Ký ức người lính dưới đuốc lửa B52
Đối với đại tá Trịnh Thanh Phi (nguyên học viên khóa 33, Trường Sĩ quan Lục quân 1), đã 52 năm trôi qua, ký ức ngày ra trường, nửa đêm lên xe về đơn vị chiến đấu dưới ánh sáng của lửa B52 cháy trên bầu trời Thủ đô, lửa đạn pháo cao xạ, tên lửa của quân và dân Hà Nội vẫn in đậm trong ký ức thời hoa lửa của thế hệ người lính năm xưa.
Tinh thần sẵn sàng tham gia tiền tuyến
Tháng 12/1972, giữa những ngày đế quốc Mỹ thực hiện chiến dịch Linebacker II dùng máy bay chiến lược B52, con át chủ bài cuối cùng của không lực Mỹ mở chiến dịch ồ ạt đánh bom Hà Nội, Hải Phòng thì những học viên khóa 33, Trường Sĩ quan Lục quân 1 đón nhận một sự kiện đặc biệt: Bộ Quốc phòng cho phép kết thúc chương trình khóa đào tạo sĩ quan 3 năm (khi khóa học mới được 2 năm) để bổ sung cho các đơn vị chủ lực đang chiến đấu ở mặt trận phía Nam.
Khóa học này, Tiểu đoàn 9 có 251 học viên tốt nghiệp, 242 đồng chí về đơn vị chiến đấu, 9 anh em được chọn ở lại trường công tác.
Tháng 4/1972, khi đế quốc Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, Trường Sĩ quan Lục quân 1 triệt để sơ tán khỏi trung tâm trường trên địa phận xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây (Hà Tây cũ).
Do Tiểu đoàn 9 sơ tán về các xã Đồng Trúc, Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Tây) không có điều kiện làm lễ tốt nghiệp tập trung, ngày 21/12/1972, sau lễ tổng kết khóa học được tổ chức gọn nhẹ tại từng đại đội. Sĩ quan tốt nghiệp được quán triệt từ giờ phút nhận chứng nhận tốt nghiệp, sẵn sàng có lệnh về các đơn vị chiến đấu vào bất kỳ lúc nào.
Cuối ngày 22/12, qua bản tin chiến sự trên Đài Tiếng nói Việt Nam, biết tin địch đánh phá An Dương, Đông Anh (Hà Nội), Đáp Cầu (Bắc Ninh), Kép (Bắc Giang), Hải Phòng… chúng tôi ai cũng sục sôi căm thù. Tin B52 địch bị bắn rơi ở Thanh Miện (Hải Dương), Quỳnh Côi (Thái Bình) làm mọi người phấn chấn, nóng lòng chờ lệnh…
Với tinh thần đó, gần nửa đêm ngày 23/12, trên bầu trời Thủ đô, giữa lúc cả vùng bầu trời Sơn Tây, mạn Hà Nội, Bắc sông Hồng tiếng máy bay các loại ầm ì, tiếng tên lửa, pháo cao xạ của ta nổ giòn vang lên. Các đại đội của tiểu đoàn được lệnh báo động, từng người ba lô gọn gàng lặng lẽ ra vị trí tập kết. Học viên không biết mình được phân về sư đoàn, đơn vị nào, khi chỉ huy đọc tới tên, chỉ biết nhanh chóng lên xe chuyển quân của đơn vị vận tải Tổng cục Hậu cần đã đợi sẵn theo số đã quy định.
Gần nửa đêm, lệnh xuất phát, đoàn xe bật đèn gầm, xuyên đêm thẳng hướng Hà Đông- Giáp Bát - Hà Nội nhập vào Quốc lộ 1 thẳng tiến về phương Nam, đích đến là Bộ Tư lệnh Mặt trận B5, đơn vị nhận toàn bộ số sĩ quan trẻ được đào tạo chính quy.
Khi đoàn xe đi qua Văn Điển, Giáp Bát, cảnh tượng tàn khốc của chiến tranh đập vào mắt anh em. Những căn nhà bên đường bị trúng bom địch sập đổ làm mỗi người đều căm phẫn tội ác của địch. Trước đó, đêm 22/12, được biết máy bay B52 đã rải thảm, đánh phá Bệnh viện Bạch Mai, ga Giáp Bát, Văn Điển, Gia Lâm, lúc đó ai cũng nóng lòng, muốn nhanh chóng có mặt ở chiến trường.
Trong số các sĩ quan trẻ, nhiều anh em, nhà ngay bên đường 1A ở thị trấn Phú Xuyên (Hà Tây), Phủ Lý (Hà Nam), Bỉm Sơn, Hà Trung (Thanh Hóa), xe chạy qua nhà, qua ánh sáng đêm hạn chế chỉ biết nhìn qua cửa kính thầm chào tạm biệt gia đình, ngôi làng thân yêu của mình.
Sau 3 ngày hành quân, đoàn quân đã mặt tại Bãi Hà (Vĩnh Linh) địa điểm tập kết bàn giao cho Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 tại Bãi Hà (Vĩnh Linh) đúng thời gian quy định, an toàn. Từng người được khẩn trương biên chế về các đơn vị chủ lực đang chiến đấu ở Quảng Trị như Sư đoàn 304, 320, 324, Bộ Chỉ huy Mặt trận Đường 9...
Vào đến chiến trường, tin quân dân Hà Nội, Hải Phòng, các địa phương miền Bắc quả cảm đập tan cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của địch kéo dài 12 ngày đêm bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F-111 và 42 máy bay chiến thuật khác làm nức lòng những sĩ quan trẻ.
