Kỳ tích 'làng san hô'
Nằm lọt thỏm giữa bán đảo Phương Mai, xã biển Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) như một 'kho báu xanh' nhờ sở hữu những giá trị cảnh quan, sinh thái biển trù phú.
Nhưng ít ai biết, xã biển Nhơn Hải trước đây còn được gọi là “làng san hô” với quá khứ đầy gian khó và từng là xứ “thủy tặc” đe dọa và xâm hại sinh thái, tài nguyên biển. Ông Nguyễn Văn Minh (58 tuổi, có 21 năm là Trưởng thôn Hải Nam) kể, biển Nhơn Hải trước kia vốn là vùng sinh thái rất phong phú, với những bãi san hô dày đặc, bãi đẻ rùa biển lớn nhất miền Trung. Tuy nhiên, có thời kỳ do thiếu hiểu biết vì sinh kế nên bà con đổ xô xâm hại rạn san hô để bán cho các nhà máy làm vôi xây dựng; săn lùng, đào lấy trứng rùa để ăn hoặc đem bán cho tư thương. Kèm theo đó, con người tác động, xả rác tràn ngập bờ biển khiến sinh thái suy giảm, rùa biển biệt tích.
“Rất may, sau này nhờ sự quan tâm của các tổ chức, chuyên gia thế giới, đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng kè biển đã hồi sinh lại Nhơn Hải như bây giờ”, ông Minh nói.

Từ khi biển Nhơn Hải hồi sinh, nhiều rùa biển ngoài khơi trở lại đây để làm tổ đẻ trứng
Còn anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng (Tổ trưởng Tổ bảo vệ san hô, rùa biển xã Nhơn Hải) - người được xem là “bà mụ” đỡ đẻ rùa biển ở xã Nhơn Hải, kể: “Tất cả đổi thay nhanh chóng ở Nhơn Hải đều nhờ du lịch cộng đồng. Bà con được tham gia vào làm du lịch, ai cũng có quyền lợi, thấy được biển cả và các nguồn lợi “đẻ” ra tiền nên họ thay đổi ý thức quay lại bảo vệ môi trường, cảnh quan, sinh thái biển rất nhanh. Hiện nay, xã Nhơn Hải đã thành lập 1 hợp tác xã dịch vụ - du lịch với 11 thành viên, trên 50 hộ dân tham gia khai thác không gian biển để đưa, đón du khách. Chính quyền đã quy hoạch ra các vùng bảo vệ rạn san hô, bãi đẻ của cá, rùa biển và các vùng sinh thái rong mơ, rêu. Trong năm 2024, người dân xã Nhơn Hải đã bảo vệ, đỡ đẻ thành công 7 ổ rùa biển, hỗ trợ cả ngàn rùa biển con cứng cáp vươn ra biển lớn…”.
Ở Nhơn Hải bà con vẫn thực hành, truyền đời 3 loại hình văn hóa, như: bả trạo, hát bộ (hay tuồng), bài chòi cổ. Đây là ngôi làng hiếm hoi dọc duyên hải miền Trung tái hiện lễ hội cầu ngư hầu gươm, hầu thần đầy đủ, đa sắc nhất. Ông Nguyễn Văn Minh hiện là “người giữ lửa” cho bài chòi cổ và bả trạo của Nhơn Hải, kể: Theo dòng chảy lịch sử ở các làng biển Nhơn Hải thì bài chòi cổ, bả trạo, hát bộ đã ăn sâu, trở thành mạch máu của làng. Mạch chảy của bài chòi cổ, bả trạo ở Nhơn Hải đã hình thành từ xa xưa, nhưng phải đến năm 2012 làng mới có cơ hội để phục dựng, tu bổ đi vào chuyên nghiệp để tham dự các hội thi lớn.
Ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, liệt kê về những thành quả phát triển mới của Nhơn Hải, từ về đích nông thôn mới nâng cao, tiến lên nông thôn mới kiểu mẫu.
“Nhờ sở hữu cảnh quan sinh thái, không gian biển đẹp nên mấy năm nay du lịch Nhơn Hải phát triển mạnh. Chúng tôi có Hòn Khô dù không có cây cối sinh tồn nhiều, nhưng dưới đáy hòn đảo này lại chứa đựng một kho tàng sinh thái biển, như: cánh đồng rong mơ, tường thành cổ dưới đáy biển, bãi san hô và bãi sinh sản của nhiều loài cá biển; bãi đẻ rùa biển, bãi rêu xanh dưới chân kè chắn sóng…Chúng tôi đã xác định con đường phát triển bền vững, tiến lên xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa, du lịch”, ông Thắng tự tin nói.