Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025): Lãnh tụ thiên tài, nhà cách mạng kiệt xuất

Ngày 19/5/1890, tại làng Sen (Nghệ An), cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời. Thời điểm ấy, không ai biết rằng cậu bé đó sau này sẽ làm thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc, trở thành vị lãnh tụ thiên tài, nhà cách mạng kiệt xuất, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trình đấu tranh không nghỉ vì độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho Nhân dân.

Hoàng hôn ở Lăng Bác. Ảnh: ST

Hoàng hôn ở Lăng Bác. Ảnh: ST

Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, ngay từ thuở thiếu thời, cậu bé Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành đã nuôi dưỡng trong mình khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc. Năm 1911, Người ra đi tìm đường cứu nước với quyết tâm không gì lay chuyển nổi. Trong hành trình 30 năm bôn ba, từ châu Á sang châu Âu, châu Phi rồi sang tận châu Mỹ, Người đã tiếp cận ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, xác định được con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”.

Sự lựa chọn đó dẫn tới sự kiện lịch sử trọng đại: Ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Sự ra đời của Đảng là kết quả kết tinh của lý luận cách mạng tiên tiến và phong trào yêu nước, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam. Đỉnh cao đầu tiên của sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác kính yêu chính là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công-nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuy nhiên, độc lập chưa được bao lâu, dân tộc ta lại buộc phải bước vào những cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong suốt những năm tháng khốc liệt ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người lãnh đạo tối cao, vừa là linh hồn của kháng chiến, luôn cổ vũ ý chí sắt đá và niềm tin chiến thắng cho toàn dân tộc. Không chỉ dừng lại ở sự nghiệp giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người xây nền móng cho việc xây dựng một nhà nước mới - nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta. Ảnh: ST

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta. Ảnh: ST

Nếu sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc là đỉnh cao vĩ đại của trí tuệ và bản lĩnh Hồ Chí Minh, thì đạo đức và tình yêu thương con người là đỉnh cao nhân cách của Người. Trong tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không phải là những khái niệm giáo điều, xa vời, mà chính là sự kết tinh giữa lý tưởng cộng sản và lòng nhân ái truyền thống của dân tộc Việt Nam, giữa bản lĩnh kiên cường và trái tim nhân hậu, bao dung.

Đạo đức mà Người nêu cao là đạo đức hành động, được thể hiện sinh động trong lối sống, trong từng việc làm hằng ngày. Đó là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là tinh thần vị tha, lối sống giản dị, gần gũi, hòa mình với Nhân dân. Người nhiều lần khẳng định, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không phải chỉ có lòng yêu nước mà còn phải có đạo đức cách mạng. Đi đôi với tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng là đấu tranh chống lại những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, của thói quan liêu, tham nhũng, hách dịch và lạm dụng quyền lực. Người gọi chủ nghĩa cá nhân là “giặc nội xâm”, là căn bệnh nguy hiểm nhất đối với người cán bộ cách mạng.

Đối với Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ, là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, mà còn là người con chí hiếu, người bạn chân thành, người cha nhân hậu. Bác yêu thương Nhân dân bằng trái tim nồng ấm, vô điều kiện, vượt lên mọi giới hạn về tầng lớp, vùng miền. Tình yêu thương của Người với Nhân dân là tình cảm máu thịt, thấm đẫm trong từng suy nghĩ, hành động.

Có thể thấy, đạo đức Hồ Chí Minh là kết tinh rực rỡ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn cao cả. Đó là tài sản tinh thần vô giá mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nguyện suốt đời học tập, làm theo, là ngọn đèn soi sáng cho con đường phát triển bền vững của đất nước. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca vĩ đại về sự hy sinh, tận hiến cho độc lập dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của Nhân dân. Người không chỉ làm nên lịch sử mà còn để lại di sản tinh thần vô giá cho dân tộc Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người sẽ luôn là ánh sáng dẫn đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau./.

PV

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ky-niem-135-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-19-5-1890-19-5-2025-lanh-tu-thien-tai-nha-cach-mang-kiet-xuat-40261.html
Zalo