Gặp đại diện Bộ Chỉ huy Mặt trận Đường 9 (B5) khi nhận nhiệm vụ về từng đơn vị, anh em mới được quán triệt kỹ. Sau thất bại chóng vánh trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ” trên không, Mỹ buộc sẽ phải ký Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh, các đơn vị chiến đấu được bổ sung cán bộ chỉ huy, được đào tạo cơ bản sẽ giúp đơn vị tăng cường sức chiến đấu mở rộng vùng giải phóng trước khi Hiệp định được ký kết. Với tinh thần đó, các cán bộ sĩ quan trẻ càng tự hào về sự có mặt của mình ở chiến trường Quảng Trị đúng thời điểm bước ngoặt của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của dân tộc sắp đến.
Những ngày sau đó, hầu hết các đồng chí vừa về đơn vị đã tham gia chiến đấu kiên cường bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Quảng Trị, tranh thủ tiến công địch, mở rộng vùng giải phóng. Trong số các đồng đội, có đồng chí đã anh dũng hy sinh trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực như Nguyễn Văn Năm, Nguyễn Hữu Hoãn (quê Quảng Bình). Một số đồng đội khác tham gia các chiến dịch quan trọng như chiến dịch Thượng Đức, Quảng Nam (4/1974) và bị thương nặng như Phùng Thiên Hổ thuộc Sư đoàn 304.
Do yêu cầu nhiệm vụ, sau đó một số sĩ quan khóa 33, Trường Sĩ quan Lục quân 1 từ chiến trường được lệnh quay ra miền Bắc bổ sung về Bộ Tư lệnh Thiết giáp học chỉ huy xe tăng và trong chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975 nhiều anh em vinh dự được trong đội hình xe tăng tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Trong khói lửa chiến tranh, phần lớn lứa tốt nghiệp sĩ quan đặc biệt này đều phấn đấu hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Kể đến các đồng đội như Trương Quang Siều vinh dự trong thời khắc vẻ vang kết thúc chiến tranh là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 đã chỉ huy đơn vị đánh chiếm Đài phát thanh ngụy quyền Sài Gòn. Sau đó còn đi tìm, động viên nhân viên kỹ thuật của đài trở lại vị trí làm việc để phát sóng lời đầu hàng quân giải phóng vô điều kiện của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu.
Đó là những cán bộ qua chiến đấu trở thành tướng lĩnh cấp cao như Trung tướng Nguyễn Văn Đạo, năm 2006 là Tư lệnh Quân khu I, khi nghỉ hưu là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Phan Khuê Tảo là Tư lệnh Quân đoàn I, sau đó được điều động về Quân chủng Hải quân là Phó đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân; Bùi Duy Nhâm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây, sau khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XII... Nhiều đồng đội cũ là cán bộ chỉ huy cấp cục, cán bộ nghiên cứu có uy tín ở các cơ quan Bộ, Tổng cục Chính trị, Quân khu hoặc tại chính Trường Sĩ quan Lục quân 1, là Tùy viên quân sự Đại sứ quán nước ta ở nước ngoài…
Ở vị trí công tác nào, lứa sĩ quan khóa 33, Trường Sĩ quan Lục quân 1 dưới đuốc lửa B52 ngày ấy đều phát huy truyền thống vẻ vang từ cái nôi đào tạo là Trường Sĩ quan Lục quân 1 anh hùng, đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.
Trong không khí hào hùng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), những ký ức thời chiến hiện hữu trong tâm can đại tá Trịnh Thanh Phi.
“Tôi chia sẻ những câu chuyện thời chiến năm xưa nhằm kính tặng những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quản lý, giáo viên, đặc biệt những đồng đội học viên Tiểu đoàn 9 Trường Sĩ quan Lục quân I khóa 33, những người dưới đuốc lửa B52 năm xưa hăng hái ra mặt trận để góp phần nhỏ của mình làm nên bản hùng ca đại thắng mùa Xuân năm 1975 của dân tộc, cũng như sự nghiệp xây dựng quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 80 năm qua” - đại tá Trịnh Thanh Phi bày tỏ.
Đại tá Trịnh Thanh Phi (SN 1947 tại Thanh Hóa). Ông từng trải qua nhiều cương vị công tác trong quân ngũ, năm 2008 ông nghỉ chế độ với cấp bậc đại tá, chức vụ Đoàn trưởng Đoàn Kịch nói Quân đội – Tổng cục Chính trị. 77 tuổi đời, 56 năm tuổi Đảng, ông Trịnh Thanh Phi luôn tích cực tham gia công tác xã hội, công tác chữ thập đỏ của phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Phát huy phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”, từ khi về hưu, ông tích cực tham gia công tác xã hội, có nhiều đóng góp tại địa phương. Ông Trịnh Thanh Phi từng đảm nhận Bí thư Chi bộ khu dân cư Lý Nam Đế 3, liên tục 4 khóa (từ tháng 5/2008 – 8/2017). Ông được bầu vào Đảng ủy và Thường vụ Đảng ủy phường khóa X, XI (2010 – 2020), được Đảng ủy phường Cửa Đông phân công làm Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy phường, Trưởng khối dân vận, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy phường Cửa Đông và làm cộng tác viên dư luận xã hội của Quận ủy Hoàn Kiếm.
Với những đóng góp tích cực trong quá trình công tác, ông Trịnh Thanh Phi nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành Trung ương, thành phố và quận Hoàn Kiếm. Nhiều năm đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp quận; tháng 6/2023 được vinh danh “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố.