Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):Những dấu mốc lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, cánh quân miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ thực hiện các chiến dịch tiêu diệt địch ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng thủ từ xa, phá thế co cụm và phòng ngự của địch, hình thành thế bao vây chia cắt.
Bài 3: Cánh quân miền Đông Nam Bộ - cực Nam Trung Bộ thọc sâu đánh chiếm Sài Gòn
Đồng thời, cánh quân này hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho lực lượng chủ lực của Miền và của Bộ, tổng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn.

Sáng 30-4-1975, các đơn vị của Sư đoàn 304 đã tiêu diệt toàn bộ cứ điểm căn cứ Nước Trong (Long Thành, Đồng Nai), mở toang “cửa ngõ” cho lực lượng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu trong nội thành Sài Gòn. Ảnh: TTXVN
Tiến công đều khắp
Thực hiện chủ trương của Trung ương Cục về mở đợt tiến công đều khắp nhằm làm chuyển biến cục diện trên toàn chiến trường, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ xác định một trong những đòi hỏi cấp bách trước tiên là xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang.
Bên cạnh việc tổ chức tiếp nhận, chuẩn bị vị trí cho các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn, các quân khu ở miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ khẩn trương phát triển lực lượng vũ trang, hình thành các sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn mũi nhọn, các đơn vị binh chủng và bộ đội địa phương, dân quân du kích. Từ tháng 12-1974 đến cuối tháng 2-1975, phong trào cách mạng ở miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ phát triển mạnh mẽ chưa từng có.
Trước ngày diễn ra chiến dịch Tây Nguyên, vùng Hoài Đức - Tánh Linh được giải phóng, tạo bàn đạp trực tiếp tiến công Xuân Lộc, Biên Hòa và Sài Gòn từ hướng Đông. Lực lượng vũ trang địa phương làm chủ khu vực tuyến Vàm Cỏ Tây, sẵn sàng cắt đứt đường số 4 để cô lập Sài Gòn với Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, ta cũng chiếm lĩnh cả 2 trung tâm viễn thám, truyền tin của địch ở Bà Đen, Bà Rá và khống chế có hiệu quả sân bay quân sự ở Biên Hòa.
Ngày 23-3-1975, bộ đội địa phương tỉnh Bình Long phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công giải phóng thị xã An Lộc, phát triển thế tiến công truy quét địch. Ngày 2-4-1975, ta giải phóng huyện Chơn Thành. Dưới sự giúp sức của lực lượng vũ trang địa phương, Sư đoàn 6, Quân khu 7 phối hợp với Quân đoàn 4 tiến công tuyến phòng thủ được mệnh danh là "cánh cửa thép" Xuân Lộc, giải phóng hoàn toàn tỉnh Long Khánh vào đêm 20, rạng ngày 21-4-1975, mở toang cánh cửa vào Biên Hòa và Sài Gòn từ hướng Đông.
Từ ngày 4 đến 24-4-1975, tỉnh Tây Ninh đã vận động thanh niên tham gia lực lượng vũ trang bổ sung cho quân chủ lực tỉnh; tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo tham gia các tổ chức cách mạng. Nhờ vậy, khi ta tiến công vào trung tâm tỉnh lỵ, đồng bào có đạo cùng nhân dân nổi dậy uy hiếp địch. Đúng 16h ngày 29-4-1975, ta cắm cờ trên nóc dinh quận Trảng Bàng giải phóng toàn huyện.
Ở tỉnh Long An, hai tiểu đoàn của Long An và 2 trung đoàn của Quân khu 8 đánh thẳng vào quận 8, chiếm Tổng nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân Quân đội Sài Gòn; chiếm kho xăng Nhà Bè vào ngày 30-4-1975. Du kích và nhân dân đã đồng loạt nổi dậy chiếm tất cả thị trấn, đồn bốt và căn cứ quân sự của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh.
