Ký ức bên chiếc vô-lăng

Tôi bắt đầu câu chuyện từ một đại đội ô tô vận tải quân đội hoạt động trên địa bàn miền Trung của đất nước. ...

Ngày ấy, khi miền Nam vừa giải phóng, đất nước thống nhất, trong một chuyến công tác, chúng tôi đến Ðại đội Sáu, thuộc Trung đoàn Vận tải Anh hùng 230, Quân khu 5. Lúc đầu, tôi cứ ngỡ đây là một phân xưởng sửa chữa, chứ không phải đơn vị ô tô vận tải. Tiếng gõ lách cách xen lẫn với những tiếng máy nổ ầm ầm, tiếng nói, tiếng cười và cả tiếng hát. Bên kia, từ một chiếc máy, các chiến sĩ gỡ bung ra hàng trăm chi tiết, nhìn rối cả mắt. Phía bên phải là chiếc máy hàn, tiếng nổ lúc to, lúc nhỏ, từ đầu que hàn tóe lên những ánh chớp sáng xanh. Tôi đang đứng xem một chiến sĩ đang bảo dưỡng bộ chế hòa khí, bỗng giật mình, vì từ chiếc xe bên cạnh, các chiến sĩ reo ầm lên lẫn trong tiếng máy vừa được khởi động. Ðó là niềm vui của các chiến sĩ lái xe, thợ sửa chữa sau khi khắc phục thành công một chiếc xe bị hỏng nặng.

Một chiếc xe Zin 130 từ từ "bò" vào bãi đỗ xe. Trung úy, Ðại đội trưởng Phạm Hồng Sơn từ ca-bin bước xuống, quần áo còn nhọ nhem dầu mỡ, một tay cầm mấy chiếc cờ-lê, mỏ-lết, tay kia xách một số vật liệu vừa tháo được ở ngoài "đống sắt cháy" do chiến tranh gây ra. Ðại đội trưởng Phạm Hồng Sơn vui vẻ nói với tôi:

- Căng quá anh ạ! Cái khó khăn nhất của chúng tôi là tình trạng thiếu thốn vật tư, phụ tùng thay thế. Cho nên, chúng tôi xác định, trước hết là phải tự lực tự cường, dựa vào sức mình là chính, phát huy khai thác mọi khả năng sẵn có trong đơn vị để bảo đảm các chỉ tiêu, kế hoạch vận chuyển hàng hóa cấp trên giao cho - Chỉ tay vào số vật liệu cũ vừa tháo được, Ðại đội trưởng Phạm Hồng Sơn nói tiếp - Chúng tôi phải nhặt nhạnh từng đinh ốc, từng lá thép, lá đồng, từng vòng bi cũ. Quý lắm anh ạ. Ðể sử dụng được, số vật liệu ấy còn phải qua khâu bảo dưỡng, sửa chữa hoặc cải tiến lại mới ổn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết rõ hơn nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa của Ðại đội Sáu là phục vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng kinh tế. Ðịa bàn hoạt động của đơn vị rất rộng, rừng núi lẫn đồng bằng, thành thị lẫn nông thôn, vừa hoạt động trong nước, vừa làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Cam-pu-chia. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ðại đội Sáu còn được mệnh danh là "Con hổ vằn" trên đường số Bảy (trên thân xe vẽ hình những con hổ vằn màu xanh nhằm để che mắt kẻ thù). Cũng không thể liệt kê hết bao nhiêu lần máy bay của giặc Mỹ bắn phá, ném bom khi xe của các chiến sĩ đang vượt qua những "Cổng trời". Chính trong cuộc kháng chiến ác liệt ấy, đã rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ Ðại đội Sáu thêm vững vàng tay lái, đưa hàng tới các điểm chốt tuyến trước. Hàng chục lượt tập thể và cá nhân trong đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương Chiến công, góp phần cùng toàn Trung đoàn được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Lớn lên từ truyền thống vẻ vang đó của mình, trong những năm từ sau Ðại thắng mùa xuân năm 1975, Ðại đội Sáu tiếp tục là một trong những đơn vị xuất sắc của Trung đoàn, vững vàng tay lái đưa hàng nghìn tấn hàng hóa phục vụ các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc và tham gia cùng với các lực lượng vận tải địa phương vận chuyển hàng hóa xây dựng các nhà máy, công trình, làm đẹp giàu cho đất nước.

