Ký ức không quên về ngày tiếp quản Thủ đô của những cựu thanh niên xung phong

Đã 70 năm trôi qua, nhưng ký ức hào hùng của ngày giải phóng Thủ đô vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những cựu thanh niên xung phong làm công tác tiếp quản ngày ấy.

Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) là sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thực hiện chủ trương tiếp quản Thủ đô Hà Nội của Trung ương Đảng và Chính phủ, tháng 7/1954, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam đã thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô tại Thái Nguyên, với khoảng hơn 300 đội viên. Từ ngày 3 - 6/10 Đội Thanh niên về Thủ đô, chia nhau đi khắp phố phường làm nhiệm vụ tiếp xúc với người dân, tuyên truyền chính sách, giải đáp thắc mắc cho nhân dân. [1]

Đến nay, thành viên Đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô đều đã gần 90 tuổi, có nhiều người đã không còn. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với nhiều cựu thanh niên xung phong từng tham gia tiếp quản Thủ đô Hà Nội năm 1954. Dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng ký ức về những ngày tháng lịch sử đầy tự hào của họ về ngày ấy vẫn còn mãi.

Ký ức không thể quên về công tác tiếp quản Thủ đô

Dù đã gần 90 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Khang (sinh năm 1935), Trưởng ban liên lạc của Đội Thanh niên công tác tiếp quản thủ đô vẫn nhớ rõ chi tiết về sự kiện cách đây 70 năm. Mỗi khi nhắc lại, ông vẫn bồi hồi và xúc động.

Ông Khang kể lại, trước ngày được giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, ai nấy đều rất vui mừng, nhưng xen lẫn trong niềm vui là sự lo lắng. Tuy nhiên, sau khi được huấn luyện và học tập, tinh thần của các thanh niên ngày ấy trở nên vững vàng hơn để thực hiện nhiệm vụ.

Theo ông Khang, đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô có hơn 300 người, hầu hết ở lứa tuổi từ 18 - 20 tuổi. Để chuẩn bị chu đáo cho công tác tiếp quản, Chính phủ đã thành lập một đội chuyên làm công tác dân vận, tiếp xúc trực tiếp với người dân, bao gồm công chức, thanh niên và học sinh. Đội thanh niên xung phong được cử đi trước để giao lưu với người dân, thanh thiếu nhi Hà Nội. Khi ấy, các thành viên tập trung tại Nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện Lenessan trong khu vực Đồn Thủy do Pháp xây dựng), trải chiếu ngủ dưới đất.

 Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban liên lạc Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô. (Ảnh: Lương Hiền)

Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban liên lạc Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô. (Ảnh: Lương Hiền)

Nhớ lại về những ngày đầu làm nhiệm vụ, ông Nguyễn Văn Khang cho biết, đa phần các thành viên trong đội là người từ các tỉnh khác tới Hà Nội nên sự bỡ ngỡ là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của thanh niên địa phương, đội thanh niên dần làm quen với đường phố và công việc. Ban đầu, khi đội đến từng nhà, nhiều người dân còn lo ngại, không dám mở cửa do chưa rõ tình hình. Nhưng khi nhìn thấy các thành viên mặc quân phục chỉnh tề, nghiêm trang, người dân mới dần yên tâm tiếp đón. Để tạo thiện cảm, đội thanh niên thường tiếp xúc với các em nhỏ trước, sau đó là các bà, các chị trong nhà, từ đó làm tăng thêm sự gần gũi và tin cậy.

Ông Khang nhớ lại, lúc đầu người dân còn khá e ngại nhưng khi đã yên tâm, họ sẵn sàng chia sẻ, tâm sự về những khó khăn của mình. Họ lo lắng không biết liệu cuộc sống có thay đổi nhiều không như việc có được mặc áo dài nữa hay không hay việc làm ăn buôn bán sẽ ra sao. Thêm vào đó, những tin đồn từ phía địch như “ở lại Hà Nội sẽ bị đưa vào trại cải tạo” hay “Chúa đã vào Nam” cũng khiến người dân hoang mang.

“Đội cũng giải đáp các thắc mắc về công việc, tiền lương của những người công chức dưới chính quyền cũ. Họ hỏi chúng tôi liệu có tiếp tục được làm việc không, có được trả lương không và chúng tôi trả lời rõ ràng rằng họ vẫn được tiếp tục làm việc, lương vẫn đủ nuôi sống gia đình.

Thậm chí, có những gia đình, bao gồm cả đồng bào công giáo, ban đầu có ý định di cư vào Nam, nhưng sau khi nghe đội thanh niên giải thích, họ quyết định ở lại. Nhiều người sau này vẫn khẳng định đó là một quyết định đúng đắn.

