Ngôi nhà của những quyết định đặc biệt
Những ngày tháng 4, nắng bắt đầu trải vàng trên khu Hoàng thành Thăng Long cổ kính. Du khách trong nước và quốc tế nối thành hàng đến tham quan, chụp ảnh 'check in' tại những địa điểm nổi danh của khu di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 2010. Nằm sâu bên trong của khuôn viên Hoàng thành, ngôi nhà và căn hầm nổi danh, gắn với giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lịch sử hôm nay dường như cũng đông người ghé thăm hơn. Ðó là 'Nhà - Hầm D67'.

Du khách nước ngoài tham quan tại di tích Nhà - Hầm D67
Ði lẫn vào đoàn du khách, tôi được nghe hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với giọng trầm hùng, cuốn hút: “Từ năm 1966, đế quốc Mỹ bắt đầu dùng không quân ném bom đánh phá Thủ đô Hà Nội. Trước mức độ đánh phá ngày càng ác liệt, để bảo đảm an toàn nơi làm việc của cơ quan Tổng hành dinh, năm 1967, cấp trên quyết định xây dựng một ngôi nhà trong khu A, nằm trong khuôn viên Thành cổ Hà Nội. Vì ngôi nhà được thiết kế, xây dựng năm 1967 nên được gọi là Nhà D67. Ngôi nhà lịch sử này gắn với hoạt động của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong khu Nhà D67 còn thiết kế, xây dựng căn hầm dành làm nơi tổ chức các cuộc họp, làm việc của Quân ủy Trung ương, cũng được xây dựng năm 1967, nên mọi người gọi tắt đây là khu “Nhà - Hầm D67”. Khu này chính là một thành tố cơ bản của Tổng hành dinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”...
Mải nghe lời giới thiệu của hướng dẫn viên nên chỉ sau vài phút rảo bước trên nền gạch cổ, qua mấy khúc quanh dưới bóng cây mát rượi, Nhà D67 đã hiện ra trước mắt. Ấn tượng ban đầu với tôi, đó là khu nhà giản dị, được xây thấp, kiên cố, sơn màu vàng đã ngả màu cùng thời gian. Dù mải mê ngắm nhìn, song, tôi vẫn kịp nghe thấy tiếng hướng dẫn viên giới thiệu với du khách: “Nhìn đơn giản vậy thôi nhưng những bức tường này dày tới 0,6 m, có hệ thống cửa thép đặc và hệ thống hầm ngầm thiết kế rất khoa học. Tường có khả năng cách âm, cửa có 2 lớp, lớp ngoài bằng thép tấm dày 1cm. Trên mái có 1 lớp cát, ngăn cản được mảnh rốc két và mảnh bom thường. Chính vì vậy mà nơi đây đã trở thành “pháo đài” bí mật kiên cố, bảo vệ an toàn bộ não chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và còn sử dụng mãi sau này”.
Ngay giữa Nhà D67, tôi nhìn thấy tấm biển đỏ nổi bật: Phòng họp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ghi chữ vàng. Cùng dòng người đi sâu vào bên trong, tôi thấy trên tường treo rất nhiều tấm bản đồ tác chiến của những năm “nước sôi lửa bỏng”. Ở giữa căn phòng là chiếc bàn dài bằng gỗ, trên bàn để biển tên, chức danh các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Nhà nước, quân đội thời kỳ những năm 1968-1975. Bên cạnh phòng họp lớn nằm ở trung tâm ngôi nhà là các phòng làm việc riêng của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và Ðại tướng Văn Tiến Dũng, hai nhân vật lịch sử có vai trò hết sức quan trọng trong chiến dịch giải phóng miền Nam. Nhìn các căn phòng, với hệ thống bản đồ tác chiến đã phủ bụi, nét mực đã nhòe mờ theo thời gian, cùng các vật dụng phục vụ sinh hoạt, hội họp nằm gọn gàng, tôi hình dung, tưởng tượng đến những cuộc họp, trao đổi, bàn bạc của những bậc lãnh đạo tối cao của Ðảng, Nhà nước, quân đội để đưa ra các quyết sách sáng suốt, đúng đắn, mang tầm vóc bước ngoặt lịch sử. Ðặc biệt, vào ngày 18/12/1974, chính nơi đây đã diễn ra Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng quyết định kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhắc đến ngày giải phóng, hầu như người dân Việt Nam nào cũng biết, nhưng về nơi đưa ra quyết định kế hoạch giải phóng ấy, chắc không nhiều người biết là bắt nguồn từ ngôi nhà D67 này!
Sau khi tham quan các gian chính của Nhà D67, bước theo thềm gạch cũ kỹ, sâu hun hút, chiều ngang chỉ đủ hai người tránh nhau, trên tường là ánh điện trắng đục, tôi xuống thăm căn Hầm D67. Theo lời chú dẫn, hầm có chiều sâu 9m, cửa hầm làm bằng thép tấm, được xây dựng kiên cố để chống bom. Căn hầm có ba cầu thang lên xuống, thông về các phía khác nhau, trong đó có cửa thông với Nhà D67. Ðây chính là nơi họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khi cần thiết.
Cũng giống như khung cảnh trên Nhà D67, trong căn hầm, vẫn còn rất nhiều vật dụng, thiết bị quân sự phục vụ các hội nghị, cuộc họp, trao đổi của các bậc lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, quân đội giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào thời kỳ ác liệt nhất, khí thế sục sôi, quyết tâm cao độ nhất. Nhìn những vật dụng đơn sơ, chiếc bàn, ghế gỗ giản dị mà các bậc lãnh đạo cao nhất của Ðảng, Nhà nước từng sử dụng, những vị khách cả trong nước lẫn quốc tế đều hết lời trầm trồ, xuýt xoa. Tất cả đều chung một lời khẳng định: Chính sự giản dị, đơn sơ ấy đã tạo nên sức mạnh vô giá về trí tuệ! Và sức mạnh ấy đã được truyền trao, lan tỏa mạnh mẽ ra chiến trường, góp phần trực tiếp tạo nên những chiến thắng quan trọng, đỉnh cao là ngày toàn thắng 30/4/1975 vĩ đại, đưa non sông thu về một mối.