Kỳ cuối: Khi 'thần dược' được quảng cáo tràn lan ở Philippines
Nằm trong số quốc gia có tỉ lệ người sử dụng mạng xã hội (MXH) thuộc hàng top của thế giới, Philippines phải đối mặt với hiểm họa từ các bài QC, tư vấn y học sai lệch của một số người nổi tiếng xuất hiện đầy rẫy trên các nền tảng MXH.
Đối với nhiều người dân Philippines, không phải đến khi Covid-19 bùng phát, do bị giãn cách xã hội, họ mới tìm "cứu cánh" ở những bài thuốc trên mạng, mà ở quốc gia mà MXH Facebook bùng phát, thu hút gần 80 triệu người sử dụng, trong khi lượng bác sĩ không thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thì những hình ảnh và bài viết quảng bá dược phẩm chưa qua kiểm duyệt thường được phát tán rộng rãi mà không bị xử lý. Chính vì thế, các thông tin y tế sai lệch bùng nổ trên các diễn đàn trực tuyến càng có cơ hội tiếp cận người sử dụng và nhằm tăng tính thuyết phục cho sản phẩm, nhiều video do các blogger có sức ảnh hưởng trên MXH thực hiện còn được lồng ghép, chỉnh sửa như được sự đồng thuận từ các chuyên gia y tế càng khiến nhiều người tin sái cổ, mua về uống.
Nổi lên trong số này có Rosanel Demasudlay, một nữ blogger người Philippines, đã đăng đoạn video quảng cáo loại xà phòng vệ sinh phụ nữ thu hút hàng chục ngàn lượt theo dõi. Với lời khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng xà phòng "Bar Bilat" đã được Cục Quản lý Thực và Dược phẩm (FDA) Philippines kiểm định nhằm điều trị các bệnh da liễu đồng thời giúp "thu hẹp âm đạo" đã đánh vào tâm lý chị em, dù FDA Philippines từng nhiều lần cảnh báo về tình trạng sử dụng các loại xà phòng chưa được phép lưu hành sẽ dẫn tới hàng loạt triệu chứng từ mẩn ngứa đến suy đa tạng.

Xà phòng "Bar Bilat"
Trớ trêu thay, sau vài tháng nhận QC, chính Demasudlay cũng phải thừa nhận việc sử dụng xà phòng Bar Bilat khiến cô cảm thấy ngứa ngáy rất khó chịu, nhưng vẫn không từ bỏ QC này. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, các chuyên gia thuộc Viện Hóa học và ứng dụng Philippines cho biết: "Trên bao bì xà phòng không thấy thông tin về thành phần nguyên liệu. Sản phẩm cũng chưa được đăng ký với FDA".
Càng đáng lo hơn khi quan ngại về sự bùng phát thông tin y tế sai lệch trong thời kỳ dịch Covid-19, các chuyên gia y tế Philippines đã thực hiện các video để cung cấp thông tin chính thống về những tình trạng bệnh lý thông thường. Nhưng lợi dụng danh tiếng các y bác sĩ, phía QC đã chèn hình ảnh những đoạn video này vào bài đăng nhằm tăng độ tin cậy cho các sản phẩm kém chất lượng. Để tăng tính thuyết phục cho sản phẩm, nhiều video còn "chêm chèn" những lời nhận xét từ các chuyên gia y tế và được người nổi tiếng sử dụng. Một số bài còn khẳng định sản phẩm được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Philippines phê duyệt, dù sự thực không phải như vậy. Trong đó, nữ bác sĩ chuyên về cơ xương khớp Geraldine Zamora cũng trở thành nạn nhân của chiêu trò trên khi hình ảnh của cô đã bị lạm dụng trong 1 QC thuốc viêm khớp thuộc danh mục cảnh báo của FDA. Các chuyên gia y tế của Philippines cho biết đã xảy ra một số trường hợp mất thị lực vĩnh viễn sau khi sử dụng thuốc nhỏ mắt mua trên mạng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.
Dù về phần mình, công ty "mẹ” của Facebook là Meta cho biết nền tảng này đã ban hành quy định nghiêm cấm những QC các sản phẩm liên quan đến sức khỏe mà thiếu kiểm chứng và việc quảng bá thuốc không kê đơn phải tuân thủ luật pháp của địa phương, nhưng thực tế cho thấy hàng loạt QC dược phẩm chưa qua kiểm chứng vẫn xuất hiện trên Facebook, Youtube và cả TikTok, nhưng không bị xử lý. Một số MXH cho biết đã hợp tác với Chính phủ Philippines để giải quyết vấn đề bất hợp pháp này.