Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Xem xét 9 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra từ ngày 21/10/2024, Quốc hội sẽ xem xét 26 nội dung thuộc công tác lập pháp; 9 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác

Quang cảnh Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quang cảnh Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26,5 ngày. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, khai mạc vào ngày 21/10/2024 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 3/12/2024. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, cụ thể: Đợt 1 là 17 ngày, từ ngày 21/10 đến hết ngày 12/11/2024. Đợt 2 là 9,5 ngày, từ ngày 20/11 đến ngày 3/12/2024.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét 26 nội dung thuộc công tác lập pháp; 9 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, căn cứ nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và đề nghị của Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bổ sung 4 nội dung vào chương trình Kỳ họp thứ 8, gồm: Xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (theo trình tự, thủ tục rút gọn); Xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu; Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Những nội dung Chính phủ, các cơ quan đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng liên quan đến lĩnh vực kế hoạch đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng liên quan đến lĩnh vực tài chính; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác; Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

Cho ý kiến về công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp này sẽ có nhiều nội dung, thời gian tiến hành dự kiến sẽ kéo dài. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần phải thúc bách quyết liệt để bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này, tăng tính thuyết phục để các dự án Luật trình được Quốc hội chấp thuận thông qua.

“Năm nay Trung ương họp sớm so với dự kiến là hơn 20 ngày, do đó các báo cáo về kinh tế - xã hội, báo cáo về tài chính ngân sách và một số nội dung liên quan khác thì Chính phủ có đủ điều kiện hoàn thiện để gửi Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thẩm tra sớm. Chính phủ cần chủ động làm rất kỹ, rất sớm trong chuẩn bị hồ sơ, tài liệu", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp bảo đảm thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời, trong đó lưu ý thông tin sâu, cụ thể để đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân hiểu rõ, đồng thuận với những cái nội dung mà Quốc hội đã xem xét, quyết định.

Bảo Thương

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-xem-xet-9-nhom-noi-dung-ve-kinh-te-xa-hoi-ngan-sach-nha-nuoc.html
Zalo