Ký họa sống động những ngày tiến về Sài Gòn
Chứng kiến sự gian khổ của bộ đội ta trong những ngày kháng chiến và cả niềm hân hoan của ngày thống nhất, ông Trần Mạnh Tuấn, một họa sĩ không chuyên, nguyên phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, đã thực hiện các bức ký họa bằng bút sắt sinh động ghi lại lịch sử không thể nào quên của dân tộc.

Ông Trần Mạnh Tuấn đã ký họa nhiều tác phẩm về giải phóng miền Nam
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất non sông vẫn khắc sâu trong tâm khảm nhiều thế hệ người Việt, đặc biệt là những người từng trải qua giây phút lịch sử ấy.
Ông Trần Mạnh Tuấn, kể: "Tháng 1.1972, tôi nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Lữ đoàn 239 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Nhiệm vụ của bộ đội công binh là mở đường, bảo đảm giao thông thông suốt cho các binh đoàn chủ lực tiến quân giải phóng Sài Gòn. Đầu năm 1975, chúng tôi đóng quân tại Đà Nẵng, cảm nhận rõ rệt không khí sôi sục của chiến dịch Hồ Chí Minh cùng ý chí quyết thắng. Các binh đoàn, các ngành, các cấp cử người vào Nam rất nhiều, như trẩy hội".

Công văn đề nghị cấp giấy giới thiệu cho tổ vẽ vào miền Nam
Trước đó, được giao làm công tác tuyên huấn, tình yêu và khả năng hội họa từ thuở nhỏ đã trở thành vũ khí tinh thần, ông góp phần vào công cuộc kháng chiến qua những pano, áp phích cổ động và những bức tranh ghi lại khí thế hành quân. Trước chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Trần Mạnh Tuấn đã có những ký họa về hình ảnh các binh chủng, đoàn xe nối dài trên đường Trường Sơn, vượt qua những lối mòn xuyên rừng, băng suối…
Để chuẩn bị cho công tác tuyên truyền kỷ niệm 30 năm thành lập binh chủng công binh, từ tháng 2.1975, Bộ Tư lệnh Công binh đã cử một tổ vẽ, gồm Thiếu úy Nguyễn Trần Đốc và hạ sĩ Trần Mạnh Tuấn, vào miền Nam để ghi chép lại hoạt động của bộ đội công binh trong tác chiến hiệp đồng binh chủng chiến dịch mùa Xuân 1975.

Ký họa về đường phố Sài Gòn ngày giải phóng của ông Trần Mạnh Tuấn
"Tôi cùng ông Đốc đến các đơn vị công binh, điểm đến cuối cùng là Sài Gòn. Hai anh em vừa đi vừa vẽ, đến đâu lại liên hệ với các đơn vị để xin đi nhờ xe cho kịp thời ghi nhận những khoảnh khắc lịch sử. Dọc đường, ông Đốc đeo ba lô đựng tập giấy vẽ, còn tôi cầm cuốn sổ tay và cây bút".
Trong bối cảnh máy ảnh còn là một thứ xa xỉ, bút và giấy vẽ đã trở thành công cụ để lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử. Đêm về lại phác thảo ra những gì mình nhìn thấy trong ngày; ông Trần Mạnh Tuấn cho biết, bởi thời gian gấp gáp, nên ông chỉ chắt lọc những chi tiết đặc trưng nhất, phác thảo nhanh những đường nét cơ bản, sau đó hoàn thiện các bức ký họa dựa vào trí nhớ; mục tiêu của ông không chỉ là vẽ đẹp mà là vẽ đúng, để ghi lại một cách chân thực nhất quang cảnh đầy biến động của thời điểm đó.

Các đoàn xe vượt Trường Sơn qua ký họa của ông Trần Mạnh Tuấn
Sài Gòn giải phóng hơn 10 ngày thì ông Tuấn quay ra Hà Nội, hàng chục bức vẽ đã được ông hoàn thiện, dựng lại chi tiết những ký họa còn dang dở; một số bức vẽ của ông ghi lại hình ảnh những đoàn xe tăng tiến về Sài Gòn, hiên ngang tiến vào húc đổ cổng dinh Độc Lập. Năng khiếu đặc biệt trong việc ghi nhớ hình ảnh đã giúp ông tái hiện một cách sống động khung cảnh, phản ánh sinh động những ngày tháng hào hùng của dân tộc, mang vào tranh hơi thở nóng hổi của chiến trận và niềm vui giải phóng. Qua đó, minh chứng cho sức mạnh của nghệ thuật trong truyền tải những giá trị lịch sử, khơi gợi tinh thần yêu nước, ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình của cả dân tộc.
Đến nay, dù đã ngoài 70 tuổi, ông Trần Mạnh Tuấn vẫn tiếp tục sáng tác bằng bút sắt, ghi lại những góc phố, con đường, hàng cây, ngôi nhà của Hà Nội, và đặc biệt là những bức chân dung ấn tượng… Trong số đó, ký họa về những ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cách đây 50 năm vẫn được ông trân trọng lưu giữ.