Kỳ tích giành lại sự sống cho bệnh nhân 61 tuổi ở Tuyên Quang bị ngưng tim lúc nửa đêm

Bệnh nhân ở Tuyên Quang xuất hiện đau ngực dữ dội, khó thở, kích thích vật vã nên được người nhà đưa đến viện cấp cứu lúc nửa đêm.

Theo lời kể của gia đình, khoảng 23 giờ đêm định mệnh 11/1, nam bệnh nhân 61 tuổi ở Sơn Dương, Tuyên Quang xuất hiện đau ngực dữ dội, khó thở, kích thích vật vã nên được người nhà đưa đến viện cấp cứu.

Từ nhà đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương khoảng 500m, người bệnh nguy kịch, xuất hiện tím tái, ngừng tuần hoàn. Trên xe cứu, các nhân viên y tế nhanh chóng thực hiện ép tim ngoài lồng ngực, chạy đua với từng giây đồng hồ để duy trì tuần hoàn cho bệnh nhân.

Giây phút 'rượt' tử thần cứu người ngưng tim đột ngột. Nguồn: BVCC

Bệnh nhân vào phòng cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, mạch cảnh và mạch bẹn không bắt được, thở ngáp, da lạnh tái. Monitor ghi nhận hình ảnh rung thất, kết quả khí máu cho thấy tình trạng toan chuyển hóa nặng.

Trước tình thế đó, các bác sĩ cấp cứu ngừng tuần hoàn theo phác đồ: Sốc điện chuyển nhịp, bóp bóng, đặt nội khí quản trong thời gian ngắn nhất.

Sau 30 phút cấp cứu tích cực, bệnh nhân đã có mạch trở lại, điện tim có hình ảnh ST chênh lên ở DII, DIII, aVF. Nhận định nguyên nhân ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng rất nguy hiểm, sẽ dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Bệnh nhân đã được đặt catheter tĩnh mạch trung tâm ngay tại phòng cấp cứu.

Sau khi giải thích rõ tình trạng bệnh và được gia đình đồng ý, chỉ sau 20 phút kể từ khi có mạch trở lại bệnh nhân được chuyển thẳng đến phòng can thiệp Tim mạch.

Bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu. Ảnh: BVCC

Kết quả chụp động mạch qua da cho hình ảnh tắc hoàn toàn RCA(m-D), thuận lợi nong bóng và đặt 01 Stent phủ kín hết tổn thương. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khoa phòng và kỹ thuật can thiệp chuyên sâu mạch máu của bệnh nhân được tái thông nhanh chóng.

Quá trình từ Phòng cấp cứu đến phòng can thiệp và quá trình chụp mạch can thiệp bệnh nhân đều được theo dõi sát bởi các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu. Ngay sau khi can thiệp bệnh nhân đã được chuyển về khoa Hồi sức cấp cứu tiến hành lọc máu liên tục.

Sau 01 ngày cấp cứu hiện tại tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn định và đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/ky-tich-gianh-lai-su-song-cho-benh-nhan-61-tuoi-o-tuyen-quang-bi-ngung-tim-luc-nua-dem-172250113115035007.htm
Zalo