Ký hợp đồng tín dụng 2.500 tỷ đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
Doanh nghiệp dự án và TPBank đã ký kết hợp đồng tín dụng 2.500 tỷ đồng, bảo đảm nguồn lực đưa dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng về đích năm 2025.
Gỡ nút thắt cuối cùng
Chiều nay (10/2), tại Hà Nội, Công ty CP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Ngân hàng Thương mại CP Tiên Phong (TPBank) đã ký kết hợp đồng tín dụng dự án đầu tư xây dựng cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
![Đại diện TPBank và doanh nghiệp dự án ký kết hợp đồng tín dụng giữa sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương, nhà đầu tư và các bên liên quan.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_30_51441733/c2533be80fa6e6f8bfb7.jpg)
Đại diện TPBank và doanh nghiệp dự án ký kết hợp đồng tín dụng giữa sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương, nhà đầu tư và các bên liên quan.
Trên cơ sở thẩm định và thông báo cấp tín dụng tài trợ vốn, tổng số vốn TPBank cam kết cho vay là 2.500 tỷ đồng.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, việc ký kết hợp đồng tín dụng giữa doanh nghiệp dự án và TPBank hôm nay đã tháo gỡ một trong những nút thắt cuối cùng, đảm bảo nguồn lực giải ngân cho dự án Hữu Nghị - Chi Lăng.
![Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_30_51441733/6a316f8a5bc4b29aebd5.jpg)
Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.
"Dự án kết nối với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tầm quan trọng đặc biệt với tỉnh. Các nhà thầu cần tiếp tục tăng cường nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm thông tuyến trong năm 2025 theo đúng chỉ đạo", ông Quỳnh nói.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đây không phải lần đầu tiên TPBank cấp vốn tín dụng cùng Đèo Cả đầu tư hạ tầng giao thông.
Trước đó, tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, TP Bank là ngân hàng cho nhà đầu tư vay vốn tín dụng trong bối cảnh nguồn lực có nhiều khó khăn, hoài nghi về các dự án BOT còn nhiều, dịch bệnh diễn biến phức tạp.
"Cuối cùng, chúng tôi đã cùng ngân hàng thực hiện thành công dự án. Doanh thu và lưu lượng khá tốt so với kế hoạch ban đầu", ông Hoàng nói và cho biết, việc hợp tác không chỉ thể hiện sự tin tưởng mà còn khẳng định trách nhiệm của các bên trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu phía Bắc.
Dự án cao tốc cửa khẩuHữu Nghị - Chi Lăng dài 60km, với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, đi qua địa bàn các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn.
Dự án do UBND tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan có thẩm quyền, Liên danh Công ty Xây dựng Đèo Cả - Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Xây dựng công trình 568 - Công ty Lizen làm nhà đầu tư thực hiện.
Để đưa Dự án về đích đúng tiến độ, các nhà thầu đã huy 907 nhân sự, 439 thiết bị triển khai đồng loạt trên 39 mũi thi công với mục tiêu thông tuyến trong năm 2025.
Trước đó, tại Thông báo số 536/TB-VPCP (28/11/2024), Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất về nguyên tắc được áp dụng cơ chế 70-30 (70% vốn Nhà nước - 30% vốn Nhà đầu tư huy động) như đề nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn.
Đây cũng là tiền đề để doanh nghiệp tiếp tục tháo gỡ bài toán huy động vốn cho các dự án PPP tại những khu vực kinh tế còn nhiều thách thức.
Theo ông Hoàng, dự án Hữu Nghị - Chi Lăng được triển khai trong bối cảnh nhiều khó khăn. Song, với sự nỗ lực của Tập đoàn Đèo Cả - Tập đoàn 568 - Công ty Lizen và Ngân hàng TP Bank, dự án đã đạt những kết quả nhất định.
Những ngày đầu năm, Hữu Nghị - Chi Lăng cùng dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc TP HCM - Chơn Thành - Thủ Dầu Một đã được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo gỡ khó.
"Từ một doanh nghiệp tư nhân với mô hình hợp tác xã tại tỉnh Phú Yên, chúng tôi đã tích góp nguồn lực để tham gia đầu tư các dự án BOT, tiếp cận công nghệ khoan hầm, tích lũy kinh nghiệm tổ chức thi công, phát triển và quản lý dự án, kết nối với các doanh nghiệp khác tổ chức thực hiện chuỗi cung ứng dịch vụ cho ngành hạ tầng giao thông.
![Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_30_51441733/994b98f0acbe45e01caf.jpg)
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.
Đến nay, Tập đoàn Đèo Cả có 20 đơn vị thành viên, quy mô 8.000 lao động, hoàn thành đầu tư, thi công hơn 47km hầm đường bộ, 480km đường cao tốc và quốc lộ, quản lý 18 trạm thu phí đường bộ trên cả nước.
Chúng tôi cũng đã chứng thực mô hình quản trị của mình thành công, chuẩn hóa quy trình quản lý doanh nghiệp giao thông, chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp thực chiến không chỉ cho mình đã nhân rộng cho các đối tác là doanh nghiệp cùng nghành nghề thông qua mô hình cùng đầu tư các dự án PPP++, tổng thầu EPC, EC…", ông Hoàng chia sẻ.
Nghiên cứu phương án tăng lưu lượng trên tuyến
Khẳng định địa phương sẽ bố trí đủ số vốn ngân sách nhà nước tham gia theo quy định tại hợp đồng (49% tổng mức đầu tư), ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, địa phương cùng nhà đầu tư đã thống nất, gửi báo cáo đề xuất Chính phủ xem xét, nâng tỷ lên vốn tham gia của nhà nước tại dự án lên 70%.
Trong Luật PPP sửa đổi quy định đối với các dự án qua vùng kinh tế đặc biệt khó khăn có thể bố trí vốn nhà nước tham gia 70%. Tỉnh Lạng Sơn nằm trong tiêu chí đó.
Sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, địa phương và nhà đầu tư sẽ thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật", ông Quỳnh thông tin.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, tại chuyến kiểm tra dự án đầu năm 2025, địa phương cũng đã báo cáo Thủ tướng xem xét, cho triển khai đoạn Tân Thanh - Cốc Nam lên 4 làn xe thay vì 2 làn theo kế hoạch ban đầu.
"Sau khi tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng hoàn thành, đưa vào khai thác, tỉnh sẽ có giải pháp nâng cao lưu lượng phương tiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư và phương án tài chính", lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định.
Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank cho biết, chưa bao giờ thấy được sự quyết liệt từ Trung ương đến địa phương phát triển mạng lưới giao thông, từ sân bay, bến cảng, đường bộ cao tốc.
![Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_30_51441733/26f52a4e1e00f75eae11.jpg)
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank.
"TPBank trong quá trình phát triển thấy được trách nhiệm của ngân hàng trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển không chỉ trong lĩnh vực chuyển đổi số, xuất nhập khẩu mà còn là các dự án BOT", ông Phú chia sẻ.
Nhớ lại thời điểm 3 năm về trước, dự án BOT nằm trong nhóm các ngân hàng cần cẩn trọng. Nên làm thế nào với các dự án hạ tầng giao thông là câu hỏi được nhiều ngân hàng đặt ra.
Ngay cả thời hạn vay 20 năm, chúng tôi cũng chủ yếu dành cho khách hàng mua nhà có thế chấp bất động sản. Thế nhưng, với dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, thời hạn vay của nhà đầu tư là 21 năm. Quyết định ấy được đưa ra vì Đèo Cả mang lại sự tin tưởng lớn cho ngân hàng.
Sự tin tưởng ấy thể hiện ngay thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng, doanh nghiệp dự án và TPBank đã thực hiện ký kết bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Từ thực tế triển khai của Đèo Cả tại hàng loạt dự án, chúng tôi khẳng định không chọn nhầm đối tác. Khó khăn đến mấy chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành", ông Phú khẳng định.
Cho rằng lễ ký kết tín dụng dự án Hữu Nghị - Chi Lăng là sự liên kết của 3 nhà: Nhà nước - Nhà băng - Nhà đầu tư, theo lãnh đạo TPBank, sau đầu tư, dự án sẽ còn gặp thách thức nếu địa phương không tạo điều kiện tăng lưu lượng xe lưu thông trên tuyến.
"Đầu tư tuyến cao tốc phải đảm bảo tuyến cao tốc đó sống. Dòng tiền ở dự án đến từ dòng người và dòng xe. Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng chỉ thành công khi có sự chung sức, chung lòng của tất cả các bên", lãnh đạo TPBank nói.