Nhiệm vụ của đội thanh niên tiếp quản là làm cho người dân hiểu, tin tưởng và đồng hành cùng chính quyền mới. Sau khi được giải thích cặn kẽ, người dân dần yên tâm, bắt tay vào dọn dẹp đường phố, treo cờ hoa, dựng cổng chào để chào đón đoàn quân chiến thắng trở về, biến Hà Nội thành một thành phố rực rỡ và tràn ngập niềm tự hào trong ngày giải phóng”, ông Khang nói.

Ở độ tuổi gần 90, bà Vương Thị Hiếu, một trong những thanh niên tham gia tiếp quản Thủ đô năm xưa cũng rất xúc động khi hồi tưởng về thời điểm lịch sử của dân tộc. Khi ấy bà Hiếu mới 17 tuổi, vừa học xong chương trình phổ thông, lòng tràn đầy nhiệt huyết khi được chọn là một trong những thanh niên hỗ trợ công tác tiếp quản Thủ đô.

 Bà Vương Thị Hiếu là một trong những học sinh tham gia tiếp quản Thủ đô ngày ấy. (Ảnh: Lương Hiền)

Bà Vương Thị Hiếu là một trong những học sinh tham gia tiếp quản Thủ đô ngày ấy. (Ảnh: Lương Hiền)

Bà Hiếu kể lại: “Đoàn ô tô của chúng tôi di chuyển về Thủ đô vào ngày 8/10/1954 nhưng do tình hình giới nghiêm nên chúng tôi rất lo lắng. Khi ngồi trong xe, tôi nhìn ra và thấy một bảng hiệu tên là Hàng Bồ, tôi mới thốt lên đây là Hà Nội, cảm xúc lúc đó thật đặc biệt.

Trong số thanh niên tiếp quản Thủ đô, nhiều người là thanh niên Hà Nội, trong đó có những người đã theo bố mẹ tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau gần chục năm ngoài chiến trường (1946-1954), họ luôn khao khát ngày trở về. Bên cạnh đó còn có những thanh niên đến từ nhiều tỉnh khác như: Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang..."

 Hình ảnh về ngày các thanh niên tới Thủ đô tiếp quản được bà Hiếu cất giữ cẩn thận. (Ảnh chụp từ tư liệu của nhân vật)

Hình ảnh về ngày các thanh niên tới Thủ đô tiếp quản được bà Hiếu cất giữ cẩn thận. (Ảnh chụp từ tư liệu của nhân vật)

 Bà Hiếu thời còn trẻ (ngoài cùng bên phải) cùng một số thành viên trong đội thanh niên tiếp quản Thủ đô. (Ảnh chụp từ tư liệu của nhân vật)

Bà Hiếu thời còn trẻ (ngoài cùng bên phải) cùng một số thành viên trong đội thanh niên tiếp quản Thủ đô. (Ảnh chụp từ tư liệu của nhân vật)

Trong khi đó, bà Đặng Thị Ngữ Mỹ, lúc bấy giờ là học sinh ở Tuyên Quang cũng là một trong những người vinh dự được chọn tham gia tiếp quản Thủ đô. Nhớ lại những ngày đầu tham gia, bà Mỹ cho biết, đội thanh niên được giao nhiệm vụ vận động thanh thiếu niên tại các khu phố. Đoàn của bà gồm khoảng 18 người, phụ trách tuyên truyền và giải thích cho người dân hiểu mục đích của việc tiếp quản là xây dựng một Hà Nội tươi đẹp hơn.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là giải thích cho người dân, xoa dịu nỗi lo lắng và sợ hãi của họ. Chúng tôi thường xuyên được mời tham gia múa hát và tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ, tạo ra bầu không khí vui tươi, gần gũi. Đoàn tôi chịu trách nhiệm tiếp quản khu vực Hàng Lược.

Người dân rất thích sự năng động và mới mẻ mà chúng tôi mang lại. Khi chúng tôi chuẩn bị rời đi, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối, có người còn bật khóc vì không muốn chia tay. Sau đó, tôi tiếp tục công tác đoàn và đội, xây dựng các cơ sở đoàn tại Hà Nội”, bà Mỹ kể lại với nụ cười hạnh phúc.

Bà Mỹ cũng tâm sự, hiện tại, trong số hơn 300 thanh niên năm xưa, chỉ còn khoảng 50 người ở lại Hà Nội. Một số đã chuyển vào Sài Gòn và lan tỏa đi khắp các tỉnh, cũng có người đã không còn.

"Dù những đóng góp của họ có thể khiêm tốn, nhưng tinh thần nỗ lực không ngừng nghỉ ngày ấy đã góp phần xây dựng Hà Nội ngày càng phát triển. Đến nay, dù tuổi đã cao, nhưng tôi vẫn giữ được trí nhớ và sức khỏe nhờ những năm tháng rèn luyện nhiệt huyết khi ấy”, bà Mỹ xúc động nói.

Ông Đoàn Xuân Lộ (sinh năm 1936), là một trong những thanh niên xung phong ngày ấy xúc động kể lại kỷ niệm bản thân cùng đoàn thanh niên tiến vào Thủ đô. Theo đó, ông Lộ cùng đoàn tới Hà Nội từ ngày 8/10/1954. Lúc đó, đội quân Pháp vẫn còn hiện diện trong thành phố, cho đến ngày 15/10 mới rút hết.

