Ký ức hào hùng về vùng căn cứ cách mạng Vườn Cau Đỏ
Vườn Cau Đỏ (nay thuộc Quận 12, TP Hồ Chí Minh) trước đây là vùng chiến khu. 50 năm sau ngày giải phóng, từ vùng ven thuộc Hóc Môn, giờ nơi này đã trở thành đô thị khang trang, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Những ngày tháng 4, chúng tôi tìm đến vùng căn cứ cách mạng Vườn Cau Đỏ năm xưa. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Bùi Văn Lắm (SN 1975, ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12) ân cần đưa đến khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ. Đây là địa điểm lịch sử quan trọng nằm tại phường Thạnh Xuân khắc ghi, tôn vinh những đóng góp, hy sinh to lớn của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Anh Lắm vui mừng: "Chiến tranh lùi xa 50 năm, từ vùng ven thuộc Hóc Môn, giờ nơi này đã trở thành đô thị khang trang, hiện đại với nhiều tuyến đường lớn kết nối với các khu vực lân cận như quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) và TP Thuận An (Bình Dương) đang phát triển toàn diện về mọi mặt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao".

Vườn Cau Đỏ - nơi từng chứng kiến sức mạnh của quân và dân ta.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ, vùng đất Vườn Cau Đỏ đã trở thành căn cứ lõm cách mạng, từng là trận địa ác liệt, mồ chôn của kẻ thù. Vườn Cau Đỏ bao quanh là các xã Nhị Bình, Quới Xuân, Thạnh Lộc, Tân Thới Hiệp và Đông Thạnh. Đây là nơi có nhiều vườn cau cây trái xum xuê, xưa kia là vùng đất đầm lầy, kênh rạch chằng chịt như mạng nhện, cỏ dại mênh mông, rắn rết, muỗi, đỉa, bò cạp… nhiều vô tận.
Theo các đồng chí lão thành cách mạng từng hoạt động trên địa bàn này, trong chiến tranh ở đây cau mọc thành từng đám nên gọi là vườn cau, còn màu đỏ của địa danh "Vườn Cau Đỏ" không chỉ đơn thuần là màu sắc của thân cau bị ngả màu do tàn phá ác liệt của chiến tranh mà còn mang ý nghĩa là những hy sinh xương máu của các thế hệ CBCS, nhân dân đã ngã xuống mảnh đất này.
Vị trí của Vườn Cau Đỏ ở sát cạnh và bao quanh là các cơ quan quân sự của địch chiếm đóng. Nó được ví như một chiếc túi chứa đựng tất cả những mối liên hệ từ bên ngoài, và là một căn cứ nối liền rừng với thành phố. Mất Vườn Cau Đỏ là mất liên lạc với thành phố. Do vậy, Vườn Cau Đỏ trở thành bàn đạp giữa thành phố và căn cứ. Nơi đây vừa có địa hình thuận lợi về tầm che khuất, giữ được yếu tố bí mật để triển khai đội hình chiến đấu.
Đối với ta, Vườn Cau Đỏ trấn giữ một vị trí trung chuyển không thể thay thế trên hướng Tây Bắc Sài Gòn. Từ một "vành đai an ninh" thô sơ ban đầu, về sau Vườn Cau Đỏ phát triển thành một khu "căn cứ lõm", một mật khu cách mạng, là nơi đứng chân, che giấu lực lượng cách mạng. Căn cứ gồm nhiều "lõm" khác nhau dàn trải trên một địa bàn rộng, là bàn đạp xuất phát của các lực lượng kháng chiến tấn công vào Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ.
Từ tháng 3/1945, cả dân tộc ta hăng hái chuẩn bị cho một cuộc Tổng khởi nghĩa. Vườn Cau Đỏ trở thành địa điểm tập hợp lực lượng quần chúng hằng đêm luyện tập võ nghệ để chuẩn bị nổi dậy cướp chính quyền, đánh đuổi quân xâm lược. Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được bao lâu, ngày 23/9/1945, Pháp nổ súng tấn công trụ sở các cơ quan của chính quyền cách mạng tại Sài Gòn. Sau 3 tháng, Tỉnh ủy Gia Định quyết định rút lực lượng ra vùng ngoại thành để bảo toàn lực lượng tiếp tục chiến đấu.
Ngày 25/12/1945, tại Vườn Cau Đỏ, đồng chí Phạm Văn Khung, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định đã chủ trì Hội nghị cán bộ chủ chốt. Hội nghị đã quyết định chọn 3 xã: An Phú Đông, Thạnh Lộc, Quới Xuân để thành lập căn cứ kháng chiến với tầm vóc một chiến khu vì nơi đây cách trung tâm Sài Gòn không xa, diện tích tuy nhỏ hẹp nhưng rất thuận lợi cho kháng chiến, có thể bám trụ lâu dài...
Từ đó, Vườn Cau Đỏ được chọn là một trong những địa điểm tập trung CBCS ta. Tại đây, quân ta đã thành lập một "Trạm đón tiếp công nhân" của Tổng Công đoàn Nam bộ để đón tiếp công nhân kỹ thuật từ Sài Gòn ra. Trên cơ sở đó, Ban chỉ huy chiến khu đã thành lập một xưởng quân khí để sản xuất vũ khí, khí tài trang bị cho các lực lượng cách mạng.
