Kỳ họp thứ 9: Quốc hội sẽ quyết định 54 nội dung về lập hiến, lập pháp

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 54 nội dung, bao gồm 3 nghị quyết liên quan đến công tác sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; 51 luật và nghị quyết thuộc công tác lập pháp.

Chiều 4/5, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì cuộc họp báo về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Thông tin về dự kiến chương trình và nội dung của Kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 5/5, dự kiến bế mạc vào ngày 30/6, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1: từ ngày 5-29/5; Đợt 2: từ ngày 11/6 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/6. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 37 ngày.

Đánh giá về kỳ họp thứ 9, ông Vũ Minh Tuấn cho biết: "Đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn phát biểu. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn phát biểu. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, bao gồm 3 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.

Cụ thể, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Trong số các dự án luật sẽ được đưa ra thảo luận và thông qua tại kỳ họp, có nhiều luật mới hoặc sửa đổi đáng chú ý như: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam;…

Nhiều Nghị quyết được Quốc hội đưa ra xem xét, biểu quyết như: Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng…

Quốc hội cho ý kiến 6 dự án luật, bao gồm: Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Dẫn độ; Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; xem xét, quyết định việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội...

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-se-quyet-dinh-54-noi-dung-ve-lap-hien-lap-phap-41101.html
Zalo