Kỳ cuối: Giám sát mờ nhạt - Căn bệnh trầm kha

Sự tha hóa của một số cán bộ trong Cục ATTP không phải là một sự cố cá biệt hay hiện tượng nhất thời mang tính đơn lẻ. Đó chính là biểu hiện đau lòng và rõ nét của một 'hệ sinh thái lợi ích' đã âm thầm ăn sâu, len lỏi vào tận từng ngóc ngách trong bộ máy quản lý. Một hệ thống tưởng chừng vận hành trơn tru nhưng thực chất ẩn chứa những kẽ hở nguy hiểm trong quy trình, sự mập mờ thiếu minh bạch trong thực thi, cùng với việc thiếu vắng một cơ chế giám sát thực chất, hiệu quả. Những yếu tố này đã trở thành 'mảnh đất màu mỡ' để các sai phạm không chỉ được bao che mà còn phát triển, lan rộng trong một thời gian dài, mà không hề bị phát hiện hay ngăn chặn kịp thời.

Lỗ hổng lớn từ “hậu kiểm”

Đánh giá về những hạn chế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thực phẩm chức năng giả tung hoành, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng khẳng định: Việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả mang lại lợi nhuận lớn, trong khi chi phí đầu tư thấp, khiến nhiều đối tượng bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm. Cùng với hoạt động buôn lậu ở các tuyến biên giới, việc mua bán thực phẩm qua mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là hàng xách tay ngày càng phát triển, khiến việc kiểm soát, giám sát chất lượng trở nên khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng nhìn nhận, lực lượng hậu kiểm và kinh phí thực hiện công tác này còn mỏng và thiếu, vì vậy các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hành giả, hàng kém chất chất lượng bị phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, lực lượng Công an đã điều tra, xử lý 1.400 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, lực lượng Công an đã điều tra, xử lý 1.400 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, một số quy định pháp luật chưa thật sự chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng như tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm đơn giản, trao quyền cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm. Các công ty vi phạm dùng chiêu trò tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng và lừa đối người tiêu dùng.

Nhiều người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ và phân biệt sõ được thực phẩm, thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe; dễ tin vào quảng cáo sai sự thật, mua hàng qua mạng mà không kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ. Một số cán bộ được giao nhiệm vụ chưa nâng cao trách nhiệm, đạo đức, ngại việc trong việc thi hành công vụ trong cấp phép dẫn tới vi phạm, bị cơ quan Công an điều tra, khởi tố.

Trước thực trạng đó, những câu hỏi cấp thiết được đặt ra: Tại sao khâu hậu kiểm bước then chốt và mang tính quyết định trong chuỗi bảo đảm an toàn thực phẩm lại biến thành hình thức chiếu lệ, thiếu nghiêm minh và gần như không đủ sức răn đe? Và quan trọng hơn hết, cơ chế vận hành nào đã để cho một bộ phận cán bộ lợi dụng vị trí, quyền hạn của mình để biến sự tin tưởng của xã hội thành công cụ phục vụ cho lợi ích cá nhân và nhóm nhỏ?

Thực tế không thể phủ nhận rằng, quy trình quản lý ATTP hiện nay đang tồn tại rất nhiều bất cập nghiêm trọng. Trong đó, một trong những nguyên nhân cốt lõi chính là các quy định pháp lý còn thiếu sự chặt chẽ cần thiết, chưa đủ sức ràng buộc và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm. Không những vậy, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng vẫn diễn ra theo kiểu rời rạc, thiếu đồng bộ và chưa đạt hiệu quả thực sự.

Đặc biệt, cơ chế giám sát nội bộ hiện vẫn yếu kém, thiếu tính độc lập và minh bạch, khiến cho “vùng xám” trong quản lý ngày càng rộng mở. Chính “vùng xám” đó đã tạo cơ hội cho một số cá nhân và tổ chức lợi dụng để “lách luật”, thao túng quy trình, biến hệ thống quản lý vốn được thiết lập như một “lá chắn” bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công cụ phục vụ cho lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân đầy nguy hại.

