy trở thành thế hệ đi đầu xây dựng quê hương đất nước, xứng đáng với công lao của người đi trước” – bà Oanh bày tỏ.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ky-vat-ngay-giai-phong-long-xuyen-a420044.html
Zalo