Ký ức hào hùng của những nữ cựu tù kháng chiến
Chiến tranh đã lùi xa tròn nửa thế kỷ, nhưng trong tâm trí các nữ cựu tù (NCT) kháng chiến vẫn nhớ mãi ký ức về những năm tháng trong lao tù đế quốc. Họ đã trải qua những trận đòn roi tàn bạo, những khoảnh khắc đối mặt với lằn ranh sinh tử. Song, giữa chốn địa ngục trần gian ấy, ý chí kiên trung, niềm tin sắt son và tình đồng đội đã tôi luyện họ tiếp nối khí phách Bà Trưng, Bà Triệu trong thời đại Hồ Chí Minh.
* NCT PHAN THỊ THANH HỒNG:
15 tuổi muốn đi theo cách mạng
Năm 1965, cô gái Phan Thị Thanh Hồng, quê ở Tân Phú Đông với lòng yêu nước và lòng căm thù giặc, mới 15 tuổi muốn được đi theo cách mạng, muốn được cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước. Cô Hồng đăng ký đi thanh niên xung phong, nhưng sau đó cô được phân công làm giao liên ở huyện Tân Phước, rồi cô tham gia Đội hỏa tốc của Tỉnh đội Mỹ Tho. “Công việc của Đội hỏa tốc giống như làm giao liên, chủ yếu đi thư đến các cơ quan, công việc này chủ yếu đi vào ban đêm” - cô Hồng chia sẻ.

NCT Phan Thị Thanh Hồng.
Đến cuối năm 1967, cô Hồng được phân công về Gò Công cũng làm nhiệm vụ hỏa tốc giao thư. Đến cuối năm 1968, cô được điều qua Đội pháo binh của tỉnh Gò Công, được phân công là Trung đội phó pháo binh phụ trách khối nữ. Đội pháo binh đã cùng bộ đội ở Tiểu đoàn 514 tham gia các trận đánh như: Đánh vào Dinh tỉnh trưởng, pháo kích vào chợ Dinh (xã Đồng Sơn); trận Bình Xuân năm 1969…
Cô Hồng kể lại: Trưa tháng 4-1969, khi Đội pháo binh đánh vào Dinh tỉnh trưởng, đặc công và bộ binh Tiểu đoàn 514 bị lộ nên lội qua sông Bình Xuân rút về Thanh Vĩnh Đông (tỉnh Long An). Lúc này tưởng đã ổn, nhưng không ngờ địch lại càn vào Thanh Vĩnh Đông, cô và các anh, các chị lại lội qua sông rút về Đồng Sơn, địch lại đổ quân ở Đồng Sơn thì cô và một số anh bị bắt.
Chúng bắt cô đưa về Tân An (tỉnh Long An) giam để điều tra, rồi chuyển về giam ở Bình Đức. Những ngày bị giam giữ cô bị tra tấn rất dã man. Sau đó, địch lại đưa cô và 11 người nữa qua giam giữ tại trại giam Cần Thơ. Được vài tháng, một số thì chúng đưa ra Phú Quốc; cô bị đưa ra trại giam của tỉnh Bình Định gần 5 năm. Đến năm 1973 thì cô và mọi người được trao trả về Lộc Ninh.
Năm 1974, cô Hồng về làm công tác hậu cần tại Tỉnh đội Gò Công. Sau khi đất nước thống nhất, cô Hồng được đi học bổ túc văn hóa và được phân công làm nhiều công việc khác nhau như: Công ty thương nghiệp Gò Công, Bảo hiểm xã hội; đến năm 1984 thì cô nghỉ hưu. Cô Hồng chia sẻ thêm, năm 1975, cô kết hôn, cô với chú có với nhau được 2 người con.
Đến năm 1980, cô được cấp cho căn nhà nhỏ tại TP. Gò Công hiện nay. Hiện tại, trong căn nhà nhỏ ở TP. Gò Công, cô Hồng sống cùng gia đình 2 người con và các con của cô luôn tự hào về ba mẹ của mình.
* NCT NGUYỄN THỊ NGỌC ÁNH:
Nhất quyết không khai
Tham gia cách mạng khi vừa tròn 20 tuổi, cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh, sinh năm 1949, quê thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây vẫn nhớ như in những ngày đị bắt giam cầm nơi nhà tù Côn Đảo. Cô Ánh nhớ lại: Năm 1969, cô tham gia làm giao liên ở xã Vĩnh Hữu.

NCT Nguyễn Thị Ngọc Ánh cùng chồng là thương binh Nguyễn Văn Nghễ.
Năm 1971, cô bị địch bắt và bị tra tấn hết sức dã man. Chúng trói ké (chéo tay sau lưng) đem ra mương nhấn nước. Chúng tra khảo nhưng cô nhất quyết không khai. Nếu khi đó cô khai ra thì nhiều bộ đội ta đang ở các hầm trú ẩn gần đó đã bị bắt.
Thấy không khai thác được gì từ cô, chúng bắt cô giam ở khám Gò Công, rồi Tân Hiệp, Biên Hòa, Thủ Đức, Đà Nẵng… Đến năm 1972, chúng đem cô ra giam tại nhà tù Côn Đảo. Cô Ánh kể: Từ ngày ra Côn Đảo, cô cùng các chị em trong nhà giam tiếp tục chiến đấu.
Dù bị địch bắt, tra tấn, chịu cảnh lao tù khắc nghiệt, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội nhưng các cô, các chị vẫn kiên cường đấu tranh. Các cô, các chị tuyệt thực đòi quyền sống, phản đối chào cờ…. Ngày 30-4-1975, khi hay tin giải phóng miền Nam, ai nấy đều vui mừng khôn xiết và đến ngày 10-5, cô và các cô, các chị được Nhà nước đem tàu ra rước về đất liền.
Khi trở về địa phương, cô Ánh công tác tại Hội Phụ nữ Gò Công và nên duyên cùng người thương binh Nguyễn Văn Nghễ. Cô Ánh chia sẻ: Cô và chú Nghễ biết nhau từ những năm 1970, gác lại việc riêng, cô chú hẹn nhau ngày hòa bình. Sau đó, mỗi người đi chiến trường khác nhau, hoàn toàn mất liên lạc, cũng không nghĩ mình và anh ấy còn sống, cứ chiến đấu vì độc lập nước nhà.
Sau năm 1975, cô chú được phân công về Tỉnh ủy Gò Công công tác thì 2 người mới gặp lại nhau. Lúc này chàng trai Nguyễn Văn Nghễ đã thành thương binh (chú Nghễ mất đi chân trái). Cô chú nên duyên, tiếp tục công tác, nuôi 3 người con khôn lớn và luôn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.