Xúc động khi ca khúc 'Tự hào metro TP.HCM' được hát vang trên chuyến tàu đầu tiên
Ca khúc 'Tự hào metro TP.HCM' vang lên trên chuyến tàu metro, không nhạc, chỉ có những tràng pháo tay nhưng ai cũng xúc động đến lặng người.
Trong chuyến tàu từ ga Bến xe Suối Tiên về ga Bến Thành, nhiều người có mặt trên toa tàu xúc động khi ca khúc "Tự hào metro TP.HCM" được ngân lên do chính nhạc sỹ sáng tác ca khúc này thể hiện.
Không nhạc, chỉ có tiếng hát, vỗ tay của những người trên tàu, nhưng khi ca khúc vang lên, ai nấy đều xúc động.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, chị Nguyễn Như Hải Yến, giảng viên thanh nhạc tại Học viện âm nhạc TP.HCM chia sẻ, chị rất vinh dự, hạnh phúc và cảm động khi bài hát mình sáng tác được chọn, trở thành bài hát... trong cột mốc quan trọng này.
Được biết, chị Yến đã sáng tác ca khúc này từ 5 năm trước, cùng với sự góp ý, chia sẻ các câu chuyện về quá trình thực hiện tuyến metro của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM.
"Tôi đã được nghe kể, được xem những thước phim về quãng đường thực hiện metro, từ đó, tôi cảm nhận sự kiên cường, nhẫn nại, vượt khó của tập thể những người thực hiện metro và viết lên ca khúc. Trong ca khúc này, từng câu, từng chữ, từng giai điệu là tất cả tấm lòng của những người gắn bó với metro", chị Yến nói.
Nói về metro số 1, chị Yến cho rằng, thời khắc chuyến tàu đầu tiên vận hành chính là thời khắc lịch sử, rất đáng để trân trọng.
Sau này, TP.HCM chắc chắn sẽ có những tuyến đường sắt đô thị khác, nhưng giây phút đầu tiên TP làm chủ công nghệ, làm chủ tuyến đường sắt sẽ luôn có ý nghĩa.
Trên chuyến tàu metro sáng nay, TS Phan Hữu Duy Quốc, thành viên tổ chuyên gia tư vấn Đề án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM lặng yên đứng quan sát với đôi mắt đầy tự hào, hạnh phúc.
Ông Quốc cho biết, khi có mặt trên chuyến metro đầu tiên vận hành chính thức, ông đã nhớ lại những ngày đầu khi dự án được thực hiện, nhờ về lời hứa chưa thực hiện được của mình.
Đó là khi bắt tay thực hiện metro số 1, ông hứa với các con sẽ trở lại Nhật Bản khi tuyến đường sắt hoàn thành. Nhưng thời gian hoàn thành dự án kéo dài khiến lời hứa chưa thành hiện thực.
"Với lại giờ đây, thành phố tiếp tục chuẩn bị cho những tuyến metro khác, tôi sẽ ở lại để vận dụng tối đa kinh nghiệm, kiến thức đóng góp, trực tiếp tham gia các công việc ở quê hương", ông Quốc chia sẻ.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường kỳ vọng, người dân thành phố và du khách sẽ tích cực ủng hộ, sử dụng để góp phần duy trì, phát huy hiệu quả tối đa của tuyến đường sắt đô thị sau khi vận hành chính thức.
Metro không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là biểu tượng văn hóa, là cầu nối giữa con người và những câu chuyện đầy nhân văn.
Cũng theo ông Cường, trong giai đoạn tiếp theo, TP.HCM sẽ tiếp tục ưu tiên, tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị trong quy hoạch giao thông đô thị, phát triển mạnh theo mô hình TOD, nhằm xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh, hiện đại, bền vững trong tương lai - là biểu tượng của sự đổi mới, kết nối và văn minh đô thị.