Chính vì vậy, để vá lại những lỗ hổng nghiêm trọng và nguy hiểm ấy, dư luận cho rằng việc đầu tiên và cấp thiết nhất là tiến hành tái cấu trúc toàn diện hệ thống quản lý ATTP. Việc số hóa toàn bộ quy trình cấp phép, kiểm định và hậu kiểm không chỉ nhằm nâng cao tính thuận tiện, minh bạch mà quan trọng hơn, nó tạo ra khả năng truy vết chi tiết, giám sát nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ mọi hành động trong suốt chu trình quản lý.

Đây chính là một trong những chìa khóa quan trọng nhất để xóa bỏ hoàn toàn những “vùng tối”, những khoảng không gian mờ ám, mập mờ trong các mối quan hệ lợi ích giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Nhờ đó, người dân và toàn xã hội sẽ có thêm điều kiện giám sát, phản biện, đồng thời phục hồi niềm tin vào hệ thống quản lý vốn đã bị lung lay nghiêm trọng.

Song song với đó, cần thiết lập một hệ thống phân quyền minh bạch, đặt trách nhiệm cụ thể, rõ ràng lên vai từng người đứng đầu ở các cấp quản lý, đặc biệt là những người trực tiếp được giao trọng trách quản lý và giám sát hoạt động của Cục ATTP cũng như các đơn vị trực thuộc.

Mọi sai phạm, dù là nhỏ nhất, cũng phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh không khoan nhượng, tuyệt đối không tồn tại “vùng cấm” hay ngoại lệ cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Đây là bước đi quyết liệt nhằm loại bỏ triệt để những “vùng an toàn” cho các hành vi tiêu cực, đồng thời xây dựng và củng cố văn hóa làm việc chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm và tận tâm trong toàn ngành.

Dư luận cho rằng, chống tiêu cực không thể dựa vào những văn bản chỉ đạo chung chung, các cuộc họp rút kinh nghiệm mang tính hình thức hay những bản cam kết thiếu sức nặng và tính thực chất. Thay vào đó, cần thiết phải xây dựng một hệ thống giám sát độc lập, được trang bị đầy đủ năng lực chuyên môn sâu rộng cùng quyền lực thực sự, đủ sức ảnh hưởng và tác động đến tất cả các quyết định quan trọng trong quy trình quản lý. Hệ thống này cần được cung cấp các công cụ hiện đại và quyền hạn đầy đủ để có thể tiến hành kiểm tra, rà soát toàn diện, từ việc thẩm định hồ sơ cấp phép, kiểm tra hậu kiểm, đến thanh tra đột xuất và xử lý các hành vi vi phạm một cách triệt để.

Bịt kín những lỗ hổng quản lý, giám sát

Mới đây, trong cuộc họp Chính phủ, khi đề cập đến tình trạng thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả, hàng giả…, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính không khỏi bức xúc và khẳng định: “Cả nhà máy xí nghiệp lớn sản xuất nhiều năm trời, số lượng hàng trăm tấn vậy mà các cơ quan quản lý không biết, không nắm được. Điều đó chỉ có 2 dạng, một là mất hết ý chí chiến đấu, hai là có tham nhũng, tiêu cực ở đây”.

Báo cáo trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, tình hình vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả có diễn biến rất phức tạp; trong đó nổi lên hoạt động sản xuất, buôn bán sữa giả, thực phẩm chức năng giả. Theo số liệu của Cục ATTP, Bộ Y tế, từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm toàn quốc phát hiện trên 45.000 trường hợp vi phạm về ATTP và xảy ra trên 109 vụ ngộ độc thực phẩm, làm chết hơn 25 người.

Riêng năm 2024 toàn quốc xảy ra 135 vụ ngộ độc thực phẩm, làm ảnh hưởng sức khỏe trên 4.936 người, làm 24 người chết. Trước diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của tình hình ATTP, từ đầu năm 2025 đến nay, Bộ Công an đã triệt phá, điều tra xử lý hàng chục vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, hoạt động quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài, với doanh thu mỗi năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng, xâm hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng.

