Ký ức xanh ngời...

Ngày hội trường, cậu bạn từ miền Trung cũng ra kịp chuyến tàu chiều để sáng hôm sau từ Hà Nội về thăm trường cũ. Mọi khi ồn ào thế, mọi khi 'ăn sóng, nói gió' thậm chí có cả chút bặm bụi công trường. Thế mà lần này... Cứ nhìn bạn đứng nép bên cô giáo chủ nhiệm đã gần 80 tuổi để chụp ảnh thì biết, như một cậu học trò nhỏ ngày nào, mới vào học cấp 3 trường huyện.

Ảnh minh họa (nguồn internet).

Ảnh minh họa (nguồn internet).

Đi dạo qua các lớp, khu cắm trại của các em, các cháu học sinh... Cậu bảo: "Chỗ kia là dãy nhà lớp mình, hồi xưa biết bao buổi lao động ngào rơm bùn để trát vách, mà khu nhà các thầy, cô từ Hà Nội, Hà Đông đến dạy học cũng chẳng khá hơn, nhà tranh vách đất, mùa đông gió lùa hun hút. Cái sân vận động này, ngày trước, mỗi lần mưa thì khác gì cái ao”. Rồi cậu thần mặt nhắc tên các thầy, cô cũ nay hội trường không thể trở về thăm lại chốn xưa, tên những đứa bạn cùng đội bóng đá của lớp năm nào nay vì nhiều lẽ chưa về đây. Tiếng trống trường, hàng phượng vĩ, những ánh mắt thầy, cô, bạn bè như cuốn phim chầm chậm quay trở lại: Ấm áp, thiết tha và đầy lãng mạn, sâu lắng.

Bạn bảo: Đời người thật hạnh phúc khi được học, được là học trò của những thầy, cô đáng kính. Tâm tư ai mà chẳng vậy. Niềm vui, hạnh phúc tuổi học trò gắn với môi trường lớp học, thầy, cô, bạn bè... Tuổi dễ mặc cảm, tự ti và dễ bị tổn thương nếu không được quan tâm, chia sẻ đúng nơi, đúng chỗ. Tuổi mong manh... dễ vỡ?! Vậy nên, ngoài vòng tay mẹ cha, gia đình, nhà trường là "ngôi nhà thứ 2” nuôi dưỡng những điều tốt lành...

Mấy hôm nay, câu chuyện của anh M, bạn đồng môn được đăng trên 1 tờ báo Đảng địa phương khiến cư dân mạng đọc, bình luận không tiếc lời. Tất cả đều chung suy nghĩ: Anh có người thầy trên cả tuyệt vời. Những năm tháng bao cấp, đi học xa nhà, một mình tự lo, bươn trải để học, anh nghèo đến độ mấy năm cấp 3 chỉ có 2 bộ quần áo được cắt ra từ chiếc võng cũ của thầy dạy Văn. Biết trò đói bụng kinh niên, cuối tuần, thầy "viện cớ” triệu tập đội tuyển để bồi dưỡng. Anh cũng là người duy nhất thầy "bắt” ở lại ăn cơm cùng gia đình. Chao ôi, chỉ là lạc rang nước mắm, đĩa đậu phụ rang cùng miếng thịt lợn nhiều mỡ, với anh đó đã là "bữa tiệc”, vì lâu lắm anh chưa biết thế nào là chất tươi. Các con con thầy cũng biết ý nên bắt chuyện hỏi han để anh đỡ ngại. Còn thầy, cô, cứ dịp cuối tuần mới tổ chức ăn tươi; cô và thầy luôn gắp miếng thịt ít mỡ nhất cho anh. Biết anh chẳng có sách giáo khoa, tài liệu, thầy lùng tìm từ các anh, chị khóa trước để anh có những cuốn sách phục vụ cho việc ôn thi khối C.