Ðại đội trưởng Phạm Hồng Sơn trong câu chuyện kể vẫn cặm cụi ngồi gọt gọt, giũa giũa bên đống vật liệu cũ vừa tháo được. Một lúc, anh quay sang hỏi một chiến sĩ còn trẻ măng bên cạnh:

- Hòa này, cậu có biết những vết xước cổ biên ở trục guồng chính, do nguyên nhân gì không?
Tưởng thế nào, chứ câu hỏi đó quá bình thường đối với một lái xe mới tốt nghiệp ra trường như chiến sĩ Hòa. Anh trả lời ngắn gọn, lưu loát:

- Thưa Ðại đội trưởng, một là thiếu dầu. Hai là do dầu quá bẩn!

- Chưa đủ, mà cũng chưa thật chính xác. Còn vì sao nữa?

Hòa ngồi nhích lại gần Ðại đội trưởng. Mắt anh như không rời những cổ trục bị xước mà Ðại đội trưởng Phạm Hồng Sơn vẫn đang nhanh tay đánh bóng lại bằng miếng giấy ráp. Chiến sĩ Hòa như cố lục lại những kiến thức trong thời gian học ở trường đào tạo lái xe, nhưng cũng chưa tìm ra câu trả lời vừa lòng. Ðại đội trưởng Phạm Hồng Sơn cười và nói:

- Cậu nói chưa đủ, là vì, nếu thiếu dầu hoặc dầu nhớt bị bẩn thì tất cả mọi cổ trục đều bị xước. Ðằng này, vết xước chỉ ở hai bên cổ trục phía đầu máy. Cổ trục thứ nhất xước nặng hơn cổ trục thứ hai. Nói thế, cậu hiểu rồi chứ gì? Ðã gọi là đơn vị kỹ thuật thì phải tính toán một cách toàn diện. Hiện tượng trên là do bãi đỗ xe bị lệch, phía đầu xe cao, cuối xe thấp, tức khắc dầu sẽ dồn hết xuống khoang thấp. Khi khởi động máy, dầu máy không thể bám ngay được các cổ trục phía trước máy, dẫn đến phá biên của xe.

Ðến xe nào, chúng tôi cũng bắt gặp những gương mặt trẻ trung của các chiến sĩ lái xe, thợ sửa chữa. Ở đây, các chiến sĩ chỉ khác nhau về quê quán, tuổi đời, tuổi quân, thời gian vào nghề, còn về tính kiên nhẫn, tinh thần khắc phục khó khăn thì hoàn toàn giống nhau. Họ cùng chung những "cú xóc bắn người" khi xe chạy trên những đoạn đường nhằng nhịt ổ gà, ổ voi, gồ ghề đất đá. Hằng ngày họ phải tiếp xúc với mùi xăng, dầu, mỡ, với nắng mưa, bụi bặm. Bất cứ lúc nào có thời gian là các chiến sĩ lại kiểm tra, tu sửa, vặn chặt lại từng đinh ốc, lau chùi máy móc sạch sẽ, đảm bảo xe thật tốt để sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không để hỏng hóc giữa đường. Ðồng chí Nguyễn Văn Tiến, thợ sửa chữa ô tô bậc 5/7 nói với tôi một câu tâm đắc: Thà rằng vất vả ở nhà "mười", còn hơn vất vả trên đường "một". Anh giải thích:

- Ở nhà còn có điều kiện đưa xe vào bóng mát để sửa chữa, chứ còn khi đi trên đường, lúc xe hỏng, đành phải "phơi" lưng ra giữa trời nắng chang chang để sửa chữa, vừa mệt người lại vừa ảnh hưởng tới đội hình của toàn đơn vị, ảnh hưởng đến tính kịp thời vận chuyển hàng hóa cho các đơn vị bạn.

Ðoàn xe đã nhận hàng hóa xong. Các chiến sĩ tiếp tục lên đường nhận nhiệm vụ. Chao ôi! Ngày ấy trên những tuyến đường nơi mảnh đất miền Trung thân yêu sao mà vui đến thế, và bây giờ sau mấy chục năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước còn vui hơn gấp hàng trăm hàng nghìn lần, vì sau mỗi chuyến hàng của các anh - những người lính trẻ luôn luôn được kế tiếp của Ðại đội Sáu nói riêng, của Trung đoàn Vận tải Anh hùng 230 nói chung, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh và làm giàu đẹp thêm cho miền Trung, cho đất nước!

Vũ Đăng Bút (Nguyên Trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn vận tải 230, Quân khu 5)

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/ky-uc-ben-chiec-vo-lang-3180389.html
Zalo