Ký ức ngày rằm tháng Bảy

Khi gió heo may bắt đầu thổi về, mang theo những hạt sương sớm và mùi hương của lá thu phai, lòng tôi lại xao xuyến nhớ về những mùa rằm tháng Bảy đã qua. Đó là những ngày tháng ấm áp bên căn nhà nhỏ xưa cũ, khi cả nhà quây quần bên nhau chuẩn bị cho mâm lễ cúng tổ tiên, là mùa của lòng hiếu thảo, mùa đoàn viên và sự trở về với cội nguồn.

Theo truyền thống của người dân tộc Tày, Nùng tại Cao Bằng, rằm tháng Bảy gắn liền với phong tục “pây tái”, người ta quan niệm rằng rằm tháng Bảy là dịp để người phụ nữ sau khi đã lập gia đình quay về với nơi mình sinh ra và lớn lên để tự tay chăm sóc, báo hiếu cho cha mẹ, thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên. Họ mang theo đôi vịt mập mạp và những chiếc bánh gai đen nhánh để làm quà, dù không cầu kỳ, xa hoa, nhưng lại chất chứa tấm lòng của người con dành cho cha mẹ đẻ, là biểu tượng cho lòng hiếu thảo và sự biết ơn.

Gói bánh gai truyền thống là nét đẹp trong dịp rằm tháng Bảy.

Gói bánh gai truyền thống là nét đẹp trong dịp rằm tháng Bảy.

Tôi nhớ khi còn nhỏ, mỗi dịp rằm tháng Bảy về, cả nhà lại tất bật chuẩn bị đồ để “pây tái”. Khi mặt trời nhú lên khỏi dãy núi xa, mẹ gọi chúng tôi dậy cùng nhau chuẩn bị đồ lễ. Cả nhà ngồi trên chiếc chiếu cói trải giữa sân, vừa làm bánh gai vừa trò chuyện rôm rả. Những chiếc bánh được gói ghém cẩn thận trong lớp lá chuối xanh mướt, mang theo những tâm nguyện yêu thương của con cháu tới tổ tiên. Tôi và anh trai cũng háo hức phụ giúp, mong muốn được góp sức vào việc chuẩn bị. Dù vụng về nhưng vẫn nhận được sự khen ngợi, động viên từ bà và mẹ, chúng tôi vui mừng chạy lại chỗ bố để khoe “chiến lợi phẩm”.

Khi bánh gai được gói xong, mẹ tôi chuẩn bị những món ăn khác. Đôi vịt - món quà của lòng hiếu thảo, được mẹ chọn lựa cẩn thận, rồi tỉ mỉ chế biến thành những món ngon. Từ món vịt luộc thơm phức, đến vịt chao vàng rụm, tất cả đều được chuẩn bị bằng tất cả lòng thành kính đối với tổ tiên. Mẹ cẩn thận cắt giấy bản thành những tờ giấy tiền, vài “bộ quần áo” được cắt những tờ giấy xanh đỏ truyền thống. Mẹ vừa cắt vừa kể cho chúng tôi nghe về ý nghĩa của phong tục này, về nguồn gốc và ý nghĩa tốt đẹp của nó. Những câu chuyện ấy, dù đơn giản nhưng lại sâu sắc, giúp chúng tôi hiểu thêm về cội nguồn, về lòng hiếu thảo và sự biết ơn đối với ông bà, cha mẹ.

Bà tôi luôn nói rằng, mâm cỗ phải đầy đủ và tươm tất, vì đó là cách mà chúng tôi thể hiện lòng hiếu thảo, sự kính trọng đối với những người đã khuất. Những món ăn đậm đà hương vị quê hương như: thịt vịt, bánh gai, nem được sắp xếp gọn gàng trên bàn thờ tổ tiên, bên cạnh là hoa quả, rượu và vàng mã, không quá cầu kỳ nhưng lại vô cùng tươm tất. Bố thắp nén hương thơm nhẹ nhàng khấn vái, mời tổ tiên về thăm nhà, cùng ăn bữa cơm đoàn viên với con cháu. Từng nén hương thắp lên, tình cảm gia đình như được thắp sáng lên một lần nữa, qua những thế hệ tiếp nối nhau. Người Tày Nùng tin rằng, tổ tiên luôn dõi theo con cháu, bảo vệ và ban phước lành cho gia đình. Vì vậy, việc cúng bái tổ tiên trong ngày rằm tháng Bảy không chỉ là bổn phận mà còn là niềm vinh dự, là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn, nhắc nhở nhau về trách nhiệm giữ gìn nếp nhà, duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà tổ tiên đã truyền lại.

Hương cháy quá nửa tuần, cả nhà cùng nhau ngồi lại thưởng thức những món ăn mà tất cả đã dày công chuẩn bị. Tiếng nói cười, câu chuyện cứ thế nối tiếp nhau, trong không khí đầy ắp niềm vui và hạnh phúc. Những kỷ niệm ấy đã trở thành một phần ký ức đẹp đẽ không thể thiếu trong tuổi thơ của mình, là hành trang quý giá mà tôi mang theo suốt cuộc đời. Thời gian trôi qua, tôi đã rời xa ngôi làng bé nhỏ để đến với thành phố nhộn nhịp. Cuộc sống bận rộn với những lo toan thường ngày khiến tôi vô tình lãng quên những khoảnh khắc sum vầy ấy. Nhưng đôi khi, những ký ức ấy lại hiện về nhắc nhở tôi về sự quan trọng của gia đình, của cội nguồn và sự gắn kết giữa các thế hệ. Cũng bởi lẽ trong mỗi người, cội nguồn và truyền thống văn hóa chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, giúp chúng ta không bao giờ quên đi ý nghĩa thực sự của lòng hiếu thảo và tình cảm gia đình.

Năm nay, dù không cùng nhau làm bánh như thuở xưa nữa, chỉ là những chiếc bánh mua sẵn cùng với các món lễ vật khác, nhưng lòng tôi vẫn luôn ngập tràn cảm giác ấm áp của mùa rằm tháng Bảy. Cuộc sống bận rộn khiến nhiều thứ phải thay đổi, nhưng tôi tự nhủ sẽ dành thời gian bên gia đình, chuẩn bị một mâm cỗ thật đầy đủ, dâng lên tổ tiên những nén hương thơm và cảm nhận trọn vẹn ngày rằm tháng Bảy.

Diệu Linh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ky-uc-ngay-ram-thang-bay-3171377.html
Zalo