Ký ức người cựu chiến binh trong ngày vui đại thắng!
Đến Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ trong những ngày này đâu đâu cũng bắt gặp tốp 5 bác, tốp 3 bác thương binh ngồi bên ấm trà, bàn nước đàm đạo chuyện trò rất sôi nổi. Chủ đề của họ là ngày chiến thắng 30/4, cách đây đã tròn 50 năm. Trong tổng số 28 bác thương binh, bệnh binh nặng mất sức thương tật từ 81% trở lên đến 100%; có tuổi đời từ 60 đến 82 tuổi; tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường từ chống Mỹ cứu nước, biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, thì chỉ có duy nhất bác La Văn Loan thương binh hạng 1/4, quê ở xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc là vinh dự có mặt tại chiến trường chứng kiến ngày giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, ngày 30/4/1975...

Nhân dân thành phố Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản Thành phố ra mắt 7/5/1975. Ảnh: TTXVN
Năm 1968, chàng trai La Văn Loan được tuyển dụng vào làm công nhân lái xe Xí nghiệp Kho vận trực thuộc Bộ Ngoại thương, trụ sở đặt tại thành phố Hải Phòng. Cũng trong thời kỳ đó giặc Mỹ điên cuồng leo thang đưa máy bay ra ném bom miền Bắc và khu vực cảng Hải Phòng. Với lòng căm thù giặc sâu sắc anh đã từ giã sắc áo công nhân viết đơn xung phong vào bộ đội. Được phiên vào đơn vị C1 D27, quân khu Tả Ngạn, sẵn nghề lái xe anh được điều vào tiểu đoàn công binh làm nhiệm vụ chuyên chở vũ khí đạn dược, trang thiết bị cầu phà cung cấp vào mặt trận B2, tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Đã bao lần anh cùng đồng đội đưa những chuyến hàng đầy ắp vượt trên những cung đường cheo leo hiểm trở của dãy núi Trường Sơn; bao lần vượt ngầm vượt suối, tránh bom máy bay địch nhòm ngó đánh phá nhằm ngăn cản con đường tiếp tế của ta. Không ít lần chiến sĩ lái xe phải hy sinh hoặc bỏ lại xe đã bị địch bắn cháy trên các chặng đường. Nhưng điều may mắn nhất với anh, là anh không bị thương tích gì nặng.
Đầu năm 1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã mở màn, quân ta liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng từ mặt trận Buôn Mê Thuột đến các mặt trận miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ. Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, anh tham gia chiến đấu ở mặt trận Lộc Ninh cùng đoàn quân nhằm hướng Sài Gòn thẳng tiến, trên tinh thần chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”. Trên đường hành quân các anh chứng kiến từng đoàn quân địch vứt lại vũ khí, phương tiện quân sự, lũ lượt bỏ chạy. Dân quân tự vệ, thanh niên xung phong của ta mặc quần áo bà ba đen, đầu đội mũ tai bèo khăn rằn quấn cổ, súng khoác sau lưng, dẫn đường cho bộ đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Không khí vô cùng khẩn trương và sôi nổi. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh, lúc này đơn vị anh đang đóng quân tại Quân cảng Sài Gòn. Cả đơn vị lặng đi, họ chạy ùa ra, lưng vẫn còn đeo súng, ôm lấy nhau khóc nức nở gọi tên những người đồng đội mà vừa hôm qua, hôm kia vẫn còn hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn không được chứng kiến phút giây chiến thắng thật kỳ diệu này. Không ai nói ra nhưng trong đầu ai cũng nghĩ ngày trở về quê mẹ miền Bắc sẽ còn không xa nữa.

Cựu chiến binh La Văn Loan bên chiếc xe jeep của viên sĩ quan ngụy bỏ lại.
Những ngày sau đó chính quyền cách mạng tiếp quản công việc của chính quyền cũ, bên cạnh những ánh mắt vui vẻ hồ hởi của quân ta thì cũng không ít ánh mắt sợ sệt, hoài nghi từ những người dân trong những ngôi nhà hai bên đường, bởi họ được tuyên truyền nếu bộ đội Việt cộng vào được Sài Gòn họ “sẽ bị cách mạng trả thù, tắm trong biển máu”. Nhưng ít ngày sau giải phóng, chẳng có “cuộc tắm máu” nào cả, lại được tiếp xúc với các anh bộ đội miền Bắc hiền khô, người dân ở đây đã bớt lo sợ và tiếp xúc cởi mở hơn với các anh. Anh bộ đội trẻ La Văn Loan còn được một gia đình người dân thành phố nhận làm con kết nghĩa...
Tưởng rằng sau khi giải phóng đất nước các anh sẽ được ra quân trở về với gia đình, quê hương của mình, nhưng bọn phản động Tập đoàn Pôn pốt phản bội lại đường lối cách mạng của nhân dân Campuchia, thực hiện chế độ diệt chủng nhân dân trong nước, gây hấn, lấn chiếm biên giới Tây Nam của Tổ quốc ta. Vì thế các anh lại phải tiếp tục hành quân ra biên giới Tây Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng của bọn độc tài Pôn pôt, đồng thời bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Trong một lần hành quân chiến đấu trên đất bạn Campuchia, chiếc xe đặc chủng do anh lái bị vướng phải mìn chống tăng nổ tung, trên xe có 8 cán bộ, chiến sĩ thì 4 người hy sinh tại chỗ, còn 4 người bị thương nặng trong đó có anh. Sau khi được đồng đội đưa về Quân Y viện điều trị ổn định và giám định sức khỏe thương tật 86%, anh được đưa về nuôi dưỡng tại Khu điều dưỡng thương binh 5 (nay là Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ) từ đó đến nay.
Cựu chiến binh - thương binh La Văn Loan hiện đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng mỗi khi nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp nhất của đời mình, đặc biệt là giờ phút chứng kiến lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh, lòng người cựu chiến binh năm xưa vẫn không khỏi nôn nao, nước mắt lại rưng rưng trào trên khóe mắt khi nhớ đến những người đồng đội cũ đã hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn...
Vào những dịp kỷ niệm này ông thường được các nhà trường mời đến nói chuyện truyền thống cho các cháu học sinh nghe. Mặc dù câu chuyện của ông đã được kể đi, kể lại rất nhiều lần nhưng mỗi lần đi nói chuyện như thế ông cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào. Ông tự hứa với lòng mình: Mãi mãi xứng đáng là người lính Cụ Hồ để cho lớp trẻ về sau noi theo gương sáng của lớp người đi trước như ông. Những người đã suốt đời hy sinh vì Tổ quốc!