Kỷ niệm những ngày làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào
Ngày 26/2/1987, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, với tinh thần 'Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên', cùng với tuổi trẻ cả nước, hàng nghìn người con ưu tú quê hương Hà Nam Ninh; trong đó, có hàng trăm người con Duy Tiên tuổi mười tám đôi mươi đã hăng hái xung phong lên đường làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày ấy, sau gần hai tháng huấn luyện tại Trung đoàn 273, Sư đoàn 433 (Quân khu 3) đóng trên địa bàn huyện Khoái Châu, tỉnh Hải Hưng (nay thuộc địa phận Hưng Yên), hàng nghìn chiến sỹ trẻ chúng tôi đã vinh dự được nhập vào đoàn Quân tình nguyện Việt – Lào, thuộc Mặt trận 379. Sáng sớm ngày 20/4/1987, đơn vị chúng tôi nhận lệnh hành quân hướng Hà Nội – Tây Bắc. Đoàn xe mang theo cờ Tổ quốc lăn bánh, rất đông bà con nhân dân khu vực đóng quân tiễn chân. Dọc đường hành quân, chúng tôi được nhiều bà con nhân dân hai bên đường tặng bánh kẹo, hoa quả với lời nhắn nhủ: Chúc các con lên đường may mắn, mạnh khỏe, trở về bình an!
Cứ ngày đi, đêm nghỉ, sau 4 ngày đêm vượt núi, băng rừng, 40 chiếc xe tải Zin–130 của nước bạn Liên Xô chở chúng tôi đến chân cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) – điểm dừng nghỉ cuối cùng trên đất Mẹ Tổ quốc. Tại đây, chúng tôi được đồng bào dân tộc Thái niềm nở tiếp đón như những đứa con trong nhà, dành cho chỗ ăn ngủ tốt nhất để lấy lại sức, mai hành quân. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc, đón nhận tình cảm vô cùng chân thành, ân cần của đồng bào dân tộc Thái. Sáng hôm sau, khi con gà rừng còn chưa thức giấc, dân bản đã dậy từ bao giờ, chờ tiễn chân chúng tôi với lời nhắn nhủ: Các con lên đường mạnh khỏe, chiến thắng! Cảm động rơi nước mắt, không nói lên lời, chúng tôi nắm chặt tay, tạm biệt các bố mẹ, anh chị và ôm hôn các em bé tiễn chân các chú bộ đội.
Sau khi hoàn thiện thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu Tây Trang, tạm biệt đất Mẹ Việt Nam, đoàn xe tiếp tục hành trình trên đất bạn Lào. Đường rừng bên này um tùm, quanh co đèo dốc và nhỏ hẹp. Đoàn xe nối đuôi nhau trên con đường uốn lượn, quanh co dưới rừng cây tiến về phía trước.
Kỷ niệm không thể nào quên dọc đường hành quân, đó là chiều ngày 25/4/1987, trên một bãi cỏ rộng gần thị trấn Mường Khoa (huyện Mường Khoa, tỉnh Phông Sa Lỳ, bắc Lào), đơn vị chúng tôi hạ trại cũng là lúc mưa rừng ập đến như trút nước. Trời mưa to, nhưng lực lượng hậu cần là người luôn đi trước đã chuẩn bị chu đáo bữa ăn tối cho bộ đội ngay trên bãi cỏ. Mặc trời mưa, bụng đói cồn cào, anh em ai nấy đều ăn cơm ngon lành. Lần đầu tiên trong cuộc đời, những bát cơm chan đầy nước mưa, đêm ngủ dưới mưa, khiến tôi nhớ mãi!
Sáng hôm sau, mỗi khi chúng tôi đi qua các khu dân cư, bà con các bộ tộc Lào cũng ùa ra hai bên đường vẫy chào. Nhiều bà con nói tiếng Việt rất sõi: Chào bộ đội Việt Nam! Bộ đội đi mạnh khỏe! Nước mắt trào dâng, chúng tôi quên hết mệt nhọc, vẫy tay chào bà con. Thêm một ngày hành quân nữa, đến thung lũng bản Nậm Bích (thuộc tỉnh U Đôm Xay, bắc Lào). Nơi đơn vị đóng quân, xung quanh là đồi núi, rừng cây um tùm.
Những năm tháng làm nhiệm vụ trên đất nước Triệu voi là những ngày làm bạn với rừng già, núi cao, thời tiết khắc nghiệt. Mùa khô thiếu nước tắm, cả đơn vị chỉ có một “mó nước” chảy tí tách, anh em phải thay nhau tắm theo lịch. Rau xanh hiếm vô cùng; chủ yếu ăn mắm thỏi, cá biển khô, canh đậu xanh, đỗ tương từ quê hương Việt Nam chuyển sang và lên rừng tìm kiếm rau rừng. Muỗi, côn trùng, sốt rét luôn thường trực. Buổi trưa không thể ngủ, vì mỗi khi ngủ dậy đầu đau như búa bổ. Anh em thường rủ nhau lên rừng tìm rau xanh, hoa quả để cải thiện bữa ăn. Đời lính tuy gian khổ nhưng vui, nhất là khi nhận được thư nhà. Ngày đêm tập luyện trên thao trường. Nhiều đêm vừa chợp mắt đã nghe báo động hành quân rèn luyện. Trong đêm tối, cả đơn vị ai cũng bật dậy như lò xo. Chỉ mấy phút chuẩn bị, hàng ngũ chỉnh tề, vai khoác ba lô, chắc tay súng nhận lệnh hành quân. Đêm rừng Lào văng vẳng ánh trăng, gió rừng xào xạc, tiếng côn trùng kêu rả rích… Giãn cách đội hình, người trước người sau cánh nhau vài mét, bám nhau xuyên rừng rèn luyện, có khi đến gần sáng mới quay trở về đơn vị. “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, đó là khẩu hiệu mà những người lính luôn ghi nhớ, nỗ lực luyện tập ngày đêm. Rồi những ca gác đêm dưới rừng già, vượn hú, tiếng côn trùng kêu rỉ rả... Mỗi ca gác có bốn vọng bố trí ở bốn góc đơn vị, mỗi vọng gác gồm hai chiến sỹ quay lưng vào nhau, dưới lùm cây, sao cho bí mật, nhưng góc quan sát xung quanh tốt nhất. Mỗi giờ đổi gác một lần với ám hiệu riêng.
Trong suốt những tháng ngày làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, chúng tôi dù người đi trước, người đi sau và đơn vị, quê hương khác nhau (Hà Nội, Hà Sơn Bình, Thái Bình, Hải Hưng, Hải Phòng, Hà Nam Ninh…) nhưng luôn thắm tình đồng chí, kề vai sát cánh bên nhau, luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải coi việc “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”. Từ đó, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó, góp phần tô thắm tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, thực hiện trọn vẹn, sâu sắc lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, những chiến sỹ Mặt trận 379 được trở lại Điện Biên – mảnh đất lịch sử một thời “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” để tiếp tục làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng biên ải phía tây bắc Tổ quốc.
Gần 40 năm sau khi hoàn thành nghĩa vụ, trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người một công việc, nhiệm vụ. Dù ở cương vị, lĩnh vực công tác nào, những người lính trẻ năm xưa vẫn luôn phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, bền bỉ, dẻo dai, không ngại khó khăn, gian khổ, luôn gương mẫu đi đầu thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, đóng góp sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương. Nay tóc đã điểm bạc, nhưng anh em vẫn luôn đoàn kết, thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ khi khó khăn; động viên nhau tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, quê hương giàu đẹp.