Chỉ ra những nguyên nhân của thực trạng trên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm khẳng định, theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 15 của Chính phủ, Bộ Y tế đã chỉ định 56 phòng kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý Nhà nước, trong đó có 19 đơn vị hết hạn hoặc bị thu hồi giấy phép, còn 37 đơn vị đang hoạt động (gồm 14 đơn vị thuộc Nhà nước và 23 đơn vị tư nhân); đã phát hiện có sự câu kết, móc nối giữa các đối tượng vi phạm với đơn vị kiểm nghiệm để cung cấp kết quả kiểm nghiệm không, để hợp thức hóa thủ tục xin công bố sản phẩm và đối phó với cơ quan chức năng. Các đối tượng còn câu kết, móc nối với các đối tượng tại các cơ quan quản lý Nhà nước để được tạo điều kiện cấp phép, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GMP cho nhà máy, từ đó đủ điều kiện sản xuất thực phẩm giả.

Sự thật phũ phàng là, nếu không có những cuộc điều tra của Cơ quan Công an được tiến hành khách quan và minh bạch, cũng như nếu thiếu đi sức ép mạnh mẽ, liên tục và có tổ chức từ dư luận xã hội, thì rất có thể những hành vi tiếp tay, bao che cho thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng sẽ mãi được che giấu khéo léo dưới lớp vỏ bọc tinh vi mang tên “đúng quy trình” hay “đúng luật”.

Trong một hệ thống mà những kẽ hở và bất cập vẫn còn tồn tại, việc để cho các sai phạm ấy lặng lẽ phát triển là một mối nguy hại không chỉ cho ngành y tế mà còn cho toàn thể xã hội. Niềm tin của người dân, vốn là tài sản vô giá của bất kỳ hệ thống quản lý nào, không thể được khôi phục chỉ bằng những lời nói suông hay các lời xin lỗi mang tính hình thức, đặc biệt là khi sự việc đã bị phơi bày, hậu quả thì đã rõ ràng và niềm tin thì đã bị tổn thương nghiêm trọng.

Thay vào đó, niềm tin ấy phải được tái tạo và củng cố một cách bền vững, dựa trên nền tảng của sự minh bạch tuyệt đối, của trách nhiệm rõ ràng và những hành động quyết liệt, cụ thể, có sức răn đe mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi từ những người đứng đầu cao nhất của Bộ Y tế và Cục ATTP phải có một sự chấn chỉnh, “làm lại” toàn diện đối với những người không chỉ có trách nhiệm quản lý mà còn phải là tấm gương về đạo đức và sự nghiêm minh trong thi hành công vụ trong lĩnh vực ATTP. Nếu không có sự đổi thay căn bản, dũng cảm và có hệ thống, lòng tin của người dân không chỉ khó có thể phục hồi mà còn có nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn.

Hệ quả của một hệ thống quản lý yếu kém và thiếu trách nhiệm sẽ không chỉ dừng lại ở một vài cá nhân hay đơn vị cụ thể. Sự rạn nứt trong niềm tin đó sẽ lan tỏa, gây tổn hại sâu rộng đến toàn bộ hệ thống thể chế quản lý ATTP, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng vốn là giá trị thiêng liêng và căn bản nhất của xã hội. Đây là một bài toán lớn không chỉ về kỹ thuật quản lý mà còn về đạo đức xã hội, đòi hỏi một sự thức tỉnh sâu sắc và cam kết mạnh mẽ từ tất cả các cấp, ngành.

Cuối cùng, một bài học lớn và không thể bỏ qua chính là quản lý ATTP không thể và không bao giờ chỉ là trách nhiệm riêng lẻ của một cơ quan, một nhóm người hay một bộ phận nhỏ trong bộ máy Nhà nước. Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và minh bạch giữa các ngành, sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của từng người dân, doanh nghiệp, và sự giám sát hiệu quả, liên tục từ các tổ chức xã hội, báo chí và cộng đồng.

Một trong những kiến nghị của Bộ Công an đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng đã nêu rõ: “Với mục đích cao nhất là phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ ATTP, xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát lại các quy định pháp luật liên quan, để sửa đổi, bổ súng; thực hiện các giải pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý; chấn chỉnh, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động cấp phép, kiểm nghiệm, hậu kiểm; gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới”.

Chỉ khi có sự chung tay góp sức của mọi thành phần xã hội, hệ thống quản lý, mới có thể trở nên trong sạch, minh bạch và có đủ sức mạnh để bảo vệ tối đa quyền lợi thiết thân nhất của mỗi người, đó chính là sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phap-luat/ky-cuoi-giam-sat-mo-nhat-can-benh-tram-kha-i769641/
Zalo