Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025): Bác sĩ trẻ giỏi chuyên môn, thạo số hóa
'Hạnh phúc của những người thầy thuốc đơn giản là được cống hiến với nghề, chữa trị được cho bệnh nhân khỏi bệnh và giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều khi chỉ cần họ nhớ đến tên mình là cảm thấy vui lắm rồi, không cần gì nhiều hơn thế'...
Đó là tâm sự của Thạc sĩ, bác sĩ trẻ Đỗ Doãn Bách (sinh năm 1991), công tác tại Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai). Bước vào “kỷ nguyên mới của dân tộc”, thế hệ các bác sĩ trẻ như Bách luôn ý thức phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để giỏi chuyên môn, thạo số hóa, hoàn thành sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Bác sĩ trẻ Đỗ Doãn Bách (thứ hai từ phải sang) tham gia chương trình Khám bệnh nhân đạo, phát thuốc và tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.
“Tôi biết nơi ấy, người bệnh đang rất cần mình...”
Chúng tôi gặp bác sĩ Bách trong những ngày đầu xuân Ất Tỵ khi tiết trời lạnh hơn và bắt đầu nồm ẩm. Thời tiết chuyển mùa từ đông sang xuân khiến số lượng bệnh nhân nhập viện tăng, công việc của Bách cùng những người đồng nghiệp cũng trở nên bận rộn hơn. Phải tranh thủ giữa giờ nghỉ trưa, Bách mới có thời gian tiếp chuyện chúng tôi. Mở đầu câu chuyện, anh kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên anh chọn ngành Y.
Dù sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y, nhưng khi còn học tại Trường THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa (Hà Nội), anh lại đam mê kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt thích lắp đặt, sửa chữa thiết bị, máy móc. “Khi đó, ước mơ của tôi là trở thành một kỹ sư, vì vậy tôi đã chọn thi vào Trường Đại học Giao thông Vận tải. Thế nhưng, ông nội lại mong tôi nối nghiệp gia đình, trở thành bác sĩ” - Bách tâm sự.
Nhờ sự chỉ dạy và định hướng của ông nội là GS.TS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bách đã hoàn thành chương trình học tại Trường Đại học Y khoa Quảng Tây (Trung Quốc) rồi tiếp tục học chuyên sâu ngành Tim mạch tại Đại học Y Hà Nội. Sau đó, anh làm việc tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. “Để làm được nghề y, việc đầu tiên là cháu phải có lòng thương yêu con người. Khi thương yêu con người, cháu sẽ có cách để giúp đỡ được người khác” - những lời dặn dò của ông nội luôn được bác sĩ Bách khắc cốt, ghi tâm.
Làm việc ở một bệnh viện lớn nhất cả nước, thường xuyên tiếp xúc, điều trị các ca bệnh khó, phức tạp, hiểm nghèo, đòi hỏi các y, bác sĩ phải có tay nghề, trình độ chuyên môn vững vàng, với anh, đó vừa là thách thức song cũng là cơ hội, động lực để anh và các đồng nghiệp luôn cố gắng rèn luyện, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn. “Nhìn bệnh nhân hồi sinh qua giây phút cận kề cửa tử chính là niềm vui, hạnh phúc lớn lao để chúng tôi tiếp tục giữ lửa nhiệt huyết, kiên định và nỗ lực hơn trên con đường đã chọn” - bác sĩ Bách thổ lộ.
Để trau dồi kiến thức, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, ngoài đam mê nghiên cứu khoa học, tìm tòi các phương pháp điều trị tiên tiến, hiện đại, hiệu quả, Bách còn thường xuyên tham gia các cuộc hội thảo khoa học, qua đó, anh học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu từ đồng nghiệp, những tiền bối đi trước... Không chỉ vậy, anh còn là người thầy thuốc rất nhiệt huyết với những chuyến đi khám bệnh tình nguyện tại các vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế...
Trước thềm năm mới Ất Tỵ, bác sĩ Bách và 7 bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bạch Mai cùng đồng hành tham gia chương trình “Tết ấm vùng cao” 2025, khám sức khỏe cho người dân huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. “Có những bệnh nhân đau ốm nhưng không có điều kiện để đi khám bệnh. Khi chúng tôi đến, họ rất vui mừng, phấn khởi. Chính những điều đó khiến tôi luôn khát khao muốn đem y tế kỹ thuật cao giúp đỡ được càng nhiều người bệnh càng tốt, đặc biệt là người dân vùng miền có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để tiếp cận với phương pháp chẩn đoán và điều trị ở thành phố” - bác sĩ Bách bộc bạch.
Đặc biệt, trong giai đoạn ngành Y tế phải đương đầu với đại dịch Covid-19, Bách là một trong số nhiều bác sĩ trẻ viết đơn tình nguyện lên đường vào Nam “chia lửa” với các đồng nghiệp và người dân trước làn sóng dịch bùng phát chưa từng có trong lịch sử. Thời điểm đó, anh cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Bạch Mai đã vận hành Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 quy mô 500 giường bệnh tại Bệnh viện dã chiến 16 (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh), điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch.
