Ký ức 50 năm của những cựu phóng viên chiến trường

Nhiều nhà báo, nhiếp ảnh gia nước ngoài đang có mặt tại TP.HCM chuyến đi đặc biệt tham gia chương trình 'Tuần lễ báo chí nước ngoài' từ 25/4 đến 1/5/2025, dành cho các phóng viên chiến trường, phóng viên quốc tế và nhà báo kiều bào, tri ân sự ủng hộ quý báu của bạn bè quốc tế trong kháng chiến.

Trở lại nơi mình từng tác nghiệp, viết nên những tác phẩm quan trọng trong cuộc đời làm báo, nhiều cựu phóng viên chiến trường cho hay điều đẹp đẽ nhất chính là được quay lại Việt Nam, thấy được sự thịnh vượng của đất nước này sau 50 năm hòa bình.

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, nhiếp ảnh gia David Alan Burnett đang làm việc cho Tạp chí Times và Hãng thông tấn Life. Ông bắt đầu chụp ảnh chiến trường ở Việt Nam từ năm 1968, từng có mặt tại Huế trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Khi ấy mới 22 tuổi, Burnett là một trong những nhiếp ảnh gia trẻ nhất của báo chí Mỹ ở Việt Nam. Ông đã chụp nhiều bộ ảnh nổi tiếng, từ trận đánh ở Huế năm 1968 đến chiến dịch Campuchia 1970, và khung cảnh hỗn loạn di tản khỏi Sài Gòn tháng 4/1975.

Đoàn cựu phóng viên chiến trường, phóng viên quốc tế và nhà báo kiều bào tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Đoàn cựu phóng viên chiến trường, phóng viên quốc tế và nhà báo kiều bào tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Các phóng viên có chung câu chuyện về tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam.

Các phóng viên có chung câu chuyện về tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam.

Những bức ảnh của Burnett được đăng trên tạp chí Life, Times ghi lại chân thật đời sống lính Mỹ cũng như thường dân Việt Nam giữa bom đạn. Sau 1975, ông còn quay lại Việt Nam chụp ảnh về hậu quả chất độc da cam và cuộc sống thời bình.

Trở lại Việt Nam, thăm TP.HCM vào những ngày tháng Tư này, ông David Alain Burnett rất ấn tượng: “Sự kiện năm 1975 thật sự là dấu ấn quan trọng, lúc đó tôi đang ở New York. Sau đó tôi có đến Việt Nam. Thật không thể tin được là đã 50 năm trôi qua, và lúc này là khoảng thời gian đầy cảm xúc. Việt Nam trải qua giai đoạn phát triển tuyệt vời và trở nên mạnh mẽ hơn”.

Bất ngờ trước những đổi thay mới mẻ của Việt Nam, trong đó có Sài Gòn – TP.HCM sau 50 năm giải phóng thống nhất đất nước, ông Thomas Charles cũng bày tỏ sự trân trọng trước tình cảm thân thiện, mến khách và cởi mở của người dân nơi này.

Tới Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1966, ban đầu với tư cách nhân viên Tổ chức Tình nguyện Quốc tế (IVS), từ 1967 ông Thomas Charles chuyển sang làm phóng viên thường trú tại Sài Gòn của Dispatch News Service và báo National Catholic Reporter (NCR).

Ông Thomas Charles đã dành gần 5 năm (1967-1972) ở miền Nam Việt Nam.

Ông Thomas Charles đã dành gần 5 năm (1967-1972) ở miền Nam Việt Nam.

Thomas đã dành gần 5 năm (1967-1972) ở miền Nam Việt Nam. Nhờ nói được tiếng Việt, ông tự mình đi sâu vào đời sống thường dân và phỏng vấn nhiều người Việt. Ông từng có mặt tại Huế và Sài Gòn trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Những bài viết của ông tập trung phản ánh nỗi đau của thường dân và bất công do chính quyền Sài Gòn gây ra. Năm 1972, ông rời Việt Nam về Mỹ học cao học, đến năm 1973-1974 quay lại Sài Gòn một thời gian ngắn, tiếp tục viết bài cho Times và New York Times.

Qua những bài báo của mình, ông tích cực phơi bày sự thật, tin rằng công luận Mỹ cần biết rõ “chính sách không hiệu quả của Mỹ ở Việt Nam”, lên án sự tàn bạo của chiến tranh. Sau này Thomas Charles tiếp tục sự nghiệp báo chí và các hoạt động xã hội, mang theo bài học sâu sắc từ Việt Nam về lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.

Thomas Charles cho biết: “Hồi xưa lần đầu tiên tôi qua Việt Nam năm 1966. Trở lại hôm nay, 50 năm sau thấy khác nhiều, phát triển nhiều. Ở đây, người Việt sống như anh chị em. Ai cũng yêu nước, tôi ở đây có mấy ngày thôi mà thấy nhiều gia đình vui vẻ, có rất nhiều người ở ngoài đường chờ đón buổi lễ rất lớn kỷ niệm 50 năm giải phóng, vui lắm”.

Không tham gia tác nghiệp tại Việt Nam trong thời chiến vì năm 1975 ông Mark Edward Harris mới là một thanh niên 17 tuổi. Nhưng sau này khi trở thành nhiếp ảnh gia, cộng tác với các tạp chí và hãng tin quốc tế như Times, Newsweek, New York Times… và hãng ảnh Zuma Press, ông nhiều lần đến Việt Nam từ thập niên 1990 để thực hiện các dự án nhiếp ảnh tài liệu.

Đoàn cựu phóng viên giao lưu với sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM

Đoàn cựu phóng viên giao lưu với sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM

Mark Edward Harris cho biết ông quan tâm đến việc khắc họa sự hồi sinh của Việt Nam sau chiến tranh và bị thu hút bởi “cuộc sống thường ngày yên bình” của người dân Việt Nam. Ông nổi tiếng với bộ ảnh “Vietnam: 40 Years After the War” (Việt Nam 40 năm sau chiến tranh) công bố năm 2015, ghi lại cuộc sống thường nhật và sự đổi thay của Việt Nam bốn thập niên sau hòa bình. Mark Edward Harris muốn dùng nhiếp ảnh để kể câu chuyện đất nước Việt Nam đã thay đổi kể từ khi chiến tranh kết thúc, thể hiện sự trân trọng đối với văn hóa và con người Việt Nam sau những mất mát đau thương.

Mark Edward Harris cho biết: “Tôi đến Việt Nam nhiều lần và so với lần trở lại vào năm 1992, hiện nay Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Tôi có xem những hình ảnh về đất nước của các bạn và thấy rằng đây là những thành tựu nổi bật. Ở TP.HCM có nhiều công trình mới, khách sạn, tòa nhà, metro và hệ thống giao thông hiện đại. Đây quả là sự phát triển rất ấn tượng”.

Mỗi người một câu chuyện, nhưng dường như với những cựu phóng viên chiến trường người nước ngoài, điểm chung ở họ là tình cảm nồng nàn với dải đất hình chữ S. Cuộc hội ngộ ý nghĩa của những phóng viên chiến trường trong nước và quốc tế đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là cơ hội để thắt chặt tình hữu nghị, khẳng định giá trị của hòa bình, hòa hợp. Đồng thời thể hiện sự tri ân của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế đã góp phần đưa tiếng nói của Việt Nam ra thế giới trong những năm tháng cam go nhất.

Ngọc Xuân/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ky-uc-50-nam-cua-nhung-cuu-phong-vien-chien-truong-post1195674.vov
Zalo