Kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 -2024): Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, cuộc đời và sự nghiệp
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một Đại danh y, Danh nhân văn hóa thế giới. Ông đã để lại cho hậu thế một khối di sản văn hóa đồ sộ, tiêu biểu với nhiều tác phẩm quan trọng, điển hình là bộ sách 'Hải Thượng Y tông tâm lĩnh'.
Cuộc đời và cơ duyên với y học
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (còn có tên là Lê Hữu Huân) sinh năm Giáp Thìn 1724 tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
Thuở nhỏ Lê Hữu Trác nổi tiếng học giỏi; luôn chăm lo đèn sách để tiến thân bằng khoa cử, nhưng chỉ thi đến bậc Sinh đồ rồi nghỉ. Bấy giờ xã hội rối ren, ông bắt đầu nghiên cứu binh thư, luyện tập võ nghệ và gia nhập quân đội. Đến năm 1746, sau khi người anh cả mất, ông rời khỏi quân ngũ, về sinh sống ở thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
Do đau yếu triền miên, Lê Hữu Trác đến nhà thầy thuốc Trần Độc ở Thành Sơn chữa bệnh. Trong thời gian này, ông được đọc sách "Phùng Thị cẩm nang" của Phùng Triệu Trương - danh y dưới triều nhà Thanh (Trung Hoa). Qua bàn luận, nhận thấy Lê Hữu Trác là người am hiểu lý luận âm dương của nghề thuốc, thầy Trần Độc đã truyền dạy nghề thuốc cho ông. Từ đó, Lê Hữu Trác chuyên tâm học nghề làm thuốc, chữa bệnh cứu người. Ít năm sau, Lê Hữu Trác chính thức hành nghề thuốc, chữa bệnh, dạy học trò, nghiên cứu sách y học, trao đổi lý luận, biên soạn và hoàn thành cơ bản bộ sách Lãn Ông tâm lĩnh vào năm 1770.
Năm 1782, tiếng tăm thầy thuốc Hải Thượng Lãn Ông đã truyền tới Kinh thành, chúa Trịnh triệu Lê Hữu Trác về Kinh để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm. Nhiều quan đại thần, danh sĩ tìm đến nhờ Lê Hữu Trác chữa bệnh, kê đơn thuốc và giao lưu thơ ca. Tuy các bài thuốc của ông có hiệu nghiệm nhưng do sự đố kỵ của các Ngự y thời đó, cộng thêm bệnh tình của chúa và thế tử đều đã rất nặng, ông không chắc chắn là chữa khỏi được nên đã tìm mọi cách để cáo lui, về quê. Trong chuyến đi này, Lê Hữu Trác đã viết cuốn Thượng Kinh ký sự.
Trở về quê mẹ, Lê Hữu Trác tiếp tục hành nghề thuốc, biên soạn và hoàn thiện bộ sách Lãn Ông tâm lĩnh. Ông đã ở đây cho đến khi mất vào ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791).
Tấm gương sáng ngời, mẫu mực về y đức
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người đầu tiên đưa ra những quan điểm mới về y đức trong lịch sử y học Việt Nam và y đức cũng là một trong những tư tưởng lớn nhất được thể hiện rõ nét qua các tác phẩm như: Y huấn cách ngôn và các tập Dương ản, Âm án, Y lý thâu nhàn, Thượng Kinh ký sự… Ông luôn coi nghề y là một nhân thuật - một nghệ thuật của lòng thương người và trách nhiệm đối với bệnh nhân. Đây là một tư tưởng hết sức tiến bộ và nhân văn, góp phần quan trọng xây dựng nên nền tảng y đức của y học Việt Nam.
Quan điểm y đức của Lê Hữu Trác không chỉ được thể hiện rõ trong Y huấn cách ngôn mà còn được thể hiện qua những hoạt động, ứng xử trong thực tiễn hành nghề của ông. Trong chuyên luận “Những lời dạy của các tôn y Việt Nam về Y đức” của Giáo sư Ngô Gia Hy đã thống kê được 94 điều, trong đó có 72 điều rút ra từ tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông (38 điều từ Y huấn cách ngôn; 24 điều từ Dương án, Âm án; 10 điều từ tập thơ Y lý thâu nhàn và tập Thượng Kinh ký sự). Những quan điểm y đức của Lê Hữu Trác có sự tương đồng lớn với Lời thề Hippocrate (460 - 377 trước CN) - người được coi là cha đẻ của y học phương Tây.
Người xây dựng hệ thống lý luận, phương pháp chữa bệnh cho y học cổ truyền Việt Nam
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã nghiên cứu, chọn lọc và tiếp thu những tinh hoa của y học cổ truyền Trung Hoa, sáng tạo ra các phương pháp mới, phù hợp với thể trạng và điều kiện sống của người Việt Nam. Nhờ đó xây dựng nên một hệ thống lý luận và phương pháp chữa bệnh mang tính thực tiễn cao và khả năng ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.
Tư tưởng của Lê Hữu Trác về sự cân bằng trong cơ thể là một triết lý y học quan trọng. Phương pháp điều trị của ông không chỉ dừng lại ở việc chữa triệu chứng mà còn bao gồm việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân; sức khỏe không chỉ phụ thuộc vào việc dùng thuốc mà còn ở việc duy trì lối sống lành mạnh và điều hòa cảm xúc. Quan điểm này rất gần với khái niệm y học toàn diện ngày nay.
