Ký ức ly trà đối với người xa xứ
B'Lao Ch'ré thuộc xã Đại Lào nằm ở đầu đèo Bảo Lộc. Đây là vùng đất mới, nơi bà con ở khắp cả nước định cư sau năm 1975. Các cháu thuộc thế hệ 8 - 9X tại vùng đất heo hút gian khổ này có những em học rất giỏi, đỗ đạt cao đã ra nước ngoài học tập hay lập nghiệp nhưng vẫn nhớ những hàng chè xanh hiên nhà, bờ giậu và ly trà tươi nóng hổi mang hồn của người và đất quê mình.

Thạc sĩ Nguyễn Hùng Sơn (bên phải) và tác giả
Vài năm nay, nhất là thời gian ra Giêng được gặp lại các học trò cũ ở vùng đầu đèo B’Lao về nước ghé thăm. Các em là những người thành đạt có học vị hay những doanh nhân hoặc nhà khoa học có tên tuổi. Tuy nhiên mỗi lần về ghé thăm thầy cũ, họ chỉ đề nghị được ngồi đối ẩm với thầy ly chè tươi nguyên chất thêm vài lát gừng tươi, vì đó là loại nước uống mang nỗi nhớ một thời của những người con xa xứ.
Là thầy giáo miệt vườn có hơn 30 năm dạy ngoại ngữ tại xứ trà vắt ngang 2 thế kỷ, mỗi lần đứng lớp, tôi thường chia sẻ với các em: "Mình là người Việt nên ngoài kiến thức về gia tộc, các em phải hiểu biết về lịch sử vùng miền, nhất là văn hóa chè xanh của người B’Lao". Có thế, đến lúc trưởng thành, các em còn nhớ đến danh giá của một gia tộc, hình ảnh quê nhà mới có cơ hội thành người được dòng tộc trân trọng. Vì người thành đạt là người có trí tuệ, nhân cách và tiền bạc. Nếu giàu có chỉ tính bằng tiền mà không có nhân cách, sẽ bị người ta coi thường, nhất là dân có học.
Đối với người không sinh sống ở đất trà, thường không phân biệt trà và chè. Trà là loại đã qua các công đoạn hái, ủ, phơi, sấy cho lên men và chế biến đóng gói xuất xưởng, còn chè là loại cây trồng trên đồi, hiên nhà bờ giậu khi cần ra vặt lá vo tròn mang về bỏ vào bình đổ nước sôi thêm vài lát gừng để chừng 15 phút mang ra sử dụng. Ngày xưa, chưa có mạng toàn cầu, văn hóa và nhân cách con người ở nông thôn ít chữ thường được nhân cách hóa qua văn hóa trà, vì nước trà không chỉ là món uống truyền thống mà còn ẩn chứa hồn đất, hồn người.
Tết năm rồi, Thạc sĩ Nguyễn Hùng Sơn, học trò cũ ghé thăm, được tôi mời ly trà tươi, em nhìn trân trân ly nước màu xanh cam tỏa hương với đôi mắt sáng lên của người con xa quê lâu rồi trở lại. Em tâm sự: “Con đã đi nhiều quốc gia, được thưởng thức nhiều thức uống khác nhau nhưng khi về nhà, nhìn ly chè xanh mang hương vị quê mình, bỗng nhớ đến cánh đồng chè thời thơ ấu, nhớ hình ảnh nón lá của các mẹ, các chị với chiếc gùi sau lưng nhấp nhô trong các đồi chè hay các sơn nữ K’Ho đi bộ cả hàng dài gùi củi về nhà dọc theo vườn trà, cà phê một thời đã in sâu vào ký ức. Rồi nhớ tiếng vọng của thầy hơn 20 năm trước: Tuy chè xanh chỉ đơn thuần là loại nước uống truyền thống xúc tác đối ẩm, nhưng trà giống như con người mang nội hàm trà chỉ ngon khi có thời gian thẩm thấu mới có hậu. Con người cũng thế, muốn trà đàm đi vào tâm thức cũng phải trầm tư suy nghĩ câu chuyện mang lại cái hậu cho người đối ẩm gọi là happy ending như người xưa nói rượu khà trà chắp. Chắp lưỡi là biểu hiện sự trân trọng hương vị của trà và lòng biết ơn và sự trân trọng của người mời, sự vô và biết ơn đời nằm ở âm vang đó”.