“Mặc dù biết cuộc chiến sẽ khốc liệt, với nhiều gian nan, vất vả. Nhưng tôi biết nơi ấy, người dân, người bệnh đang rất cần mình... Khi đó, với cường độ làm việc liên tục, chúng tôi không biết lúc nào là ngày, lúc nào là đêm. Thậm chí, khoác lên người bộ đồ bảo hộ kín mít trong nhiều tiếng đồng hồ, vừa nóng, vừa bí, nhiều nhân viên y tế đã bị viêm da, sốc nhiệt... Song, điều khiến nhân viên y tế choáng váng, sốc và day dứt hơn cả là phải chứng kiến những ca bệnh nặng và tử vong. Những lúc như thế, chúng tôi lại tự dằn lòng không được phép gục ngã” - bác sĩ Bách kể lại.
Từ những chuyến đi thực tế tại vùng tâm dịch, bác sĩ Đỗ Doãn Bách cùng Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tìm ra nguyên nhân chủ yếu của tình trạng quá tải y tế là do người dân thiếu hiểu biết về Covid-19, tâm lý hoảng loạn lo sợ, cố gắng làm sao để vào bệnh viện điều trị càng nhanh càng tốt. Điều này gây nên tình trạng quá tải trong bệnh viện, khiến cho những bệnh nhân nặng không còn giường để điều trị kịp thời... Để hạn chế tình trạng này, anh cùng Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19 thành lập Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành. Mục đích của mạng lưới này là hỗ trợ y tế, tiếp cận, tư vấn cho người bệnh từ xa, phân loại người bệnh nặng, nhẹ. Nhờ có sự hướng dẫn tận tình của các y, bác sĩ, nhiều bệnh nhân đã bình tĩnh, tự theo dõi tại nhà, còn người bệnh nặng được đưa đến bệnh viện kịp thời.
Nỗ lực hết mình với công cuộc chuyển đổi số
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ diễn ra mạnh mẽ, bác sĩ Đỗ Doãn Bách cho rằng, thanh niên không chỉ là thế hệ kế thừa mà còn là lực lượng tiên phong, thúc đẩy sự phát triển và đổi mới xã hội. “Thanh niên trong kỷ nguyên mới cần kết hợp tri thức với hành động, đổi mới sáng tạo với tinh thần nhân văn để xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Thanh niên ngày nay có lợi thế tiếp cận công nghệ thông tin, máy tính từ sớm và ứng dụng số hóa vào cuộc sống, học tập cũng như công việc. Vì vậy, nhân lực trẻ ngành Y cần nỗ lực hết mình trong công tác chuyển đổi số” - bác sĩ Bách bày tỏ quan điểm.
Là người trực tiếp tham gia phát triển các dự án chuyển đổi số tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Đỗ Doãn Bách chia sẻ, có nhiều lợi ích mà công nghệ mang lại cho ngành Y tế. Chẳng hạn như bệnh án điện tử không chỉ giúp giảm thiểu sai sót trong kê đơn và điều trị mà còn tăng cường hiệu quả quản lý bệnh nhân. Hay như qua các hoạt động thiện nguyện, bác sĩ Bách nhận thấy, không chỉ tại các vùng sâu, vùng xa mà ngay tại Thủ đô Hà Nội, một số người dân có hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế để phát hiện sớm và sàng lọc bệnh tật. Trong khi đó, việc ứng dụng chăm sóc sức khỏe trực tuyến, khám, chữa bệnh từ xa sẽ giúp nhân dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe toàn diện và hiệu quả hơn. Thông qua chuyển đổi số, các bệnh viện tuyến Trung ương có thể thực hiện việc chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các bệnh viện vệ tinh hay tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến cho các bệnh viện tuyến cơ sở tốt hơn.
Đề cập đến vấn đề số hóa dữ liệu hồ sơ y tế, theo bác sĩ Đỗ Doãn Bách, việc này nhằm góp phần thay đổi chất lượng chăm sóc y tế cho người dân, góp phần thống nhất dữ liệu y tế để xây dựng các nghiên cứu về hiệu quả điều trị các bệnh lý mạn tính trên tập dữ liệu người Việt Nam. Khi đó, người dân dễ dàng được theo dõi, chăm sóc và dự phòng bệnh lý hiệu quả, tránh làm xét nghiệm nhiều lần, gây lãng phí nguồn lực.
Bác sĩ Bách chính là đại diện cho những thầy thuốc trẻ luôn tâm huyết, tận hiến, đặt sứ mệnh cứu người lên hàng đầu, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng xung phong đến mọi miền của Tổ quốc để chữa bệnh cứu người, xứng đáng là lực lượng tiếp nối truyền thống vinh quang của các thế hệ thầy thuốc ngành Y tế Việt Nam.