Kỷ niệm những ngày đầu quân ngũ

Trước khi vào bộ đội, tôi vốn nhút nhát. Khi phát biểu ở chỗ đông người, tôi 'run như cầy sấy', vậy mà môi trường quân đội đã rèn luyện tôi tự tin, mạnh mẽ. Đến nay, lúc nào tôi cũng thầm cảm ơn môi trường quân đội, bởi nhờ môi trường rèn luyện ấy mà trưởng thành.

Tối qua, cháu tôi, một sinh viên vừa tình nguyện nhập ngũ được 1 ngày đã gọi điện thoại cho mẹ (em gái tôi) rằng cháu muốn mẹ đi thăm và không quên nhắc khi đi thăm thì nhớ mang sữa và muối tôm cho cháu. Mẹ cháu nhắn tin kể khiến cả nhà tôi cười bò lăn bò càng. Đúng là “thế hệ mới” khác hẳn thế hệ cha, bác của cháu.

Cháu là sinh viên năm 2 nhưng hầu như không biết việc gì, từ việc nhà đến việc xã hội, nên gia đình thường vẫn gọi là “gà tồ”. Chính vì vậy, gia đình đã động viên cháu xung phong đi bộ đội để được rèn luyện. Nhân cuộc gọi của cháu, tôi chợt nghĩ về những kỷ niệm khó quên những ngày đầu quân ngũ 29 năm trước.

Tháng 3.1996, tôi nhập ngũ và được huấn luyện ở Trường Sĩ quan lục quân 2. Ba tháng đầu tiên của quân ngũ là thời gian cân sức khó khăn đối với mỗi tân binh. Những thói quen xấu khi chưa nhập ngũ như ngủ nướng, gấp chăn màn không phẳng phiu, tóc tai không theo quy định... sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.

Tôi còn nhớ, khi ấy một số bạn cùng đơn vị với tôi, tóc chỉ hơi dài một chút đã bị chỉ huy yêu cầu phải cắt tóc và phân công người cắt ngay, tôi cũng nằm trong số đó. Hôm đó, buổi trưa, tôi được lôi ra cho một bạn cùng đơn vị cắt tóc, khi mới cắt được nửa đầu thì đến buổi đi tập luyện, vậy là tôi phải để cái đầu cắt dở đi luyện tập rồi chiều về cắt tiếp. Thực ra, nếu không phải trong môi trường quân đội chắc chẳng ai dám làm vậy, vì kỳ cục, nhưng ở trong quân ngũ không phải cắt tóc để làm đẹp, mà là quy định. Những điều nhỏ như vậy nhưng tác động rất lớn về suy nghĩ và hành động sau này của mỗi chiến sĩ, rằng mọi chuyện vốn dĩ rất bình thường.

Các tân binh đang được cán bộ chỉ huy hướng dẫn cách sắp xếp nội vụ - Ảnh: Báo Quảng Ninh

Các tân binh đang được cán bộ chỉ huy hướng dẫn cách sắp xếp nội vụ - Ảnh: Báo Quảng Ninh

Đám lính thời ấy có hai “nhóm” rõ rệt. Thứ nhất là người thuộc diện khó khăn. Vậy nên khi vào bộ đội, họ được tha hồ ăn cho căng bụng. Suất ăn của bộ đội hồi đó chưa được như bây giờ nhưng cơm canh, đậu hũ, rau các loại rất nhiều, cá thịt dù chưa ngon song ngày nào cũng có. Bạn cùng tiểu đội của tôi mỗi bữa ăn 7 chén cơm, tôi bảo dạ dày bạn chắc bằng cao su nên co giãn mới chứa được nhiều đến vậy.

“Nhóm” thứ 2 là những bạn có gia đình ở các tỉnh gần đơn vị như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, Bình Thuận. Sau 3 tháng huấn luyện, tân binh được phân về các đơn vị và đều được cho về nhà mỗi cuối tuần. Vậy là cứ chiều thứ bảy (khi ấy chỉ nghỉ Chủ nhật) là các bạn về nhà, vậy nên với những người ở lại cứ cuối tuần thì thịt cá dư thừa. Tôi và các bạn thuộc nhóm những người ở lại có thói quen chiều tối Chủ nhật ngóng bạn lên vì các bạn ở nhà lên bao giờ cũng có quà, từ lòng heo, ruốc thịt, trái cây, bánh kẹo…

Năm ấy, một nông trường ở Bình Chánh, TP.HCM (tôi không còn nhớ nông trường nào) bị cháy cả cánh đồng mía. Nông trường đã nhờ bộ đội đi đốn mía gần 2 tuần, đơn vị tôi cũng được huy động. Thu hoạch mía bị cháy lại không có nước tắm, trời nắng nóng nực nên đứa nào đứa nấy đen nhẻm, bù lại được cái tha hồ ăn mía nướng ngọt lịm, thơm lừng. Vậy nên sau gần 2 tuần đứa nào đều… lên cân. Vì chặt mía vất vả nên có bạn chịu không nổi đã bỏ trốn về. Tuổi trẻ bồng bột chỉ nghĩ đến đơn giản vậy thôi, chứ làm sao trốn, thêm nữa kỷ luật quân đội rất nghiêm ngặt. Khốn khổ, bạn lại “chọn mặt gửi vàng”, nhờ tôi giữ giùm ba lô. Khi chỉ huy tra ra tôi là người giữ đồ dùng cho bạn, dù đã hết giờ nhưng tôi bị phạt, phải chạy bộ khoảng 2km ra đồng bốc một xe tải mía chắc cũng cỡ mấy tấn gì đó rồi nhá nhem tối bắt chạy bộ về…

Sáng sớm, khi kẻng báo thức vang lên, tất cả đều bật dậy nhanh chóng gấp chăn màn (gọi là gấp nội vụ) gọn gàng, vệ sinh cá nhân và chuẩn bị đi ăn sáng. Những sĩ quan quản lý vào từng giường của lính để kiểm tra nội vụ, những ai gấp không đúng thì xác định luôn, trưa đó ra gốc cây thực hiện gấp tới khi nào được chỉ huy công nhận đạt mới được vào. Tôi tự thấy mình gấp rất xấu song nhờ ơn giời mà tôi luôn gặp may, chưa khi nào bị phạt.