Năm rồi, gặp Thạc sĩ Trần Đình Long về nước thăm nhà nhân tiện em ghé thăm, cả hai thầy trò pha bình chè xanh, trong khi chờ đợi, Long tâm sự: “Con rời B’Lao gần 10 năm, ở bên ấy vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp có khi còn zero độ, con lại nhớ, giá như được uống ly trà xanh nóng với gừng và nghe tính minh triết về trà từ một người già như thầy cho ấm lòng người viễn xứ. Uống ly trà và nói chuyện văn hóa của người dân mới định cư và tồn tại vươn lên không còn gì thú bằng. Mấy năm trước, con đi xe máy bị té gẫy tay nằm một mình trong phòng, sau khi băng bột, con mới thấm thía sự cô đơn và tiền bạc để tồn tại. Thầy cũng biết gia đình con không khá giả gì, là con cả nên con cố gắng sinh tồn để tự kiểm tra kỹ năng sinh tồn ở xứ người, con luôn nhớ lời thầy căn dặn trước khi xuất ngoại "Trong một gia đình mà không có người nào làm rạng danh gia tộc đó là một gia đình bất hạnh". Ở Đài Loan (Trung Quốc) cũng có rất nhiều hoa dã quỳ như Lâm Đồng mình. Một loại hoa tự tồn tại đến mùa nở vàng rực đầy sức sống như một đời người chịu kham khổ mới có tương lai như cái hậu ly trà xanh khi mình chắp chắp. Giờ con đã có gia đình, vợ con cũng là thạc sĩ dân gốc B’Lao, đó là điều đáng mừng thầy ơi! Nhớ quê mình là nhớ đồi trà, con đường dốc đến mùa thu, hoa dã quỳ nở vàng, nơi đó có ông bà nội và ba mẹ con một thời cày xới”. Long cúi gầm người ôm mặt như nhớ một thời xa vắng.
Thầy Phan Khối, người định cư ở tận đầu đèo Bảo Lộc trên 50 năm chuyên uống trà tươi được trồng theo hàng giậu quanh nhà. Mỗi năm vào độ xuân về, bạn đến chơi nhà bất luận sang hèn, chè xanh là thức uống duy nhất để mời chào mừng năm mới. Thầy Khối tốt nghiệp nghề dạy học từ chế độ cũ, người có kiến thức sâu rộng về văn hóa phương Đông, anh có 4 đứa con đều tốt nghiệp đại học trong gia cảnh thanh bần. Mỗi lần đến chơi, anh đều có bình trà xanh ủ nóng trong vỏ bình bằng trái dừa của người miền Tây. Anh chia sẻ: “Uống trà đều có quy luật là nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ẩm, ngũ quần anh, trong đó quần anh là chính. Vì đây là những người hiểu biết có chung dòng chảy tâm thức. Trong họ đều có những câu nói nhẹ nhàng, tình cảm sâu lắng, những lời trân trọng dành cho nhau trong những lúc thịnh - suy của đời người. Trà xanh ngoài là thức uống dân dã còn lưu giữ những câu chuyện mang tính minh triết làm đẹp cho đời, vì cuộc sống này ngồi bên ly chè xanh để nghiền ngẫm sự vươn lên bảo tồn hạnh phúc còn là hành trình để hoàn thiện chính mình để gắn kết với bạn bè và con cháu; nói như thời kinh tế mở cửa, con người cần ba thứ ngoại: ngoại ngữ, ngoại hình và ngoại giao. Ở thời buổi này mà người cao tuổi như anh em tụi mình không tìm tòi hội nhập sẽ đi thụt lùi, hay nói cách khác là không đủ kiến thức để chuyển tải thông điệp cho con cháu. Lớp trẻ bây giờ chúng nó sẽ rất không thích những câu chuyện quá khứ nhọc nhằn, chỉ lắng nghe sự tồn tại trong thời đại kết nối toàn cầu. Trầm lặng bên ly chè xanh không phải là sự yếu đuối mà là cách giữ gìn phẩm giá, suy ngẫm làm và nói gì để lại sự danh giá cho bản thân và gia tộc. Bởi thế nên có câu nói về rượu cũng giống như về trà "Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu/ Thoại bất đầu cơ bán cú đa" (Rượu gặp bạn hiền nghìn chén còn ít, nói chuyện chẳng hợp nhau nữa câu cũng là nhiều). Đó là nét đẹp về văn hóa trà đặc trưng của người Việt cũng như người B’Lao của mình”.
Cách đây vài ngày, em Nguyễn Thị Mỹ Hạnh tốt nghiệp MBA ở Mỹ rồi làm Deputy CEO của 1 công ty lớn ở nước ngoài, thời thơ ấu gia đình chỉ uống chè xanh cho đến khi định cư ở nước ngoài. Em chia sẻ: “Em rất thích câu của thầy ngày xưa là trà cũng giống như người, đó là trà uống nước hai là thực chất, vì tự nó tỏa hương, còn nước nhất mang hương vị nhân tạo hỗn hợp, cũng như con người lần đầu gặp gỡ chào mời bằng những lời nói có cánh bên cạnh bộ quần áo đắt tiền, nước hoa thơm phức, nhưng phải có một đôi lần gặp nhau mới nhận ra con người thật như cha ông mình nói: "Trường đồ tri mã lực, cửu nhật thức nhất tâm" (Đường dài mới biết sức ngựa, người gặp nhau sau 9 ngày mới biết được chính họ). Trà xanh ngoài là thức uống dân dã mà còn lưu giữ những câu chuyện mang tính minh triết làm đẹp cho đời cho đối tác, nhất là thời hội nhập, giao tiếp và đàm phán. Mỗi lần về nước đến thăm thầy, bên ly trà xanh, em hình tượng lại những ngày xa vắng, một thời cùng các bạn còng lưng từ Đại Lào đạp xe qua những đồi chè xanh ngắt dưới chân núi Đại Bình - nơi mang hồn quê và nỗi nhớ của người xa xứ”.