Ký ức của màu áo xanh
'Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường' - cảm ơn nhà thơ Tạ Hữu Yên và nhạc sĩ Nguyễn Thành với 'Cảm xúc tháng mười' đã nói giúp bao điều chan chứa.
Màu của sự trưởng thành
Từ mùa thu tháng 10-1954, hình ảnh người chiến sĩ với quân phục màu xanh trùng trùng điệp điệp tiến về giải phóng Thủ đô sau “9 năm kháng chiến trường kỳ” đã khiến cho phố phường Hà Nội xanh và thắm hơn. Và “Một sớm thu trong đất thắm sao vàng/ Năm cửa ô xòe năm cánh rộng/ Đoàn quân về nhấp nhô như sóng/ Những ngôi nhà dường muốn cao thêm”.
Có thể chưa chuẩn lắm về màu sắc, nhưng dường như đã có sự mặc nhiên khi nói về “màu xanh áo lính” đã thấm đẫm trong tâm trí mọi thế hệ người Việt. Nhớ hồi tôi còn nhỏ, những năm quân và dân Thủ đô kiên cường chiến đấu dưới mưa bom bão đạn chống trả những đợt không kích của Không quân Mỹ, hình ảnh những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam xuất hiện trên đường phố đã đem lại niềm tin, đem lại cảm giác được chở che, đem lại những nụ cười chiến thắng. Hồi đó, những chiến sĩ quân phục màu xanh thật hiên ngang và cũng thật tự hào. Tôi đã bao lần đứng ngẩn ngơ trên hè phố để ngắm nhìn các anh để trong lòng dấy lên niềm ao ước được khoác lên mình bộ quân phục như thế. Trong tâm trí của lũ trẻ thì đó là sự mong mỏi, khao khát và mến phục, đánh dấu một chặng đường trưởng thành.
Như bao thanh niên cùng trang lứa, thế hệ chúng tôi lớn lên đều trở thành những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhớ những ngày đơn vị cho nghỉ phép, từ biên giới về Thủ đô chúng tôi rất hãnh diện mặc quân phục để đi chơi và để đến nhà “cô bạn ngày xưa học chung một lớp”. Bộ quân phục khiến chúng tôi chững chạc hẳn, được mọi người tôn trọng và cũng khá tự tin khi giao tiếp. Mặc quân phục cùng nhau dạo phố là hãnh diện, lên xe điện hay ghé Bách hóa Tổng hợp chúng tôi đều được mọi người “nhường” chỗ xếp hàng. Cái sự “nhường” ấy đã nói lên tình cảm của người dân Hà Nội đối với những người lính. Nhân dân yêu, nhân dân tin và nhân dân luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho các chú bộ đội. Trong tâm trí tôi, màu áo lính mãi còn lưu giữ ký ức chiến đấu oanh liệt và niềm tin, khát vọng của tuổi thanh xuân.
Phát huy tình yêu quê hương
Có lần ngồi nói chuyện với nhau, chúng tôi đã so sánh về sự xuất hiện của màu áo lính trên đường phố. Nếu như ở các quốc gia khác, sự xuất hiện của quân đội bao giờ cũng đi kèm cảm giác có sự “bất ổn” thì ở ta, đã 80 năm nay, hình ảnh chú bộ đội luôn là sự mến thương, hiền hòa, là dấu hiệu cho thấy sự chở che, giúp đỡ.
Tháng 12 vọng về với bao nỗi nhớ. Ngay lúc này, trong lòng người dường như đều nhắc về ngày lễ 22-12, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi nhớ ngày 1-5-1973, đó là lần đầu tiên tôi được cùng mọi người hò reo sung sướng và tự hào ngắm những đoàn quân tề chỉnh, hiên ngang bước đều trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Rồi từ Ba Đình, đoàn quân ấy diễu hành trên các đường phố Thủ đô. Lần đầu tiên sau 18 năm (nghĩa là sau ngày 1-1-1955), đoàn quân chiến thắng lại oai nghiêm đi dưới trời Hà Nội. Sau những ngày gian khổ chống lại đạn bom Mỹ, đường phố Hà Nội lại vang nhịp “Tiến Quân ca” của đoàn quân chiến thắng. Năm đó, trời Hà Nội đúng là trong hơn, phố Hà Nội đúng là xanh hơn và ánh mắt của biết bao người cũng như xanh hơn.
Năm 1973 đó, báo chí đã viết, Hiệp định Paris đã được ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhưng nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn ở phía trước. Qua lễ duyệt binh năm 1973, nhân dân cả nước và báo chí quốc tế một lần nữa được thấy sức mạnh và sự quyết tâm thống nhất. Trong những năm sau này, vào những ngày lễ lớn, Nhà nước và quân đội luôn tổ chức những lễ diễu binh lớn tại quảng trường Ba Đình. Với nhân dân cả nước, lễ diễu binh luôn là dịp đặc biệt để lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước được phát huy. Những đội quân từ nhân dân mà ra, từ thế hệ này tới thế hệ khác tiếp nối, sẵn sàng bảo vệ tự do và độc lập dân tộc. Và cũng từ đó, phố phường Hà Nội lại có niềm vinh dự vô cùng lớn lao là thay mặt cả nước chứng kiến hình anh đoàn quân chiến thắng bước đi với vẻ rạng ngời.
Giai điệu chở che đất nước
Thời gian qua nhanh, những ngày tháng 12 này lại trở về với náo nức. 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cũng là chặng đường 80 năm chiến đấu và chiến thắng, cũng là 80 năm hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ chiếm trọn trái tim người dân nước Việt. Với Thủ đô Hà Nội nói riêng thì hình ảnh người chiến sĩ với trang phục màu xanh luôn nhận được những tình cảm và lòng mến phục của người dân Hà Nội. Và hình ảnh thân thương đó cứ ngân nga, lắng đọng mãi trong lòng người.
Xin mượn lời ca trong bài hát “Màu áo chú bộ đội” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý để thêm một lần được cất tiếng hát chung với mọi người: “Màu áo chú bộ đội, mới trông là màu xanh/ Như màu lá trên cành, trộn vào màu xanh rêu đá/ Màu áo chú bộ đội, đi trên đường cát bụi/ Lại ánh sắc màu vàng, có màu đỏ đất núi/ Xen nâu đất đường làng”. Bài hát được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác cho thiếu nhi nhưng lời dường như được dành cho tất cả mọi người, bởi lẽ nhạc sĩ đã nói rất đúng và rất trúng về hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Chính màu xanh áo lính đã in trong tâm trí mỗi người, để sau này mỗi khi thấp thoáng màu áo bộ đội nơi nào là đủ yên tâm vì biết rằng ở đó có những con người đang dốc sức, hết lòng vì đất nước, quê hương.
Trong tôi cứ ngân nga mãi giai điệu ngợi ca rất tự nhiên khi nói về người chiến sĩ: “Màu áo thân thương, khó đổi màu qua mưa nắng/ Như tình sâu nghĩa nặng, chẳng thay đổi bao giờ/ Như tình dân nghĩa Đảng, còn nguyên vẹn như xưa/ Mai đây, chúng em đi dưới màu cờ, lại mang tấm áo/ Không phai mờ, không phai mờ được màu xanh, tươi xanh”.