Kỷ lục gia thế giới, quái kiệt Mai Đình Tới: Tôi muốn khán giả có thể cảm nhận được âm nhạc qua các nhạc cụ của mình

Được mệnh danh là 'quái kiệt', 'phù thủy âm nhạc', kỷ lục gia thế giới… quái kiệt, nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc Mai Đình Tới trở thành nghệ sĩ 'giàu' nhất Việt Nam với các công nhận kỷ lục trong nước và trên thế giới.

Quái kiệt Mai Đình Tới biểu diễn nhạc cụ tự chế từ chai. Ảnh:T.Mộc

Quái kiệt Mai Đình Tới biểu diễn nhạc cụ tự chế từ chai. Ảnh:T.Mộc

Trong chuyến biểu diễn tại Không gian Văn hóa - ẩm thực Biên Hòa gần đây, quái kiệt Mai Đình Tới đã có những chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần:

Thưa ông, cơ duyên nào đưa ông đến với môn nghệ thuật biểu diễn các loại nhạc cụ tự chế?

- Tôi xuất thân là một nghệ sĩ thổi sáo và là giảng viên của một trường trung cấp tại Đồng Nai. Trong thời gian gắn bó với cây sáo, tôi luôn trăn trở về việc phải tạo ra điều gì đó đặc biệt hơn. Do đó, với quyết tâm và niềm đam mê chinh phục những điều mới lạ, tôi đã bắt đầu với ý tưởng sáng tạo ra những nhạc cụ tự chế. Sau hơn 20 tìm tòi và sáng tạo ra những nhạc cụ tự chế, đến nay tôi sở hữu 32 loại nhạc cụ tự chế từ: chai, ống nhựa, pô xe máy, chén bát…

Bản thân tôi từng gặp nhiều chấn thương trong quá trình biểu diễn như: khi tập bị sưng môi, nhớ nhất là tai nạn từ dàn nhạc cụ bằng bóng điện khi đang thực hiện thì bóng điện vỡ khiến tay bị chảy máu rất nhiều...

Ông mất bao lâu để có nhạc cụ tự chế đầu tiên?

- Món nhạc cụ tự chế đầu tiên của tôi ra đời sau 7 năm nghiên cứu, tìm hiểu. Khi đó tôi chọn sự kết hợp giữa thổi sáo bằng miệng và chơi trống bằng chân, tiết mục này tôi dành tâm huyết suốt 7 năm mới thành công.

Ngay sau khi tiết mục biểu diễn kết hợp sáo và trống được thực hiện với các thao tác độc đáo, tôi được Đài Truyền hình Việt Nam mời quay phim. Từ đó, niềm đam mê của tôi như được tiếp thêm sức mạnh, đến nay tôi đã sáng tạo thành công 32 loại nhạc cụ tự chế.

Được biết, trước khi đến với danh hiệu quái kiệt, ông từng là giảng viên của Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, đến nay, ông có được những học trò nối tiếp nghề của mình chưa?

- Hiện nay, tôi đã có khá nhiều học trò đã thành danh. Một số bạn đã từng ra nước ngoài để biểu diễn trong những chương trình ca nhạc rất lớn. Điều này làm tôi rất tự hào, bởi mình là một thầy giáo, đã đào tạo nên được những hạt giống âm nhạc cho quê hương. Hạnh phúc nhất là được gặp lại học trò với vị thế là một nghệ sĩ trưởng thành, xuất hiện trong những chương trình âm nhạc lớn và nổi tiếng.

Quái kiệt Mai Đình Tới từng biểu diễn ở 62 nước trên thế giới, được xác nhận 5 kỷ lục, danh hiệu gồm: Kỷ lục vàng Chuyện lạ Việt Nam năm 2025, của Đài Truyền hình Việt Nam; Kỷ lục Nghệ sĩ sáng tạo và biểu diễn các loại nhạc cụ tự chế độc đáo nhất Việt Nam và Nghệ sĩ chế tạo dàn nhạc sân khấu bằng ống nhựa lớn nhất Việt Nam. Năm 2012 ông được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập là Nghệ sĩ có nhiều nhạc cụ tự chế độc đáo nhất. Đến năm 2019, ông tiếp tục được tổ chức Liên minh Kỷ lục thế giới (World Records Union) xác nhận là Nghệ sĩ sáng tạo và biểu diễn nhiều loại nhạc cụ tự chế độc đáo nhất thế giới.

Ông làm gì để nuôi những ước mơ của mình?

- Một nghệ sĩ muốn thành công với một loại nhạc cụ nào đó phải tập luyện rất nhiều năm mới có thể thành công. Khi tôi tập thổi sáo bằng mũi, ban đầu tôi chỉ tập thổi với 1 bên mũi không quá khó khăn, nhưng để tập từ 1 bên mũi lên 2 bên thì tôi phải mất 5 năm để luyện tập hơi.