Tại thị xã Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), 6h ngày 30-4-1975 toàn khu kỹ nghệ Biên Hòa được giải phóng. Cơ sở cách mạng ấp Bình Đa hướng dẫn bộ đội tiếp quản Trại lính Trần Quốc Toản, Ban An ninh, chiếm quận lỵ Đức Tu và giải phóng xã Tam Hiệp.
Sau khi giải phóng hoàn toàn địa bàn Bà Rịa, trưa 28-4-1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh quyết định sử dụng lực lượng Sư đoàn Sao Vàng và Tiểu đoàn 445 thực hiện giai đoạn 2 với phương án giải phóng thành phố Vũng Tàu bằng cả hai hướng đường bộ và đường biển. Địch đã đánh sập cầu Cỏ May, tử thủ Vũng Tàu. Bộ Tư lệnh đoàn quyết định vượt sông bằng cả 2 phương pháp: Bí mật và dùng hỏa lực mạnh chi viện. Chiều 28-4-1975, ngư dân các xã: Long Hương, Phước Lễ, Phước Tĩnh huy động toàn bộ số ghe hiện có đưa bộ đội qua sông, giải phóng Vũng Tàu.
Ngày 26-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn. Cùng với các quân đoàn chủ lực của trên và nhân dân Sài Gòn - Gia Định, trên các hướng, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đồng loạt tiến công các mục tiêu. Sư đoàn 6 (trong đội hình Quân đoàn 4) đánh chiếm các mục tiêu trên trục quốc lộ 1, thị xã Biên Hòa. Sư đoàn 5 (trong đội hình Đoàn 232) tiến công xuống Tân An, Thủ Thừa, chặn cắt đường số 4. Trung đoàn Gia Định phối hợp đánh chiếm các mục tiêu Tân Sơn Nhất, Bà Quẹo, Quán Tre, xa lộ Sài Gòn và cửa sông Nhà Bè. Các đơn vị đặc công biệt động đánh chiếm và chốt giữ các cây cầu Bông, cầu Sáng, cầu Rạch Chiếc…, các trục đường giao thông chính, tạo bàn đạp và dẫn đường cho các binh đoàn tiến vào nội đô Sài Gòn. Lực lượng vũ trang các quận hỗ trợ quần chúng nhân dân nổi dậy, tiêu diệt lực lượng chống cự. Đến ngày 1-5-1975, Côn Đảo - địa phương cuối cùng của miền Đông Nam Bộ được hoàn toàn giải phóng.
Bài học quý về đại đoàn kết
Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thắng lợi này được ghi vào lịch sử như một chiến công oanh liệt và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý.
Đó là, các cấp ủy Đảng và chỉ huy các cấp ở miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ luôn nắm vững, quán triệt và thực hiện sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, quan điểm về bạo lực cách mạng và đấu tranh vũ trang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận dụng phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, sát với yêu cầu thực tế của chiến trường. Ra sức xây dựng, củng cố căn cứ địa, vùng giải phóng, gắn xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh với xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc. Xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân trên cơ sở kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang ở địa phương, cơ sở, trên cả ba vùng chiến lược. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và củng cố thế trận chiến tranh nhân dân địa phương là một yêu cầu mang tính nguyên tắc trong đấu tranh cách mạng và trong xây dựng hòa bình.
Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ dựa trên nền tảng thế trận chiến tranh nhân dân địa phương được củng cố vững chắc đã tạo nên sức mạnh tổng hợp làm tiêu hao, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội chủ lực đánh những đòn tiêu diệt lớn và giành thắng lợi hoàn toàn. Sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân địa phương theo quan điểm của Đảng ta là phải được xây dựng, củng cố từ cơ sở. Không có cơ sở vững mạnh thì không thể có sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân.
Vì vậy, trong xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, chúng ta cũng lấy việc xây dựng, củng cố cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng xã, phường an toàn, làm chủ, sẵn sàng chiến đấu là khâu then chốt để tạo ra sức mạnh tổng hợp, đủ sức đánh bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; ngăn ngừa và dập tắt các “điểm nóng”, giữ vững ổn định chính trị ngay từ địa phương, cơ sở. Đây chính là sự vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
(Còn nữa)