Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tăng tốc tuyển dụng cuối năm

Trong bối cảnh kinh tế phục hồi và sản xuất tăng tốc, nhiều doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đang gấp rút tuyển dụng số lượng lớn lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong những tháng cuối năm 2025.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS), thị trường lao động thành phố sẽ tiếp tục sôi động trong 6 tháng cuối năm 2025, với nhu cầu dao động từ 151.282 - 159.040 việc làm mới. Các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí, điện - điện tử, hóa nhựa, chế biến lương thực thực phẩm, cùng với các ngành dịch vụ như tài chính, logistics, thương mại, nhà hàng - khách sạn, sẽ là những lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao.

Nhiều doanh nghiệp tham gia các ngày hội việc làm để tuyển dụng lao động cho sản xuất cuối năm

Nhiều doanh nghiệp tham gia các ngày hội việc làm để tuyển dụng lao động cho sản xuất cuối năm

Ông Dương Việt Linh, Giám đốc Kinh doanh Việc Làm Tốt, cho biết nhu cầu tuyển dụng trên toàn quốc đã tăng 26%, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung và Nam Bộ. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận mức tăng kỷ lục 34%, trong khi các tỉnh lân cận tăng 28%.

Các ngành bán lẻ, nhà hàng - khách sạn và sản xuất có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng cao nhất. Cụ thể, nhân viên bán hàng, thu ngân tăng 49%; nhân viên phục vụ tăng 34% va lao động sản xuất tăng 29%.

Nhu cầu tuyển dụng của ngành sản xuất trong năm 2025 có sự phân hóa nhưng được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ từ nửa cuối năm nhờ những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế. Ông Linh nhận định, với Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và việc sáp nhập tỉnh, thành để mở rộng không gian phát triển, 77% doanh nghiệp sẽ giữ nguyên hoặc gia tăng kế hoạch tuyển dụng trong 6 tháng cuối năm. Đáng chú ý, 51% doanh nghiệp đang xem xét mở rộng cơ sở sản xuất tại các địa phương mới sáp nhập để tận dụng nguồn lao động tại chỗ.

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh, khẳng định nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn đang gia tăng. Nhiều doanh nghiệp lớn, có uy tín thường xuyên liên hệ Trung tâm để tìm kiếm lao động.

Trong tháng 6/2025, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm (7 phiên trực tiếp/trực tuyến và 1 phiên kết nối trực tuyến với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ). Trung tâm cũng đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 21.000 lượt người và tư vấn cho 100% người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Doanh nghiệp đã vào các trường đại học thông qua ngày hội việc làm để tuyển dung lao động từ sinh viên.

Doanh nghiệp đã vào các trường đại học thông qua ngày hội việc làm để tuyển dung lao động từ sinh viên.

Mặc dù nhu cầu cao, các doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng. Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc chỉ ra rằng, người lao động có xu hướng chuyển đổi giữa các doanh nghiệp. Các địa phương hiện có nhiều việc làm hơn, khiến tỷ lệ người lao động rời quê hương để làm việc giảm xuống. Trong khi nhiều lao động sau khi nghỉ việc thường chọn hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội một lần hoặc các chế độ khác, thay vì ký hợp đồng lao động mới…

Ông Sơn cũng nhấn mạnh thực trạng "thừa thầy thiếu thợ" trong thị trường lao động. Ông cho rằng, giới trẻ hiện nay quá chú trọng vào công nghệ, ít lựa chọn học kỹ thuật, gây ra sự thiếu hụt lao động "thợ" quan trọng cho nền kinh tế sản xuất. "Cần có chiến lược mới trong đào tạo nhân lực để cân bằng nguồn lực," ông Sơn đề xuất.

Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, cho biết trước khi sáp nhập tỉnh, thành, TP. Hồ Chí Minh có 17 khu chế xuất và khu công nghiệp. Sau sáp nhập, thành phố hiện có 59/66 khu công nghiệp đã hoạt động, với 5.529 dự án (tăng 3,6 lần) và 837.000 lao động (tăng 3,3 lần) so với trước đây. Sự mở rộng quy mô thành phố kéo theo sự thay đổi của thị trường lao động, tạo ra quy mô lớn hơn, đa dạng ngành nghề và trình độ, mang lại nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Ban Quản lý thường xuyên khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong khu chế xuất và khu công nghiệp, sau đó chuyển thông tin đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố và Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên thành phố để hỗ trợ tuyển dụng. Ban Quản lý cũng đóng vai trò trung gian điều phối, giúp doanh nghiệp chủ động điều chuyển hoặc tiếp nhận lao động, đồng thời hỗ trợ đăng tải thông tin tuyển dụng trên website của Ban.

Trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để chăm lo đời sống người lao động và đào tạo nguồn nhân lực. Bà Thư nhấn mạnh rằng, trong xu hướng phát triển công nghệ số và AI, việc đào tạo lại lao động là rất cần thiết, với sự chung tay từ cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-tp-ho-chi-minh-tang-toc-tuyen-dung-cuoi-nam-166760.html
Zalo