Kỷ niệm nhỏ và một chút hiểu về Văn Cao

Năm 1987 theo sáng kiến của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (Tổng thư ký) và tôi (Chánh văn phòng hội, đồng thời làm Chủ tịch Phân hội văn học, thuộc Liên hiệp Hội VHNT) đề nghị lãnh đạo tỉnh mời ba nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Văn Cao và nhà thơ Lưu Trọng Lư vào thăm Bình Trị Thiên.

Đây là những văn nghệ sĩ tên tuổi nổi tiếng của nước nhà. Văn Cao, Lưu Trọng Lư đồng ý ngay. Nguyễn Tuân vì lý do riêng xin được vắng. Tôi được giao làm công việc đối ngoại, lo ăn nghỉ và đưa các nhà văn thăm quan.

Đêm đầu nhạc sĩ Văn Cao, cùng phu nhân Nghiêm Thúy Băng thăm Phá Tam Giang bằng chiếc thuyền lớn của ngư dân. Nhạc sĩ luôn mang theo chai rượu trắng thỉnh thoảng uống một chén nhỏ (ông không bao giờ ăn thứ gì, dù chuẩn bị sẵn). Ông nói chuyện rất vui khi được vào thăm cố đô, được bồng bềnh như vầng trăng cuối tuần trên phá.

Chúng tôi chăm chú nghe. Tôi tốc ký trong đêm vào cuốn vở, giờ đọc mãi vẫn không ra? Hoàng Phủ Ngọc Tường thỉnh thoảng chen đôi câu chuyện về phá và nghề chài lưới bao đời nay. Chai rượu dần cạn, đến nỗi chị Băng giằng ly từ trên môi không cho ông uống. Quả vậy, hôm sau Văn Cao phải nhập viện mấy ngày liền vì chứng khô phổi. Tôi đưa nhà thơ Lưu Trọng Lư ra thăm thị xã Đồng Hới và quê nhà. Sau này, đọc “Đêm phá Tam Giang” mới thấy những câu thơ của ông thực mà siêu hình làm sao: “Tôi níu lấy mảnh lưới/ Lưới là cái cuối cùng/ Đang hắt tôi xuống biển”…

Thực ra, chúng ta hay gọi ông là nhạc sĩ, bởi chỉ riêng bài “Tiến quân ca” (sau được chọn làm quốc ca) và số phận của nó đủ để hiểu tâm hồn một người gắn với tâm hồn thời đại như thế nào. Văn Cao còn là một nhà thơ, một họa sĩ tài danh trong nghệ thuật. Lĩnh vực nào ông cũng đều mang lại cho đời sống văn nghệ một dấu ấn riêng biệt.

Có thể nói Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn là ba móng cầu vững chắc cho văn nghệ Việt Nam.

Năm 1976 “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao ra đời. Ca khúc viết về đất nước sau bao nhiêu năm chiến tranh nay được đoàn tụ. Hãy nghe, “Người mẹ nhìn đàn con nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh/ Niềm vui phút giây như đang long lanh…”. Tinh thần hòa hợp dân tộc đã có từ đó: “Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người”. Ông đã nói sớm và nói đúng tấm lòng của mỗi người Việt Nam trên hai chiến tuyến. Lại một lần nữa số phận của bài hát và tinh thần hòa giải dân tộc không được suôn sẻ. Hình như ta đang say sưa với chiến thắng mà quên những trắc ẩn buồn thương khác. “Mùa xuân đầu tiên” không được đón tiếp như “Sông Lô”, “Đàn chim Việt"… mà phải trên 10 năm sau mới đặt đúng vị trí đáng ra phải có. Cần khẳng định, “Mùa xuân đầu tiên” là bài hát hay nhất nói về sự thống nhất đất nước, đã thu về một mối.

Thơ Văn Cao cùng một điệu tâm hồn trải ra với tiếng đàn trầm sâu trong tâm hồn ông. Tài danh về thơ ẩn trong tài danh âm nhạc. Ta nghe “Suối mơ”, “Bến xuân”, “Cung đàn xưa”, “Trương Chi”… hay “Mùa xuân đầu tiên” như đã nghe tiếng thơ cất lên rồi.

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc
Tôi gửi nhờ đem hộ lá thư?
Trời hỡi! Ốm nằm trong quán trọ
Bạn bè còn lại mấy bài thơ…

Ta mới thấm thía hai câu thơ: “Chiều ốm cũng đang chầm chậm xuống/ Sương mù chìm lẫn lá vàng thưa” (Ai về Kinh Bắc).

Ngay những năm 1957, ông đã khởi xướng sự đi tới của thơ. Ông nói: “Cái mới đâu phải là những cái không sẵn có. Sự làm mới những cái sẵn có cũng là một phương pháp sáng tạo”. “Cuộc đời và Nghệ thuật của nhà thơ phải là những dòng sông lớn càng trôi càng thay đổi, càng trôi càng mở rộng” (Mấy ý nghĩ về thơ - VC). Tư tưởng thơ ca nghệ thuật của ông luôn thay đổi, mới mẻ chẳng khác gì chúng ta đang mong sự tiến triển của nền văn chương nghệ thuật hôm nay.

Những con nhện nhiều chân
Cuốn lấy tôi càng đông
Cuốn cả chai rượu mạnh
Chai rượu rơi...
vỡ tung sủi bọt
Tôi bừng tỉnh
và liếm môi

(Ma men)

Bài thơ trên được viết từ 1988, lúc sự đổi mới trong văn nghệ của ta mới khởi xướng. Ông đã còn hiện đại hơn cả hiện đại. Lùi lại một năm (1987) ông đã viết: “Thời gian qua kẽ tay/ Làm khô những chiếc lá/ …Riêng những câu thơ… còn xanh/ Riêng những bài hát…còn xanh/ Và đôi mắt em…như hai giếng nước” (Thời gian). Cái mới thường trực trong Văn Cao không đợi ai nhắc nhở, đó là một hiện tượng của văn học phương Đông thời hiện đại. Rất trữ tình mà cũng rất triết lý. Phải thừa nhận, Văn Cao đầy ắp sự sáng tạo. R. Tagore cho rằng: “Giới hạn của cái vô giới hạn là cá tính: Thượng đế thuộc về con người khi người sáng tạo” là vậy. Bài học sáng tạo trong văn chương nghệ thuật là mãi mãi, không có giới hạn, không có bến bờ nào neo lại.

Bể học khôn lường. Một chút ít hiểu về nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao cho tôi cả biển trời mênh mông. Tôi bơi mãi trong thế giới vô cùng vô tận bao thế hệ cha anh đã đi qua.

Quảng Bình, 29/8/2023

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/ky-niem-nho-va-mot-chut-hieu-ve-van-cao-i706281/
Zalo