“Đoàn tiếp quản rất đông, chủ yếu là trí thức và học sinh từ các vùng kháng chiến. Khi đó, tôi vừa tốt nghiệp trung học phổ thông và được chọn đi học nước ngoài, nhưng đã tạm hoãn để tham gia công tác tiếp quản Thủ đô. Nhiệm vụ của chúng tôi là tập hợp thanh thiếu niên, tuyên truyền chính sách, dạy người dân múa hát và tạo không khí vui tươi để chào đón bộ đội trở về. Mỗi ngày, tôi từ Đồn Thủy đi bộ xuống phố Hàng Bông, Hàng Gai để làm việc, rồi tối lại quay về. Đến ngày 10/10, khi bộ đội tiến vào Hà Nội, chúng tôi đã có mặt để đón tiếp. Không khí lúc đó rất vui tươi, náo nhiệt.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tôi được đi du học chuyên ngành Điện tử tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) trong 5 năm. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1960, tôi về giảng dạy tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trong những năm công tác tại đây, tôi đã tham gia nghiên cứu và thiết kế tàu phá sóng không người lái đầu tiên của Việt Nam”, ông Lộ cho biết.

Kỳ vọng thế hệ thanh niên ngày nay tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước

Khi được hỏi về những khó khăn trong thời gian tham gia công tác tiếp quản Thủ đô, ông Lộ khẳng định: “Tôi không thấy khó khăn, bởi nơi chúng tôi tiếp quản, mọi người đều rất vui vẻ, niềm nở chào đón chúng tôi. Trước khi vào Hà Nội, Thành đoàn đã cử một số thanh niên trí thức phối hợp với chúng tôi. Đến giờ, nhiều người trong đội đã mất, chỉ còn lại một số người nhưng chúng tôi vẫn không bao giờ quên về kỷ niệm một thời hào hùng của dân tộc.

Nhìn lại 70 năm đã trôi qua, tôi mong rằng thanh niên ngày nay sẽ hăng hái hơn nữa, sẵn sàng làm tất cả những gì cần thiết cho đất nước. Thế hệ trẻ cần chăm chỉ học tập, phấn đấu vươn lên để nâng cao năng lực bản thân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng mạnh mẽ và thịnh vượng”.

 Ông Đoàn Xuân Lộ, một trong những cựu thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô. (Ảnh: Lương Hiền)

Ông Đoàn Xuân Lộ, một trong những cựu thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô. (Ảnh: Lương Hiền)

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khang chia sẻ, thế hệ thanh niên thời kháng chiến mang trong mình tình yêu nước sâu sắc. Họ cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Giờ đây, nhiều người còn sống, nhiều người đã không còn, nhưng tất cả đều đã góp phần tạo nên một đất nước vững mạnh như hôm nay.

Nhiệm vụ của thanh niên xung phong thời ấy là vận chuyển lương thực, đạn dược và chăm sóc thương binh. Sau chiến thắng, đội thanh niên đã thực hiện nhiệm vụ tiếp quản thủ đô. Đó là nhiệm vụ trong thời chiến, còn hiện tại đã là thời bình, ông Khang xúc động nhắn nhủ tới thế hệ trẻ ngày nay: “Thanh niên thời đó không quản ngại hy sinh, gian khổ, cống hiến hết mình cho kháng chiến. Chúng tôi giờ đã già, rồi cũng sẽ ra đi, nhưng tương lai đất nước có phồn vinh hay không đều phụ thuộc vào thế hệ trẻ. Tôi mong thanh niên ngày nay hãy cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường các bạn cần cố gắng học tập và rèn luyện. Sau khi tốt nghiệp hãy dồn hết tâm huyết để làm việc, đưa đất nước vươn tầm thế giới. Đó là mong ước của tôi trước khi rời xa cuộc đời này”.

Cũng gửi lời nhắn nhủ tới các thế hệ trẻ, bà Vương Thị Hiếu bày tỏ: “Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày tôi tham gia tiếp quản Thủ đô, Hà Nội hôm nay đã khác xưa rất nhiều, trở nên hiện đại hơn. Tôi mong rằng thế hệ trẻ ngày nay được sống trong hòa bình cũng thể hiện tinh thần yêu đất nước, đặc biệt là yêu quý thủ đô và nơi mình sinh sống. Các bạn trẻ cần cố gắng cống hiến, góp phần làm cho đất nước ngày càng tươi đẹp hơn”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://special.nhandan.vn/doi-thanh-nien-cong-tac-tiep-quan-thu-do/index.html

Lương Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ky-uc-khong-quen-ve-ngay-tiep-quan-thu-do-cua-nhung-cuu-thanh-nien-xung-phong-post246105.gd
Zalo