Kỳ thi tốt nghiệp 2025: Một số chia sẻ quanh vấn đề ngữ liệu đề thi môn Văn

Nếu ngữ liệu trong đề thi dùng lại một tác phẩm có trong một bộ sách, hoặc trích đoạn khác của tác phẩm đã được học, cũng là thiếu công bằng với học sinh.

Thực hiện Chương trình Ngữ văn 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đề kiểm tra và đề thi môn Ngữ văn phải sử dụng ngữ liệu mở, tức ngữ liệu không có trong cả 3 bộ sách giáo khoa. Đây là một chủ trương quan trọng được triển khai đến từng giáo viên thông qua các cuộc tập huấn.

Mục đích chính là để đánh giá chính xác năng lực ngữ văn và tư duy độc lập của học sinh, tránh việc học thuộc lòng hoặc ghi nhớ một cách máy móc các văn bản đã học.

Nhưng mới đây, có thông tin cho rằng môn Ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2025. Đây là một thông tin gây lo lắng cho cả người dạy lẫn người học trên cả nước. Nếu thực sự như vậy thì học sinh phải quay lại ôn tập các văn bản trong cả 3 bộ sách giáo khoa nhằm tìm kiếm sự an toàn cho kỳ thi; từ đó khiến cho việc ôn tập của học sinh trở nên khó khăn.

Là một giáo viên trung học phổ thông, người viết cho rằng nội dung thông tin này mâu thuẫn hoàn toàn với định hướng trước đó là sử dụng ngữ liệu mở để đánh giá năng lực học sinh.

Vì thế, đề thi tốt nghiệp năm nay không thể sử dụng lại ngữ liệu đã học, kể cả đoạn trích khác của tác phẩm đã học.

Luận giải việc sử dụng ngữ liệu mở cho đề thi Chương trình 2018

Mục tiêu cốt lõi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát triển năng lực và phẩm chất người học, thay vì chỉ truyền thụ kiến thức.

Để đánh giá được năng lực đọc hiểu (tiếp nhận, giải mã, phân tích, đánh giá, liên hệ văn bản) trong môn Ngữ văn thì việc sử dụng ngữ liệu mở (ngoài sách giáo khoa) là có cơ sở chắc chắn.

 Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Người viết xin điểm lại một số văn bản liên quan đến yêu cầu sử dụng ngữ liệu mở để cho đề kiểm tra và đề thi như sau:

Một là, Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) hướng dẫn cách thức đánh giá định kỳ như sau:

“Trong việc đánh giá kết quả học tập cuối năm học, cuối cấp học, cần đổi mới cách thức đánh giá (cấu trúc đề, cách nêu câu hỏi, phân giải độ khó,...); sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm yêu cầu đánh giá được năng lực của học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn; tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học.”

Vấn đề “tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học” để đánh giá phẩm chất, năng lực người học chính xác (bao gồm năng lực: ngôn ngữ, văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic), những suy nghĩ và tình cảm của học sinh, đảm bảo không vay mượn hay sao chép, khuyến khích viết sáng tạo.

Hai là, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT (ngày 20/7/2021) của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông, tại khoản 1 và 2 điều 4 (Yêu cầu đánh giá) đã ghi rõ: “Đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông. Đánh giá đảm bảo tính chính xác, công bằng, toàn diện, trung thực và khách quan.”

Chính yêu cầu “công bằng” trong đánh giá nên dẫn tới quy định không được sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa Ngữ văn trong các kỳ đánh giá diện rộng.

Hiện, môn Ngữ văn có 3 bộ sách đáp ứng yêu cầu của Chương trình 2018 và đang được triển khai dạy học trên cả nước. Và hiện nay cũng có 2 kỳ đánh giá diện rộng (thi tuyển sinh trung học phổ thông, thi tốt nghiệp trung học phổ thông).

Vì vậy, trong các đề thi này, việc tránh sử dụng các văn bản đã được học trong cả 3 bộ sách, nhằm đảm bảo tính công bằng cho tất cả thí sinh.

Nếu ngữ liệu trong đề thi dùng lại một tác phẩm có trong một bộ sách, hoặc trích đoạn khác của tác phẩm đã được học, cũng là thiếu công bằng đối với học sinh.

Ba là, công văn 3175/BGDĐT-GDTrH (ngày 21/7/2022) hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, có quy định: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.”

Và công văn 3935/BGDĐT-GDTrH (ngày 30/7/2024) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 – 2025, cũng quy định: “Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kì nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.”

Bốn là, đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào tháng 3/2024 có ý nghĩa quan trọng trong định hướng cho giáo viên và học sinh dạy và học, ôn luyện thi. Đề minh họa bao gồm cả ngữ liệu không dùng lại trong bất kỳ bộ sách giáo khoa nào.

Có thể thấy, cả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thông tư 22 cũng như các công văn hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề thi minh họa đều yêu cầu sử dụng ngữ liệu mới (ngoài sách giáo khoa) để đánh giá đúng năng lực của học sinh về các loại hình/ thể loại văn bản đã học.

Vì thế, việc đổi mới phương pháp dạy học và thay đổi ngữ liệu trong kiểm tra, đánh giá trong thời gian qua được giáo viên thực hiện một cách tích cực, giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Đề thi Chương trình 2006 có thể sử dụng ngữ liệu có trong sách giáo khoa

Kỳ thi năm 2025 là kỳ thi đầu tiên dành cho học sinh lớp 12 học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, Chương trình giáo dục phổ thông 2006 vẫn còn có học sinh chưa tốt nghiệp nên Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức thi với đề thi riêng được xây dựng bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2006 dành cho các em này.

Thông tin này được thể hiện trong Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT (ngày 24/12/2024) ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo đó, Thông tư quy định rất rõ ràng về việc tổ chức thi tốt nghiệp cho các đối tượng khác nhau trong năm 2025 như sau:

Một là, đối với các thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông trước năm 2025 nhưng chưa tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ dự thi theo đề thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT) và Chương trình Giáo dục thường xuyên (theo Quyết định số 50/2006/QĐ-BGDĐT).

Hai là, đối với các thí sinh đã có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và/hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 để làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh, được chọn dự thi theo đề thi Chương trình giáo dục phổ thông 2006 hoặc Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ba là, đối với thí sinh học lớp 12 Chương trình 2018, tốt nghiệp năm 2025 mặc định dự thi theo đề thi của Chương trình 2018. Từ năm 2026, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 1 loại đề thi duy nhất.

Như vậy, hiểu cơ bản, kỳ thi năm nay có đề thi dành cho học sinh học Chương trình 2018 theo cấu trúc và định hướng của chương trình mới, trong đó sẽ sử dụng ngữ liệu hoàn toàn mới, không có trong 3 bộ sách giáo khoa; và có đề thi dành cho học sinh học Chương trình 2006, trong đó sẽ sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa Chương trình 2006 để thiết kế cho câu hỏi viết bài văn nghị luận văn học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Văn Tâm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ky-thi-tot-nghiep-2025-mot-so-chia-se-quanh-van-de-ngu-lieu-de-thi-mon-van-post250532.gd
Zalo