Mỗi bữa đi ăn cũng là cả câu chuyện của tính kỷ luật: mỗi người sẽ tự xách một chiếc ghế ra nơi quy định và xếp thẳng hàng. Chỉ huy sẽ hô hiệu lệnh đặt ghế, ngồi xuống, đứng lên, xách ghế, đi… Nếu ai đó mới nghe hô đặt ghế mà đã vội vàng ngồi xuống thì liệu hồn. Cũng vậy, khi nghe hô đứng dậy, xách ghế, ai ai cũng trong tinh thần sẽ đi nhưng chỉ huy lại hô đặt ghế, ngồi xuống… Đó là cách để rèn cho mọi người tuân thủ kỷ luật và bình tĩnh.

3 tháng huấn luyện tân binh là thời kỳ rất vất vả, nhất là với những “công tử bột” bởi cả ngày lăn lê bò toài, tập đội ngũ, và khổ nhất là ke chân, tức đứng một chân còn chân kia duỗi thẳng cho tới khi nào chỉ huy hô đổi chân mới được đổi. Tôi dân lao động từ nhỏ nên việc này cũng không mấy khó khăn, song để “ke” chân cho thẳng, cho đẹp cũng rất khó. Có lần, tôi đang đứng ke chân và có người đạp vào khuỷu chân từ phía sau ngã khuỵu xuống, vừa đau, vừa giật mình, nhổm dậy ngoái nhìn ra sau thấy lù lù ông trung tướng Lê Nam Phong, hiệu trưởng. Ông quát "mày đứng kiểu gì xấu vậy!". Một kỷ niệm nhớ đời!

Chiều về, cả khu vườn tăng gia của đơn vị đông vui nhộn nhịp, người tưới nước, người bón phân, người nhổ cỏ. Người xưa nói quả không sai, “nước sông, công lính”, vườn rau của lính thì khi nào cũng xanh tốt. Thế nhưng, có lẽ đông vui nhất là lúc đi tắm. Xung quanh bể nước là hàng hàng lớp lớp người trần trùng trục đứng lố nhố. Khi ấy hầu hết chúng tôi đều tắm “chay”, tức không có xà bông, dầu tắm, có người tắm bằng xà bông bột. Một số bạn có xà bông thơm nhưng nếu mang ra bể tắm thì chỉ 1 buổi là bánh xà bông bốc hơi hết vì mỗi người xin chà một tý. Một anh ở TP.HCM nhà khá giả có xà bông thơm tắm nhưng sau vài lần bị như vậy đã rút kinh nghiệm bằng cách mỗi lần đi tắm cắt một miếng nhỏ xíu mang theo.

Điều mà các tân binh sợ nhất là kẻng báo động hành quân ban đêm. Vì vậy, mỗi tối trước khi đi ngủ, tất cả đều chuẩn bị cẩn thận ba lô, giày dép để đúng vị trí, nếu kẻng báo động hành quân vang lên là ngay lập tức bật dậy nai nịt gọn gàng mới kịp, ai chậm trễ sẽ bị phạt.

Tôi nhớ láng máng những năm ấy, mỗi tháng mỗi tân binh được phụ cấp khoảng 5 chục nghìn. Buổi tối một số chiến sĩ được phân công gác đêm, chúng tôi móc nối với họ, sau 21 giờ, khi điểm danh đêm xong thì lẻn chỉ huy, đi tắt qua rừng cây, ra cổng doanh trại mua lòng heo nhậu. Đi đêm mãi có ngày gặp ma, sau vài lần trót lọt thì đến một lần, chắc có ai đó báo cáo, chúng tôi vừa nhậu về lúc khoảng 23 giờ thì kẻng báo động hành quân đêm vang lên, dù xỉn nhưng thằng nào thằng đó vẫn còn biết quần áo, giày dép ở đâu nên cũng kịp, chỉ phải tội mới nhậu vừa no, vừa xỉn mà đi hành quân cả đêm muốn đứt hơi…

“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, tôi mượn câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du chứ thực ra “đoạn trường” trong quân ngũ với tôi và có lẽ với rất nhiều người là những kỷ niệm đẹp. Trước khi vào bộ đội, tôi vốn nhút nhát. Khi phát biểu ở chỗ đông người, tôi “run như cầy sấy”, vậy mà môi trường quân đội đã rèn luyện tôi tự tin và mạnh mẽ. Đến nay, lúc nào tôi cũng thầm cảm ơn môi trường quân đội, bởi nhờ thế mà tôi trưởng thành.

Với tuổi thanh niên, tôi cho rằng nếu được trải qua quân ngũ, được rèn luyện trong môi trường quân đội, con người sẽ trưởng thành, cứng cáp hơn.

Vũ Trung Kiên

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ky-niem-nhung-ngay-dau-quan-ngu-229360.html
Zalo