Trên cơ sở những quan niệm dân gian và kế thừa tư tưởng “Nam được trị Nam nhân” của Đại danh y Tuệ Tĩnh, ông đã dày công đúc kết, sáng tạo cả về mặt lý luận và thực tiễn xây dựng một nền y học độc lập, tự chủ, phù hợp với phong thổ và dược liệu Việt Nam. Ông đã tập hợp và sưu tập các bài thuốc, vị thuốc với số lượng lớn bài thuốc hiệu quả, từ các sách, bài thuốc trong dân gian, bài thuốc gia truyền và các nhà truyền đạo nước ngoài.
Bộ sách nổi tiếng Hải Thượng Y tông tâm lĩnh (gồm 28 tập, 66 quyển) là công trình tâm huyết cả đời thầy thuốc của ông; có giá trị lớn về khoa y dược, góp phần khẳng định chân lý riêng của nền y học cổ truyền Việt Nam, gắn liền kinh nghiệm thực tiễn, phù hợp với phong thổ và dược liệu Việt Nam; thể hiện bản chất tốt đẹp của một nền y học thuần Việt, thấm nhuần đạo đức và đầy tính nhân văn, nhân đạo. Đây chính là một bộ tùng thư chuyên về y học của một tác gia Việt Nam. Nội dung sách rất phong phú, bao quát tất cả lý luận kinh điển đông y xưa về các khoa nội, ngoại, phụ nữ, sản, trẻ em, sởi, đậu mùa, phương thuốc, y án, bản thảo, dược vật,... Ngoài lĩnh vực y học (Đông y), bộ sách còn có giá trị về nhiều lĩnh vực như: văn học, lịch sử, giáo dục, văn hóa học...
Nhà văn hóa có đóng góp quan trọng đối với nền văn học, văn hóa dân tộc
Bên cạnh Y tông tâm lĩnh với các nội dung xuất sắc về y học, Lê Hữu Trác còn thể hiện tài năng văn chương xuất sắc của một nhà văn hóa lớn của dân tộc: vừa là nhà thơ, vừa là nhà văn có phong cách, cá tính tài hoa, độc đáo và có nhiều đóng góp quan trọng cho lịch sử văn học dân tộc. Ông để lại một khối lượng thơ không nhỏ, có thể phân thành hai loại: thơ “diễn ca” và thơ nghệ thuật. Đặc biệt Thượng kinh ký sự (Ký sự lên kinh đô) - phần cuối cùng (quyển 66) của bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh đã đưa Lê Hữu Trác vào danh sách các tác gia lớn của văn học Việt Nam.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ am hiểu mà còn tổng hợp, tinh lọc các giá trị văn hóa bên ngoài (các triết thuyết: Nho, Phật, Lão, Lý dịch, Kinh dịch, Âm dương, Ngũ hành...); giá trị văn hóa truyền thống bản địa, ở cả hai nguồn bác học và dân gian và từ nhiều trước tác của tiền nhân, nhất là trên lĩnh vực y học..., từ đó đúc kết, kế thừa và kiến tạo sản phẩm mới, giá trị mới và đưa vào thực tiễn ứng dụng.
Có thể thấy, trong tư cách nào và ở lĩnh vực hoạt động nào, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác luôn là một Nhân cách - Trí tuệ - Tâm hồn lớn; là tấm gương về lao động, học tập và sáng tạo; sống vì dân, vì con người, vì nghĩa cả.
Sự ghi nhận và vinh danh
Tư tưởng Lê Hữu Trác không chỉ ảnh hưởng sâu rộng đến nền y học cổ truyền Việt Nam mà còn tiếp tục có giá trị trong bối cảnh y học hiện đại. Những triết lý của ông về y đức, y lý, y thuật không chỉ là kim chỉ nam cho ngành y cổ truyền mà còn là những nguyên tắc cốt lõi mà y học hiện đại đang hướng tới. Những tác phẩm của ông không chỉ là tài liệu y học quý giá mà còn là những giá trị, bài học về đạo đức, trách nhiệm và lòng nhân ái của người thầy thuốc.
Để tưởng nhớ công ơn và những đóng góp của Lê Hữu Trác, nhân dân đã xây dựng các Khu Di tích Hải Thượng Lãn Ông tại làng Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên và tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là các quần thể di tích lưu giữ những tư liệu, hiện vật quý liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp khám chữa bệnh của Lê Hữu Trác, bao gồm: Nhà tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông; Nhà thờ Đại tôn họ Lê Hữu; Khu mộ Tổ họ Lê Hữu; Nhà thờ Hoàng giáp Lê Hữu Danh... Các di tích này đã được xếp hạng di tích quốc gia và đầu tư tôn tạo; nhiều con đường, trường học trên cả nước được đặt tên Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Đặc biệt để ghi nhận, tôn vinh những công lao, đóng góp, cống hiến của Hải Thượng Lãn Ông cho nền y học Việt Nam và thế giới, tại phiên họp Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 ngày 21/11/2023 ở Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách các "Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 - 2025", trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Sự vinh danh này không chỉ dành cho những đóng góp của ông trong lĩnh vực y học mà còn là sự ghi nhận ảnh hưởng to lớn của ông đối với nền văn hóa, xã hội Việt Nam và thế giới. Ông không chỉ là một thầy thuốc vĩ đại mà còn là một nhà tư tưởng, một người thầy đã truyền đạt những giá trị nhân văn và đạo đức cho nhiều thế hệ thầy thuốc hiện nay và mai sau.
Kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là dịp để các thế hệ hôm nay tưởng nhớ, tri ân đối với một danh y lỗi lạc trong lịch sử y học dân tộc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông là người dựng "ngọn cờ đỏ thắm" trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng ngời về y đức, y đạo, y thuật cho muôn đời noi theo.