Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy cơ sở
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Quy định số 232-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng. Một trong những điểm mới được các cơ sở đảng đón nhận với tinh thần đồng thuận cao là quy định về điều kiện để đảng ủy cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở.
Theo đó, Quy định số 232 nêu rõ điều kiện để đảng ủy cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng bộ cơ sở tương ứng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Theo Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Chỉ giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang (mà cấp trên trực tiếp là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương) khi có đủ các điều kiện sau đây: Có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; có nhiều đơn vị thành viên là tổ chức cơ sở trong cùng một đơn vị chính quyền hoặc cơ quan quản lý; có số lượng từ 400 đảng viên trở lên.
Đến Quy định 232, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bổ sung thêm và quy định rõ hơn về điều kiện để đảng ủy cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở. Theo đó, Quy định 232 nêu rõ: Chỉ giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang (mà cấp trên trực tiếp là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương) khi có đủ các điều kiện sau đây: Có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; có nhiều đơn vị thành viên là tổ chức cơ sở trong cùng một cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; có số lượng từ 400 đảng viên trở lên. Đối với đảng bộ trong các ban, bộ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, đảng ủy trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh có thể ít hơn nhưng ít nhất từ 200 đảng viên trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Bí thư xem xét, quyết định.
Như vậy, quy định mới đã chỉ rõ 2 trường hợp về điều kiện để đảng ủy cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở. Thứ nhất là đảng ủy cơ sở có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; có nhiều đơn vị thành viên là tổ chức cơ sở trong cùng một cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; có số lượng từ 400 đảng viên trở lên. Thứ hai và là quy định hoàn toàn mới: Đối với đảng bộ trong các ban, bộ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, đảng ủy trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh có thể ít hơn nhưng ít nhất từ 200 đảng viên trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Bí thư xem xét, quyết định.
Cũng theo quy định này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc nghiên cứu để hướng dẫn những vấn đề thuộc về phương pháp, quy trình, thủ tục và nghiệp vụ để cụ thể hóa những quy định của Điều lệ Đảng, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn của công tác xây dựng Đảng hiện nay. Việc ban hành quy định về thi hành Điều lệ Đảng mới của Trung ương trong thời điểm này là nhằm phát huy vai trò lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, tiếp tục đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên ở các vị trí cao. Đồng thời, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Để những quy định mới của Đảng sớm đi vào cuộc sống, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt phải được triển khai sâu rộng, nghiêm túc và hiệu quả. Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là các đảng ủy cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở cần bám sát nội dung của Quy định số 232, từ đó xây dựng kế hoạch, chương trình hành động hiệu quả ở địa phương, đơn vị mình.