'Kỷ nguyên vàng' của thị trường lao động đã biến mất?

Trong nhiều thập kỷ, các doanh nghiệp toàn cầu đã dựa vào nguồn lao động nhập cư dồi dào để lấp đầy khoảng trống nhân sự. Nhưng kỷ nguyên 'vàng' này đang dần khép lại.

 "Kỷ nguyên vàng" của thị trường lao động đang dần khép lại khi làn sóng phản đối nhập cư gia tăng khắp thế giới. Ảnh: Bloomberg.

"Kỷ nguyên vàng" của thị trường lao động đang dần khép lại khi làn sóng phản đối nhập cư gia tăng khắp thế giới. Ảnh: Bloomberg.

Theo Bloomberg, trong nhiều thập kỷ, các doanh nghiệp trên khắp thế giới đã quen với việc khai thác nguồn cung lao động nước ngoài dồi dào. Từ những "gã khổng lồ" công nghệ tại Thung lũng Silicon, các nông trại và nhà máy chế biến thực phẩm, đến chuỗi khách sạn, nhà hàng, công ty xây dựng và siêu thị, tất cả đều giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động bằng cách tuyển dụng người nhập cư.

16% dân số Anh, 20% Thụy Điển, 19% Đức và 14,3% Mỹ là người sinh ra ở nước ngoài.

Tuy nhiên, thời hoàng kim của các nhà tuyển dụng đang dần đi đến hồi kết. Điển hình tại Anh, 67% người dân cho rằng tỷ lệ nhập cư hiện tại là quá cao. Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải lãnh đạo duy nhất thắt chặt chính sách nhập cư. Ông Mark Carney, Thủ tướng mới của Canada, cũng đặt ra giới hạn đối với lao động nước ngoài ngắn hạn và sinh viên quốc tế.

Ngay cả Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ Anh trở thành "quốc gia của những người xa lạ".

Bloomberg nhận định nếu việc đối phó với hàng rào thuế quan là thách thức lớn nhất đối với các công ty hoạt động ở nước ngoài, thì quá trình thích nghi với những biện pháp kiểm soát nhập cư ngày càng gay gắt sẽ chính là thách thức lớn nhất tại thị trường nội địa.

Doanh nghiệp khó tiếp cận theo cách làm cũ

Trước xu hướng siết chặt nhập cư đang diễn ra trên toàn cầu, Bloomberg cho rằng doanh nghiệp không thể tiếp tục phản ứng theo hai cách bản năng từng thấy. Thứ nhất là chờ đợi tâm lý công chúng thay đổi. Liệu “bão chính sách” của Tổng thống Mỹ Donald Trump có tự lắng xuống? Và liệu mọi người có thay đổi suy nghĩ khi đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên chăm sóc người lớn tuổi? Thứ hai là chủ động vận động hành lang nhằm nới lỏng chính sách nhập cư.

Cả hai cách tiếp cận này đều không hiệu quả, bởi lẽ chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi mô hình sâu rộng đối với nhập cư hàng loạt, thay vì chỉ đơn thuần là một biến động tạm thời.

Làn sóng phản đối nhập cư đang lan rộng. Thụy Điển đã phải đưa ra các gói tài chính ưu đãi nhằm khuyến khích người di cư trở về quê hương. Động lực chính đến từ những lo ngại về văn hóa, thay vì các tính toán kinh tế đơn thuần. Chính sách hạn chế nhập cư của Mỹ áp dụng từ năm 1924 đã kéo dài đến tận năm 1965, bất chấp nền kinh tế và hệ thống sản xuất hàng loạt dựa vào lao động thủ công thời điểm đó đang phát triển mạnh mẽ.

Thời hoàng kim của các nhà tuyển dụng đang dần đi đến hồi kết. Ảnh: Reuters.

Thời hoàng kim của các nhà tuyển dụng đang dần đi đến hồi kết. Ảnh: Reuters.

Các công ty có thể phải đối mặt với hậu quả của sự thay đổi trong mô hình sớm hơn dự kiến. Vào tháng 4 vừa qua, tỷ lệ di cư ròng (số người nhập cư trừ đi số người xuất cư) vào Mỹ đã giảm xuống còn 600.000 người/năm. Con số này giảm mạnh so với mức 4 triệu người trong năm 2023.

Làn sóng người nhập cư bất hợp pháp qua biên giới Mexico, từng lên đến hàng triệu người dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, giờ chỉ còn nhỏ giọt.

Tỷ lệ di cư ròng vào Anh cũng giảm một nửa trong năm ngoái, và thậm chí còn giảm sâu hơn ở New Zealand.

Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm xuống dưới mức thay thế, đặc biệt nghiêm trọng ở Nhật Bản và Italy. Trong khi đó, các nguồn lao động tiềm năng trước đây, chẳng hạn lao động nữ, đã được khai thác gần như triệt để.

Cơn khát nhân lực khi dòng chảy nhập cư cạn dần

Bloomberg nhận định tại nhiều quốc gia, trong những thập kỷ gần đây, chuỗi cung ứng lao động trong nước đã dần xuống cấp. Một phần nguyên nhân đến từ việc cả Chính phủ và người sử dụng lao động đều có xu hướng lựa chọn giải pháp dễ dàng là tuyển dụng lao động nhập cư. Hệ quả là con đường thăng tiến của lao động trong nước trở nên mờ mịt hơn.

Trong khi đó, giáo dục nghề nghiệp bị bỏ bê nghiêm trọng. “Các doanh nghiệp cần đóng vai trò chủ động hơn trong việc khắc phục những điểm yếu của chuỗi cung ứng nhân tài trong nước”, Bloomberg nhận định.

Các giải pháp bao gồm tài trợ cho trường học bán công, cấp học bổng đại học, cải thiện giáo dục nghề nghiệp, tham gia hướng nghiệp, và mở rộng đối tượng tuyển dụng.

Trong bối cảnh dòng chảy lao động nhập cư đang dần thu hẹp, doanh nghiệp cũng cần có cái nhìn chiến lược hơn về việc áp dụng các kỹ thuật hiệu quả vào sản xuất. Điều này đặc biệt cấp thiết đối với những ngành đang phụ thuộc nhiều vào lao động nước ngoài như xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ khách sạn.

Trong nông nghiệp, sự phát triển của máy móc tích hợp trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ đảm đương được những công việc mà máy móc thông thường không thể làm được, như gieo hạt hay kiểm soát cỏ dại.

Tương tự, trong ngành khách sạn, robot đang ngày càng tinh vi hơn, có thể thực hiện các công việc dọn dẹp.

Amazon.com Inc. và Palantir Technologies Inc. đang tài trợ cho những sinh viên xuất sắc trong suốt quá trình học đại học, hoặc tuyển dụng thêm từ các trường công lập. Timpsons, một công ty của Anh chuyên cắt chìa khóa, sửa điện thoại và giày, lại có chính sách nhân sự độc đáo khi tuyển dụng những cựu tù nhân.

Ở Nhật Bản, Eat & Holdings, một công ty thực phẩm và nhà hàng, đã thử nghiệm robot nấu ăn tích hợp AI tại một trong các chi nhánh của mình.

Các nhà bán lẻ cũng đã triển khai rộng rãi hệ thống tự thanh toán. Tuy nhiên, lối tư duy đổi mới này cần được nhân rộng và đẩy nhanh trên toàn bộ nền kinh tế.

Huy Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/ky-nguyen-vang-cua-thi-truong-lao-dong-da-bien-mat-post1565261.html
Zalo