Thầy tình cảm trong cuộc sống đời thường là vậy nhưng lại nghiêm khắc trong việc học hành. Thầy bảo: “Em không học hành chăm chỉ, đến bản thân em cũng không thể "cứu” em thoát khỏi nghèo nàn, tăm tối chứ đừng nói giúp người thân”. Mỗi lần trả bài kiểm tra, thầy chỉ ra những chỗ anh làm gượng, sượng, khó thuyết phục người đọc. Anh tiến bộ dần theo từng kỳ học. Kỳ thi đại học năm đó, anh đỗ vào một trường danh tiếng ở Hà Nội, khiến thầy cô, bạn bè khen ngợi. Hôm anh về Hà Nội học, thầy ra tận ga tiễn.

Thầy nhắn nhủ: "Cố gắng học hành, không được đua đòi, chơi bời em nhé. Môi trường mới nhưng mình phải giữ lấy "cái chất” sống đẹp của mình”. Cha mẹ ở xa, không có mặt đưa tiễn con đi học xa nhà, anh lúc đó nếu không kìm nén chắc òa khóc như đứa trẻ trước mặt cha. Mà đúng thật, mấy năm nay, thầy chăm lo cho anh có khác gì một người cha? Sau này, anh trở thành một nhà giáo, một nhà báo khá danh tiếng... nhưng câu nói, tình cảm của thầy theo anh đi suốt cuộc đời. Đó là món quà mà cuộc sống dành tặng cho anh và anh trân trọng mãi không thôi...

Đời người, những năm tháng học hành, nhiều người cũng có những hạnh ngộ tuyệt vời như thế, như một giấc mơ đẹp thời niên thiếu, lung linh và có thực. Chị H nhớ mãi hình ảnh người thầy giáo già dạy lớp vỡ lòng năm nào. Lớp học bên bờ suối, ghế ngồi bằng những ống bương ghép, còn bàn xẻ ra từ cây gỗ gạo đầu làng. Thầy già, hiền từ và có nét chữ đẹp, bay bổng. Những chữ cái đầu tiên được học từ thầy. Chị nhớ có lần vì quá mệt mỏi (đi bộ đường đồi rừng xa xôi đến lớp), tầm 10 giờ, chị ngủ gục trên cuốn vở tập tô, tập viết. Trong giấc ngủ chập chờn vì mệt và đói, chị loáng thoáng tiếng thầy nhắc một bạn ngồi cạnh lấy quyển vở ra khỏi đầu (thầy còn lựa đỡ để chị ngẩng lên). Lấy xong, thầy lại để yên cho chị ngủ tiếp đến lúc tan học. Hôm đấy, trên cuốn vở lem nhem đất và mồ hôi là nhũng dòng chữ thầy viết mẫu để chị tập viết. Những dòng chữ viết bằng mực đỏ đẹp, mềm mại...

Sau này, học lên với những học vị này nọ, rồi bao lớp học khác và có cuộc sống ổn định nhưng lớp học bên suối, cùng cử chỉ ân cần, sự quan tâm của thầy khiến chị nhớ mãi. Đúng là sau này "những câu chuyện mới” cũng khiến chị và ai đó biết đều buồn khi nơi này, nơi khác, ai đó làm méo mó đi hình ảnh người thầy và nghề dạy học. Đấy như con gái chị, đưa con đi nhập học về mặt buồn rười rượi: "Khéo con phải chuyển lớp cho bé. Cô gì mà lúc đón cháu không nói, không cười, mặt lạnh lùng. Đến con còn thấy gai gai người, huống hồ đứa bé. Nó khóc thét lên là đúng đó. Không biết ở lớp có cấu chí gì nó không. Sao lại có người không biết cười. Không biết cười sao lại chọn nghề này?”. Tâm trạng đó của con cũng khiến chị băn khoăn. Mong rằng đó chỉ là biểu hiện bên ngoài... Bởi những giá trị cốt lõi của người thầy, của nghề đã được tạc vào năm tháng, vào ký ức và con tim của bao người. Đó như nốt nhạc xanh ngời tươi mãi ngân vang...

Bùi Huy (Theo Hòa Bình điện tử)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ky-uc-xanh-ngoi-225169.htm
Zalo