Để thực hiện chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh", thực dân Pháp tổ chức nhiều cuộc càn quét dữ dội vào Vườn Cau Đỏ, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của Sài Gòn - Gia Định. Ngày rằm tháng 7/1946, Pháp đưa lính Ma Rốc, Miên và bọn việt gian bao vây xung quanh, bất ngờ tấn công Vườn Cau Đỏ. Do bị đánh bất ngờ, lực lượng của ta không kịp chống trả. Lính Pháp đàn áp rất dã man, giết hại nhiều người dân.
Từ cuối năm 1946, thực dân Pháp thiết lập một hệ thống dày đặc lô cốt, tháp canh xung quanh và dọc các con đường dẫn tới chiến khu An Phú Đông, tổ chức nhiều cuộc càn quét, bắn phá dữ dội. Nhưng quân dân ta vẫn kiên cường bám trụ, các lực lượng cách mạng đã tổ chức nhiều trận chống càn, trừ gian diệt ác, tiếp tục phát triển phong trào "Bình dân học vụ".
Nhờ ý chí kiên cường và sự bao bọc nghĩa tình của đồng bào, chiến khu vẫn đứng vững, góp phần đánh bại chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh", khiến thực dân Pháp gặp nhiều khó khăn và tổn thất. Tháng 1/1950, trong phong trào đưa tang trò Trần Văn Ơn, Vườn Cau Đỏ trở thành trạm trung chuyển những học sinh, sinh viên vào chiến khu.
Dưới chế độ Mỹ - Diệm, Vườn Cau Đỏ bị liệt vào danh sách "vùng trắng" được tự do oanh kích. Chúng liên tiếp tổ chức các cuộc hành quân càn quét nhằm tìm diệt cán bộ ta. Quận ủy Gò Môn vẫn nêu cao quyết tâm tiếp tục bám trụ chiến đấu. Vườn Cau Đỏ được chọn để xây dựng "lõm" căn cứ kháng chiến của xã Thạnh Lộc lúc bấy giờ. Tại đây, chúng ta đã xây dựng một khu căn cứ liên hoàn làm nơi trú chân của nhiều đơn vị bộ đội cấp Tiểu đoàn và Trung đoàn.
Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, lực lượng bộ đội về ém quân tại Vườn Cau Đỏ, nhân dân địa phương đã cung cấp khoảng 2 tấn gạo, hơn 250 ổ bánh mì, hàng trăm bánh tét… Ngày 10/3/1968, lực lượng bộ đội địa phương do đồng chí Sáu Thẹo chỉ huy đóng quân dọc theo bờ sông để phục kích hai đại đội lính ngụy chuẩn bị càn quét tại Vườn Cau Đỏ…
Trong giai đoạn 1969 - 1973, chính quyền Nixon đã chủ trương thực hiện chiến lược mới "Việt Nam hóa chiến tranh". Chúng đẩy mạnh càn quét, đặc biệt là tại các vùng căn cứ của ta. Quân dân ta đóng tại Vườn Cau Đỏ đã quyết liệt chống trả nhiều trận càn lớn nhỏ của chúng. Năm 1971, tại đây bộ đội ta đã tiêu diệt tiểu đoàn dù 11 của ngụy. Năm 1973, một tiểu đội du kích phối hợp với trung đoàn Gia Định đã đánh chặn 1 biệt đội quân nhảy dù, thu một số chiến lợi phẩm.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Vườn Cau Đỏ là nơi giấu quân của các đơn vị như, E115, Trung đoàn Gia Định, Bộ đội Gò Môn... chuẩn bị tiến đánh vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Mặc dù đã nhiều lần địch dùng pháo binh, máy bay ném bom để càn quét và đánh phá ác liệt nhằm tiêu diệt Vườn Cau Đỏ nhưng CBCS và nhân dân Thạnh Lộc - Thạnh Xuân đã dũng cảm hy sinh, vượt qua gian khổ bảo vệ khu căn cứ đến cùng.
Từ vùng đất cách mạng, chủ yếu nông nghiệp, đời sống khó khăn, đến nay đã có sự phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân được nâng cao. Bà Nguyễn Thị Nhật Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân, cho biết: Trong quý I-2025, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh, sản xuất thực tế trên địa bàn là 1.495 đơn vị, bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện. Đáng lưu ý, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tương đối ổn định, phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nhiều loại cây hoa kiểng được nông dân tiếp tục duy trì như: Kiểng bonsai, mai ghép, hoa lan, sứ ghép, hoa nền...
UBND phường Thạnh Xuân đã làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, hàng năm các đợt lễ, Tết thường xuyên tổ chức thăm và tặng quà các gia đình chính sách; làm tốt chính sách trợ cấp ưu đãi cho thương binh và bệnh binh nặng theo Nghị quyết 126 kịp thời và đúng quy định.