Ký ức hành quân tiến về Sài Gòn
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với những cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ký ức về những trận đánh khốc liệt tại căn cứ Đồng Dù, Củ Chi hay Dinh Độc Lập vẫn in đậm trong tâm trí, như mới chỉ diễn ra hôm qua.
Cuối tháng 4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn quyết định. Để tiến quân thần tốc về Sài Gòn, lực lượng Quân giải phóng buộc phải vượt qua các căn cứ quân sự then chốt của chính quyền Sài Gòn, trong đó có căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, một pháo đài kiên cố của Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” Mỹ để lại.

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Cảnh nhớ lại thời khắc chứng kiến xe tăng của ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập
Cựu chiến binh Nguyễn Quang Luyến, ở đường Nguyễn Thị Định, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, chiến sĩ C17 – Trung đoàn 48 – Sư đoàn 320A, người đã cùng Quân Giải phóng từ chiến dịch Tây Nguyên tiến về Sài Gòn xúc động kể lại: “Sáng 29/4 đúng lệnh từ tầm xa bắn vào, bọn tôi đúng 6h10 khi mù lên bắt đầu bấm mở cửa. Khi mở cửa thì phải được cửa từ 8 đến 9m để xe tăng của ta ở đằng sau lên. Khi 2 xe tăng lên thì 1 cái tắc không lên được, tôi phải ôm lựu pháo tự chế theo xe tăng phi vào hàng rào cuối cùng, nhất chết cũng phải phi vào vì nếu không phi vào bộ binh không lên được. Tôi giật nụ xòe nằm úp mặt xuống, một luồng khói mạnh quá, không biết gì nữa. Khi tỉnh lại thì xe tăng đã lên đằng trước mình, đạn bắn ào ào cứ như đi hội. Đánh rất nguy hiểm mà cứ như đi hội, tôi chưa bao giờ thấy như vậy”
Sau khi vượt qua tuyến phòng thủ Củ Chi – Đồng Dù, các mũi tiến công của quân giải phóng nhanh chóng áp sát nội đô Sài Gòn. Trưa ngày 30/4/1975, lực lượng xe tăng của Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2, đã tiến thẳng về Dinh Độc Lập – trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Xe tăng đi đầu mang số hiệu 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy quay nòng pháo, nhấn ga, húc vào cánh cổng bên trái (từ ngoài vào). Do đột ngột gặp sức cản lớn nên xe chết máy. Chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy đi sau vượt lên, lao vào húc đổ cánh cổng chính của Dinh Độc Lập. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Đó chính là thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng.

Cựu chiến binh Mai Văn Tiêm rưng rưng nước mắt khi nhớ lại thời khắc nghe được lời tuyên bố đầu hàng Quân Giải phóng của Dương Văn Minh
Ông Nguyễn Thanh Cảnh ở phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, sĩ quan thông tin thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin – Quân đoàn 2, nhận lệnh truyền tin chiến dịch nhớ lại: “Chúng tôi đi trên đường nhiều chông gai lắm, nói chung nó phục nó bắn nhưng chúng tôi vượt qua hết. Bắt đầu vào đó thì bên tay trái tôi thấy 1 chiếc xe tăng bị kẹt ở đó luôn. Thế là tăng 390 lùi một phát húc thẳng cánh cửa vượt qua luôn. Anh Thận anh giật cái cờ trên xe rồi lên gác 2 cắm cờ giải phóng mình lên. Lúc đó Bùi Hữu Hạnh mới đưa Dương Văn Minh ra, Dương Văn Minh nói chúng tôi đợi các để vào bàn giao, thì anh Thận nói là không có giao nhận gì hết, các anh thua rồi, các anh tuyên bố đầu hàng. Lúc đó chúng tôi không ai đập mà khóc hết, mừng lắm, sướng lắm.”

Những kỷ vật thời chiến tranh luôn được các cựu chiến binh gìn giữ và nâng niu
Ở một vị trí thầm lặng mà không kém phần quan trọng, ông Mai Văn Tiêm, ở đường Thủ Khoa Huân, thành phố Buôn Ma Thuột, nguyên Đài trưởng Đài mật mã K26 – Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, có mặt cùng đoàn chỉ huy chiến dịch, xúc động kể: “Đơn vị chúng tôi được bảo vệ rất cẩn thận vì chúng tôi theo Đại tướng Văn Tiến Dũng. Ngày 30/4 tôi vừa mới thay ca, tôi mở Đài Sài Gòn thì Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi mới nhảy lên, tôi chỉ nhớ là “Tôi Dương Văn Minh Tổng thống Lâm thời Việt Nam Cộng hòa tuyên bố xin đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam”. Tôi la lên, tôi nói anh em ơi, địch đầu hàng rồi, mừng không thể tưởng được, nghĩ đến là muốn khóc, xúc động lắm.”

Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh công tiến vào Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)
Những người lính như ông Luyến, ông Cảnh, ông Tiêm… chính là những chứng nhân sống động cho bản hùng ca mùa Xuân năm 1975. Ký ức về những trận đánh tại căn cứ 25 – Đồng Dù, những quyết định thần tốc tại Dinh Độc Lập, hay tiếng loa phát đi tuyên bố đầu hàng qua Đài Sài Gòn, vẫn vang vọng trong lòng những người lính năm xưa – như một lời nhắc về khát vọng hòa bình, độc lập.