Tuy nhiên, sau khi thành công tập thổi sáo bằng mũi, tôi chuyển sang nhạc cụ tự chế bằng chai. Tập thổi chai cực khó, tôi đã tập luyện đến độ môi bị sưng tấy thường xuyên và rất mệt vì thổi chai rất hao tốn hơi. Và vì tốn hơi nên mỗi bài biểu diễn bằng nhạc cụ chai không quá 5 phút, bởi thổi lâu hơn sẽ bị hoa mắt, chóng mặt. Sự đam mê, nhiệt huyết và thành công chính là những điều kiện để tôi nuôi dưỡng ước mơ của mình.

Ông đã từng biểu diễn ở 62 nước trên thế giới, ông đã được họ đón nhận như thế nào?

- Bình thường, tôi cũng như bao người khác không có gì nổi bật. Tuy nhiên, khi bước lên sân khấu biểu diễn tôi như một con người khác. Ở trong nước, tôi là nghệ sĩ Mai Đình Tới bình thường như bao nghệ sĩ khác, nhưng khi bước ra quốc tế, tôi là một nghệ sĩ đại diện cho đất nước Việt Nam, vì vậy tôi luôn biết mình phải làm thế nào để gìn giữ bản sắc của người Việt Nam. Hiện nay, mỗi nơi tôi đến biểu diễn đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả Việt Nam cũng như sự thán phục từ các nghệ sĩ quốc tế.

Trong 32 loại nhạc cụ, loại nào khó nhất?

- Đối với tôi đến thời điểm hiện tại không có nhạc cụ nào khó hết. Bởi ngay từ đầu tôi đã xác định được mục tiêu và quyết tâm thực hiện. Trên hành trình có nhiều khó khăn nhưng tôi cho rằng có khó thì mình mới phải cố gắng.

Cái khó nhất trong sử dụng nhạc cụ tự chế là sự sáng tạo. Nghệ sĩ phải trực tiếp làm ra nhạc cụ, tập luyện tác phẩm làm sao để có thể đi vào lòng người. Trong quá trình tập phải khéo léo chọn bài cho phù hợp nhạc cụ, không gian, vị trí biểu diễn.

Hiện nay tôi có thể biểu diễn bài nhạc trên nền bất kỳ một nhạc cụ nào mà không cần tập trước. Tuy nhiên, khi biểu diễn tôi luôn chọn bài cho phù hợp từng nơi. Khi ra thế giới, đến quốc gia nào tôi sẽ đánh nhạc của quốc gia đó. Do đó, khi đến các quốc gia biểu diễn, mọi người đều cảm được nhạc của tôi.

Quái kiệt Mai Đình Tới biểu diễn tại Không gian Văn hóa ẩm thực Biên Hòa tháng 12-2024.

Quái kiệt Mai Đình Tới biểu diễn tại Không gian Văn hóa ẩm thực Biên Hòa tháng 12-2024.

Ông có những kỷ niệm ấn tượng nào từ nghề?

- Khi sang Pháp, trước khi biểu diễn 3 tiếng, tôi nhận được thông báo từ Ban tổ chức phải có tiết mục biểu diễn ấn tượng nhất. Tôi đã quyết định chọn nhạc cụ bằng chai. Sau khi tìm mua đủ số chai, tôi phải hoàn thành nhạc cụ bằng chai tự chế trong 3 tiếng để kịp biểu diễn. Màn biểu diễn đã gây ấn tượng mạnh với quan khách đến dự.

Thu nhập từ nghề này như thế nào?

- Thu nhập lớn nhất của tôi chính là những tràng pháo tay của khán giả. Đây là điều quan trọng nhất để tôi duy trì niềm đam mê tới ngày nay. Đương nhiên trong cuộc sống vẫn cần có thu nhập, thu nhập phải đi đôi với những thành công, sự vinh danh nghề nghiệp, kinh tế để duy trì nhưng với tôi chỉ cần đủ, tôi không quan trọng phải có thật nhiều.

Ông có thể chia sẻ với thế hệ trẻ hôm nay để có được tinh thần Việt Nam khi ra thế giới?

- Đầu tiên người nghệ sĩ được mời là sự sung sướng, hạnh phúc trước. Tôi mong muốn khi biểu diễn khán giả không bỏ về. Tôi muốn khán giả hiểu được tâm tư, cảm nhận được âm nhạc của mình. Nếu có cơ hội biểu diễn tại Đồng Nai lần nữa, tôi sẽ biểu diễn những bài hát liên quan đến Đồng Nai.

Thế hệ trẻ hiện nay rất giỏi, hiện đại, đặc biệt là bắt kịp được nhịp sống bây giờ. Bản thân tôi luôn phải cố gắng hơn nữa để phát triển sự nghiệp. Nếu có bạn trẻ nào yêu thích bộ môn của Mai Đình Tới thì tôi sẽ sẵn sàng truyền dạy lại.

Xin cảm ơn ông!

Thủy Mộc (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202502/ky-luc-gia-the-gioi-quai-kiet-mai-dinh-toi-toi-muon-khan-gia-co-the-cam-nhan-duoc-am-nhac-qua-cac-nhac-cu-cua-minh-1e21969/
Zalo